Trận Salamis – Chiến thắng quyết định của nền văn minh Hy Lạp trước Đế Quốc Ba Tư

(trích sách Đại Hải Chiến, Historia, Herodotus,v.v)

Salamis là hòn đảo, đồng thời cũng là tên gọi của eo biển hẹp được tạo bởi đảo Salamis và thành phố Piraeus nằm ở phía Tây Bắc Athena của Hy Lạp. Tại đây đã diễn ra trận đại hải chiến lớn đầu tiên trong lịch sử nhân loại [1]. Trận hải chiến Salamis trong cuộc chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư (500 – 449 Tr.CN).

Vào năm 522 Tr.CN, vua Darius I – “Vua của các vị vua” lên ngôi, được thừa hưởng một đế quốc Ba Tư rộng lớn, trong đó có cả phần lãnh thổ ở vùng Tiểu Á. Sau khi lên ngôi, Darius I tích cực củng cố và xây dựng đất nước, tiến hành nhiều cải cách, tiếp tục công cuộc mở mang bờ cõi và gặt hái được nhiều chiến công, đồng thời đập tan các cuộc nổi loạn ở xứ Media và Babylon.

Năm 499 Tr.CN, người Ionian ở Hy Lạp phất cờ khởi nghĩa. Các xứ Eretria, Athena đứng về phía họ để giải phóng người Hy Lạp khỏi ách nô dịch của Ba Tư. Quân đội Ba Tư do Darius I phái đến đã dẹp tan cuộc nổi dậy này. Với việc đánh bại quân nổi dậy Ionian, lần đầu tiên vua Ba Tư Darius I chạm trán với người Hy Lạp. Đây cũng là nguyên nhân để vua Darius I thực hiện giấc mộng chinh phục bán đảo Hy Lạp.

Xứ Hy Lạp thời đó không phải là một quốc gia thống nhất[2] mà là tập hợp từ các thành bang như Athena, Thebes, Gorith, Sparta… từ lâu đã là những nền văn minh có sự phát triển rực rỡ trên mọi lĩnh vực triết học, khoa học, nghệ thuật thậm chí còn áp đảo cả đế quốc Ba Tư. Những người đứng đầu các thành bang luôn có tinh thần tự chủ, không chịu khuất phục các đế quốc Babylon, Ai Cập và giờ đây họ quyết không chịu làm chư hầu của đế quốc Ba Tư.

Năm 492 Tr.CN, Quân đội Ba Tư chia thành hai cánh quân: thủy binh và bộ binh tiến hành cuộc viễn chinh lần thứ nhất vào Hy Lạp.

Tuy nhiên, trên đường đi, lực lượng thủy binh của họ bị một cơn bão mạnh nhấn chìm tại eo biển Hellespont, làm chết hai vạn lính thủy. Riêng lực lượng bộ binh thì bị nhân dân xứ Thrace chống trả mãnh liệt, gây tổn thất nặng nề và phải rút quân trở về. Sau thất bại này, Darius I một mặt tiếp tục chuẩn bị chiến tranh, mặt khác thực hiện các đòn hù dọa nhằm khuất phục người Hy Lạp. Darius I phái các sứ giả đến các thành bang Hy Lạp yêu cầu cống nạp và gây áp lực buộc người Hy Lạp phải đầu hàng Ba Tư. Các thành bang Athena và Sparta kiên quyết cự tuyệt. Người Athens đã giết chết sứ giả Ba Tư quăng xuống hố sâu, còn người Sparta thì vứt sứ giả Ba Tư xuống giếng và nói:

“Nhà ngươi hãy đi xuống đấy mà lấy đất và nước!”.

Hai năm sau (năm 490 Tr.CN), Darius I quyết định phát động cuộc viễn chinh xâm lược Hy Lạp, tiếp tục thực hiện tham vọng thống trị khu vực Địa Trung Hải. Đoàn quân viễn chinh Ba Tư xuất phát từ đảo Samos, men theo bờ biển vùng Tiểu Á, lần lượt đánh chiếm các đảo Naxos, Delos. Nhân dân các đảo quyết chiến đấu chống quân Ba Tư, nhưng chỉ một tuần sau, quân Ba Tư đã chiếm được các đảo.

Hầu hết dân cư ở đây đều trở thành nô lệ và vùng biển này trở thành căn cứ xuất phát của Hạm đội Ba Tư sang phía Tây. Sau thắng lợi đó, quân Ba Tư tiếp tục tiến vào biển Attica, đổ bộ lên bờ biển xứ Athena. Trên cánh đồng Marathon đã diễn ra trận quyết chiến chiến lược và thắng lợi cuối cùng thuộc về Hy Lạp. Cuộc chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư lần thứ nhất kết thúc.

Sau thất bại trong trận Marathon, Darius I bắt đầu kế hoạch chuẩn bị cho cuộc chinh phục Hy Lạp lần thứ hai. Tuy nhiên, vào năm 486 Tr.CN, người Ai Cập nổi loạn và Darius I buộc phải hoãn cuộc chinh phạt. Cùng trong năm này, Darius I chết sau 36 năm trị vì Ba Tư. Xerxes – con trai cả của Darius I lên ngôi đã nhanh chóng tổ chức lực lượng, đập tan cuộc nổi dậy của người Ai Cập, đồng thời khởi động lại việc chuẩn bị cho cuộc xâm lăng Hy Lạp. Mùa Xuân năm 480 Tr.CN, sau 10 năm chuẩn bị phục thù, vua Ba Tư chỉ huy đại quân gồm cả thủy binh và bộ binh xuất phát từ Abydos tiến vào châu Âu, rồi men theo bờ biển Thrace xâm nhập vào vùng đất Hy Lạp cả trên biển lẫn trên bộ.

Về phía Ba Tư:

Ngay từ khi lên ngôi, vua Ba Tư, Xerxes đã chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình chuẩn bị tiến đánh Hy Lạp, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng thủy binh. Quan điểm của Xerxes cho rằng, đây là cuộc viễn chinh quy mô lớn, đòi hỏi việc lập kế hoạch phải dài hạn, phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, chắc thắng mới tiến đánh Hy Lạp. Với quan điểm đó, trong một thời gian dài, Xerxes đã huy động được một đội quân đông tới hàng vạn người cùng hàng nghìn chiến thuyền bao gồm chủ yếu là người Ba Tư, A rập, Ai Cập; ngoài ra còn có người Hy Lạp ở các thành bang, khu vực bị quân Ba Tư xâm lược… Theo sử sách ghi lại, vào thời điểm diễn ra cuộc chiến tranh với Hy Lạp, Ba Tư đã xây dựng được một lực lượng đông tới 1.700.000 người, trên 1.200 chiến thuyền và trong đó có đến 500.000 quân trực tiếp chiến đấu[3].

Về phía Hy Lạp:

Để đối phó với các đạo quân Ba Tư, những người đứng đầu các thành bang Hy Lạp, trong đó chủ yếu là vai trò của Themistocles – Thủ lĩnh thành bang Athena chủ trương phải xây dựng một lực lượng bộ binh và hải quân hùng hậu, trong đó chú trọng tăng cường hải quân với việc tập trung phát triển các đoàn chiến thuyền mạnh nhằm gây thanh thế và đối phó với ngoại bang.

Theo chủ trương trên, ngoài lực lượng quân bộ, Hy Lạp đã thành lập được một lực lượng thủy binh lớn và đóng thêm được 200 chiến thuyền có ba bậc chèo, đồng thời tích cực rèn luyện quân sĩ tác chiến trên biển, đủ sức đối phó với quân Ba Tư. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ở Hy Lạp vẫn đang diễn ra một số cuộc chiến tranh giữa thành bang nên Athena không có đủ nhân lực để chiến đấu trên đất liền cũng như trên biển.

Trước tình hình đó, đầu năm 481 Tr.CN, dưới sự chủ trì của Themistocles, các thành bang Hy Lạp đã tổ chức thành công Đại hội tại Corinth, đưa đến sự ra đời của Liên minh các thành bang Hy Lạp.

Sau khi nhận được tin các đạo quân Ba Tư tiến theo cả hai đường thủy – bộ tiến vào Hy Lạp, Themistocles cử vua Sparta là Leonidas dẫn 300 chiến binh đến đóng giữ tại khu vực hẻm núi Thermopylae với hy vọng chặn đứng bước tiến công trên bộ của địch. Ông đã chỉ huy quân ra sức chiến đấu, nhưng vì một tên phản quốc dẫn đường đánh lén nên hơn 300 quân của Leonidas đã bị đánh tan tác; hầu hết tướng sĩ của Sparta đều hy sinh; vùng Thermopylae hoàn toàn thất thủ.

Sau khi đánh chiếm được Thermopylae, lực lượng bộ binh Ba Tư đánh thẳng vào Attica, chiếm đóng thành Athena.

Lúc bấy giờ, lực lượng thủy binh Hy Lạp với gần 400 chiến thuyền cùng hàng nghìn thủy thủ do Thống soái Miltiades chỉ huy được lệnh rút vào vịnh Salamis. Về mặt kế hoạch chiến lược, trong nội bộ những người đứng đầu Liên minh các thành bang Hy Lạp bắt đầu có sự chia rẽ. Một bộ phận tướng lĩnh chủ trương muốn đưa hạm đội bỏ vịnh Salamis, nhưng Themistocles kiên quyết thực hiện trận quyết chiến, tiêu diệt đại quân Ba Tư tại eo biển này.

Khi toàn bộ lực lượng thủy binh đã neo đậu an toàn trong vịnh, Miltiades ra lệnh cho toàn bộ phụ nữ và trẻ em sơ tán đến thành Troezen tại bán đảo Peloponesus, còn những trai tráng trưởng thành thì được trưng tập vào quân ngũ chuẩn bị cho một trận quyết chiến tại vịnh Salamis.

Giữa tháng 4 năm 480 Tr.CN, lực lượng thủy binh Ba Tư vượt qua eo biển Hellespont. Tại đây, Xerxes nói trước ba quân rằng:

“Ta ra lệnh cho các ngươi hãy tham gia cuộc chiến này với tất cả sức mạnh của mình. Chúng ta đang hành quân chống lại quân nổi dậy ở phía Tây. Nếu chúng ta đánh bại họ, quân đội chúng ta sẽ là vô địch. Vì vậy, chúng ta hãy cầu nguyện trước các vị thần của Ba Tư để họ phù hộ cho chúng ta chiến thắng”[4].

Trên 1.200 thuyền của Ba Tư với khoảng 517.000 binh lính, và một số lượng khoảng 1 triệu người phục vụ, khí giới, lương thảo được lệnh nhổ neo tiến đánh Hy Lạp.

Biết tin Ba Tư xuất quân, Themistocles – Tổng chỉ huy các đạo quân Hy Lạp ra lệnh cho tất cả các thành phố vùng duyên hải phải dựng các chướng ngại vật dọc theo bờ biển để ngăn quân đối phương đổ bộ, đồng thời hạ lệnh cho quân sĩ thực hiện cuộc nghi binh, rút chạy khỏi Athena để kéo Hạm đội Ba Tư vào eo biển Salamis.

Trên đường rút chạy và sơ tán dân, Themistocles đều gửi lời nhắn lại cho các đội Ionia Hy Lạp trong Hạm đội Ba Tư, yêu cầu họ hãy rời khỏi những “người man rợ”[5] để gia nhập đội ngũ chiến binh Hy Lạp.

Cuộc đụng độ trên biển đầu tiên giữa các đạo quân Ba Tư và Hy Lạp diễn ra vào sáng ngày 27 tháng 8 năm 480 Tr.CN khi Hạm đội Ba Tư tiến vào phía eo biển Artemisium (bắc đảo Euboeaa), nơi có những chiến thuyền tiên phong quân Hy Lạp đang trú ngụ, nhằm mục tiêu đánh chiếm thành Athena. Lúc đó, vị trí đóng quân của Hy Lạp tại eo biển Artemisium có khoảng 271 thuyền chiến. Nếu Artemisium bị đánh chiếm, thủy quân Ba Tư có thể dễ dàng hội quân với lực lượng bộ binh ở Thermopylae.

Trước một lực lượng Ba Tư áp đảo cả về số lượng, các thuyền chiến Hy Lạp đã thực hiện đòn nghi binh, cho một số thuyền ra khiêu khích. Quân Ba Tư bắt đầu tiến vào vịnh Pagasae với một số lượng thuyền lớn hơn so với dự kiến. Vào cuối ngày hôm đó, phía Hy Lạp bắt giữ 15 thuyền đối phương khi các thuyền Ba Tư nhầm tưởng rằng đó là nơi neo đậu của Hạm đội Ba Tư.

Theo sử gia Herodotus, người Ba Tư không tấn công vào ban ngày vì họ lo ngại phải đối diện với sức mạnh của các thuyền chiến và bộ binh Hy Lạp. Do vậy, Xerxes quyết định sẽ tiến công quân Hy Lạp vào đêm tối để đảm bảo thắng lợi.

Xerxes cho dàn thuyền chiến thành ba hàng trong đêm tối và khi bố trí xong thì vừa đến sáng. Nhưng ngay lúc đó, có một cơn bão từ phía Đông Nam ập tới, mưa lớn, sấm sét phá tan đội ngũ thuyền chiến Ba Tư, đánh dạt hàng trăm chiếc vào bờ và một số chiếc bị chìm, xác chết nổi khắp mặt biển.

Khi tập hợp lại, Hạm đội Ba Tư chỉ còn khoảng 800 chiếc.

Xerxes cử Nữ hoàng xứ Halicarnassus đồng thời cũng là nữ tướng – Artemisia chỉ huy 5 chiến thuyền bất ngờ tiến công vào phía Hy Lạp. Hạm đội Hy Lạp thua khi trời gần sáng. Artemisia bắt được một viên chỉ huy của Hy Lạp, sai đem buộc vào mũi thuyền, cắt cổ cho máu chảy xuống biển để tạ ơn thần biển.

Tiếp đó, quân Ba Tư thừa thắng xông lên, kéo đại quân xuống phía đông đảo Euboeaa. Vượt qua Artemisium, quân Ba Tư nhanh chóng chiếm cuối phía bắc đảo Euboeaa và hội quân với lực lượng đổ bộ tại Thermopylae, thực hiện ý đồ đè bẹp quân Hy Lạp trên bộ và trên biển.

Trong khi đó, quân Hy Lạp đang nung nấu ý chí phục thù, nhân cơ hội này đã tổ chức phản công lại quân Ba Tư vào đêm tối tại Artemisium. Sau thắng lợi trên, quân Ba Tư tỏ ra chủ quan, khinh địch, không kịp trở tay trước đòn tiến công của quân Hy Lạp. Khoảng 30 chiếc thuyền đã bị quân Hy Lạp đánh chìm. Số còn lại phải tháo chạy ra biển, nhưng lại gặp giông bão nên tiếp tục bị đánh đắm, làm hư hỏng nhiều chiếc thuyền khác. Sau ba ngày trời yên, biển lặng, quân Ba Tư lại kéo quân trở lại mỏm Euboeaa, tiếp tục nghênh chiến với quân Hy Lạp, nhưng bị thua và phải rút lui về cảng Sepia. 

Trong khi đó, quân Hy Lạp nhận được thêm viện binh và thực hành truy kích địch, dụ kéo quân Ba Tư vào sâu eo biển Salamis.

Nhận được tin quân Hy Lạp rút chạy khỏi Athena, Xerxes đã ra lệnh cho Hạm đội Ba Tư quay thuyền hướng về phía Salamis để chặn quân Hy Lạp từ phía Nam. Khi hoàng hôn buông xuống, Themistocles tiếp tục tung tin giả, thu hút đoàn thuyền chiến của Ba Tư vào sâu hơn nữa eo biển Salamis. 

Đến đây, trời đã tối hẳn. Cho rằng, quân Hy Lạp vì sợ hãi mà rút chạy, Xerxes ra lệnh hạ trại và lập ngai vàng trên sườn núi Aigaleos (nhìn ra eo biển) với mục đích chỉ huy quân Ba Tư và quan sát trận chiến đấu giữa các chiến binh Hy Lạp và Ba Tư ở một vị trí thuận lợi nhất.

Cuộc tiến quân của Ba Tư tiếp tục hướng về phía Nam, qua Phocis – vùng đất của người Phocis đã thực hiện kế sách “vườn không nhà trống” trước khi người Ba Tư đến. Vì vậy, quân Ba Tư gần như không gặp khó khăn nào khi tràn qua các thành phố phía Nam.

Lúc này, toàn bộ Hạm đội Hy Lạp đã được bày binh bố trận tại Salamis. Sau khi được tiếp viện, quân Hy Lạp tại Salamis có khoảng 380 tàu và 80.000 quân, bao gồm cả các tay chèo, binh sĩ và đội phục vụ…

Theo lệnh của Themistocles, những người dân ở đây đã dựng lên các bức tường gỗ ngăn chặn quân Ba Tư đổ bộ lên đất liền. Lực lượng bộ binh tại hòn đảo này có khoảng từ 5.000 đến 6.000 người với nhiều cung thủ xuất sắc, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ các thuyền chiến. Nhiệm vụ chính của họ là bảo vệ bờ biển, ngăn cản bất kỳ sự đổ bộ nào của quân Ba Tư, buộc đối phương phải tiến thẳng vào eo biển, nơi lực lượng thủy binh đang mật phục. Ngoài ra còn có hàng nghìn người dân là những nô lệ, ngư dân… thực hiện nhiệm vụ trên đất liền như vận chuyển khí giới, nấu ăn, đưa tin… Phần lớn phụ nữ, trẻ em, người già đã được sơ tán trước đó. Đêm trước của trận hải chiến, quân Hy Lạp đã đổ bộ một lực lượng lớn lên đảo Psyttaleia, nằm giữa Salamis và đất liền, sử dụng một cánh quân tiến sang phía Tây để bao vây Salamis. Các thuyền chiến đang đậu ở vị trí giữa Ceos và Cynosoura cũng được lệnh tăng cường kiểm soát toàn bộ khu vực này, nhằm ngăn chặn và dụ đoàn thuyền của Ba Tư vào sâu eo Salamis. Sự có mặt của lực lượng thủy binh ở đây còn giúp các cư dân còn lại trên đảo vào những nơi trú ẩn an toàn trước khi trận chiến diễn ra. Họ chuẩn bị cho trận chiến hoàn toàn trong im lặng, giữ bí mật tuyệt đốỉ, tránh sự phát hiện của đối phương.

Sau khi toàn bộ Hạm đội Ba Tư đã lọt vào eo biển Salamis, quân Hy Lạp bắt đầu phản công. 

Theo sử gia Herodotus, trước khi trận chiến diễn ra, Themistocles đã có lời kêu gọi đối với binh sĩ trên các thuyền chiến, quyết tâm đánh thắng quân “man rợ” Ba Tư. Chạm trán với quân Hy Lạp ở eo biển được chuẩn bị chu đáo và có trật tự theo chiến thuật phalanx – một đội hình chiến thuật bộ binh cơ bản trong thời kỳ cổ đại, thủy quân Ba Tư trở nên lộn xộn, thiếu tổ chức và vùng eo biển hẹp càng trở nên chật chội hơn. Tuy nhiên, liên quân Hy Lạp chưa tấn công ngay lập tức mà tiếp tục cho một số thuyền ra khiêu khích để dụ đoàn thuyền chiến của quân Ba Tư vào vị trí thuận lợi nhất cho đợt phản công.

Xerxes chia lực lượng thuyền chiến của Ba Tư thành ba cánh quân: cánh quân thứ nhất ở phía Nam đảo Psyttaleia để chặn quân Hy Lạp ở phía Đông và Tây eo biển. Cánh quân thứ hai bao gồm các đội thuyền của Phoenicia và Ionia tiến hành bao vây Salamis. Cánh quân thứ ba chủ yếu là Hạm đội Ai Cập được đánh giá là thiện chiến nhất sẽ ở phía Nam eo biển hẹp giữa Salamis và Megara với mục tiêu thu hút đối phương và giải quyết nhanh chóng trận chiến bằng thế áp đảo của lực lượng thuyền chiến.

Cuộc chiến đấu thực sự bắt đầu vào lúc bình minh.

Theo Herodotus, khi cờ hiệu được phất lên, cuộc chiến tại Salamis mới thực sự bắt đầu. Theo phương thức chiến tranh cổ điển, trận chiến đấu diễn ra chủ yếu giữa các hoplites trên boong, các cung thủ và người phóng lao… Cũng theo Herodotus, trận hải chiến diễn ra hết sức khó khăn cho người Ba Tư bởi họ hoàn toàn bị bất ngờ khi rơi vào bẫy của người Hy Lạp. Sự lộn xộn của các thuyền chiến Ba Tư ngày càng trầm trọng trước các đội hình phalanx kinh điển. Tính kỷ luật và trật tự của các chiến binh Hy Lạp được phát huy tối đa trên biển. Quân Hy Lạp sử dụng các tàu nhẹ, cơ động áp sát đánh vào mạn tàu, đồng thời dùng các tàu có mũi nhọn đâm thẳng vào tàu đối phương. Cách đánh của hoplites Hy Lạp đã làm cho các đội thuyền của Ba Tư ngày càng trở nên hỗn loạn.

Trên khắp chiến trường, hầu hết các cánh quân của Ba Tư đều bị đẩy lùi.

Cánh quân thứ hai do tướng Ariabigne (người anh em của Xerxes) chỉ huy, nhanh chóng bị quân Hy Lạp giết

chết. Đội quân Phoenicia như rắn mất đầu, trở nên hỗn loạn, bị đẩy lùi hoàn toàn, nhiều tàu bị mắc cạn. Ở vị trí trung tâm, cánh quân thứ ba bị các tàu của Hy Lạp đánh chia cắt, không có khả năng đối phó với quân Hy Lạp.

Bị tiến công bất ngờ và chưa được chuẩn bị với cách đánh áp mạn, Hạm đội quân Ba Tư bị đánh thiệt hại nặng, buộc phải rút khỏi Salamis. Quân Hy Lạp tổ chức truy kích, đánh bại Hạm đội Ba Tư.

Những chiến binh Ba Tư trên các thuyền chiến đầy thương tích, hoặc bị cháy cố thoát khỏi thuyền bằng cách lao xuống biển, nhưng hầu hết bị chết do quân Hy Lạp trút mưa tên xuống biển thảm sát.

Artemisia, nữ hoàng xứ Halicarnass chỉ huy đoàn thuyền Caria bị đoàn thuyền của Pellene do Ameinias chỉ huy đuổi theo. Để thoát khỏi sự bủa vây của thuyền chiến Hy Lạp, thuyền của Artemisia tự đâm vào một tàu của Ba Tư và thuyết phục Ameinias rằng, đây là đội thuyền của liên minh Hy Lạp. Tin lời Artemisia, Ameinias bỏ cuộc săn đuổi.

Đứng trên núi quan sát, Xerxes nhầm tưởng rằng, Artemisia đã đâm được thuyền của liên minh Hy Lạp và bày tỏ sự thất vọng đối với các nam thuyền trưởng khác. Ông nhận xét rằng, “những người đàn ông đã biến thành đàn bà và người đàn bà duy nhất trong hàng ngũ tướng lĩnh đã trở thành đàn ông”.

Trước sự phản công mãnh liệt của quân Hy Lạp, các đội thuyền chiến của Ba Tư buộc phải rút lui về phía Phalerum, nhưng đã rơi vào ổ phục kích của quân Hy Lạp tại eo biển.

Thuyền chiến của Ba Tư bị đánh đắm gần hết, các binh sĩ trên thuyền hoặc bị chết do cung, đao, hoặc bị chết đuối, số còn lại bị bắt làm tù binh.

Những chiếc thuyền còn lại mình đầy thương tích trở về cảng Phalerum và nơi trú ẩn của quân Ba Tư. Xerxes ngồi trên núi Aigaleos trong ngai vàng đã chứng kiến sự tàn sát giữa quân Hy Lạp và Ba Tư, ra lệnh giết hết các chỉ huy và thủy thủ bỏ chạy.

Vào lúc hoàng hôn, Salamis không còn bóng dáng những chiếc thuyền chiến của Ba Tư, quân Hy Lạp hoàn toàn kiểm soát eo biển.

Trận hải chiến kết thúc.

Kết thúc trận Salamis, quân Ba Tư thiệt hại nặng. Phần lớn quân sĩ bị tiêu diệt; một số bị bắt làm tù binh, nhưng sau đó cũng bị quân Hy Lạp giết chết. Thuyền chiến của Ba Tư bị đánh đắm, mất hơn 200 thuyền[6]. Tổn thất về người không được thống kê một cách chính xác, nhưng theo Herodotus, người Ba Tư chịu nhiều thương vong hơn người Hy Lạp bởi hầu hết binh sĩ Ba Tư không biết bơi trong một cuộc hỗn chiến đẫm máu, thuyền đắm, bốc cháy khắp eo biển.

Quân Hy Lạp giành thắng lợi hoàn toàn. Phía Hy Lạp tổn thất khoảng hơn 40 thuyền. Phần lớn lực lượng (thuyền chiến, binh sĩ…) được bảo toàn. Số tù binh Ba Tư bị bắt trong trận hải chiến bị phía Hy Lạp chặt đầu.

Sau trận Salamis, cuộc chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư vẫn còn tiếp diễn. Tuy nhiên, với thất bại của các đạo quân Ba Tư tại Salamis, tương quan lực lượng giữa Hy Lạp và Ba Tư đã đảo ngược. Sau trận đánh đó, liên minh Hy Lạp từng bước giành quyền chủ động trên chiến trường, liên tiếp đánh bại quân Ba Tư tại Phataeu (479 Tr.CN) và đã truy kích chúng tới vùng phía Bắc Hy Lạp, giải phóng toàn bộ đất đai Hy Lạp. Không những vậy, hải quân Hy Lạp còn đánh bại Hạm đội Ba Tư ở ngoài biển Aegean, giải phóng nhiều hòn đảo vốn đang nằm trong sự thống trị của Đế chế Ba Tư.

Cũng từ sau trận Salamis, tính chất của cuộc chiến tranh Hy Lạp chống Ba Tư bắt đầu thay đổi. Đối với Athena, cuộc chiến từ chỗ là chiến tranh tự vệ chuyển sang chiến tranh bành trướng ra nước ngoài. Năm 478 Tr.CN, Athena tiến công eo biển Hắc Hải, đánh chiếm Hellespont. Cũng trong năm đó, các thành bang Hy Lạp trên các đảo, ngoài biển Aegean và vùng Tiểu Á vì cần thiết phải đối phó với Ba Tư nên liên kết thành đồng minh do Athens lãnh đạo. Sau khi thành lập đồng minh, Athens không chỉ làm cho Ba Tư suy yếu, mà còn mở rộng đất đai và lãnh thổ sang cả phía Đông và phía Tây; xác lập được quyền bá chủ của Hy Lạp ở phía Đông Địa Trung Hải; mở rộng con đường giao thương đi đến Hắc Hải. Đó chính là những điều kiện thuận lợi giúp Hy Lạp phát triển kinh tế, xã hội, quân sự và văn hóa vào những năm cuối của thế kỷ V Tr.CN.

Trận Salamis là trận đại hải chiến đầu tiên trong lịch sử chiến tranh thế giới được sử sách ghi chép lại. Qua cách mô tả của Herodotus và các nhà sử học sau này cho thấy:

1. Khi tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Hy Lạp, người Ba Tư đã đưa quân viễn chinh đi rất xa các căn cứ của họ.

Trong điều kiện đường sá xa xôi lại bị ngăn chặn liên tục, công việc tiếp tế của họ trở nên rất khó khăn. Quân đội Ba Tư là một đạo quân ô hợp, đa số binh lính bị trưng tập một cách cưỡng bức từ nhiều bộ lạc,từ nhiều dân tộc, phải xa rời quê hương để bán mạng cho tầng lớp thống trị Ba Tư nên sĩ khí của họ rất thấp, dù có số lượng đông nhưng không hiệu quả.

2. Thắng lợi của thủy quân Hy Lạp trong trận Salamis xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là nhân dân Hy Lạp đã tiến hành một cuộc chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược. Họ chiến đấu vì không chịu số phận bị chinh phục, nô dịch và bảo vệ nền độc lập của mình nên tinh thần chiến đấu rất cao. Người dân Hy Lạp đã tích cực chuẩn bị cho cuộc chiến trong một thời gian dài (10 năm, kể từ sau trận Marathon), trong đó rất chú trọng xây dựng lực lượng thủy binh, bao gồm cả việc đóng thuyền chiến, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật tác chiến trên biển, khí giới, lương thực, thực phẩm, lực lượng phục vụ… Trong chiến đấu, các tướng sĩ Hy Lạp không quản ngại khó khăn, sẵn sàng xả thân vì quốc vương và dân tộc.

3. Trong trận Salamis nói riêng, chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư lần thứ hai nói chung, Hy Lạp đã quy tụ được đội ngũ tướng lĩnh có tài thao lược, biết áp dụng những chiến lược và chiến thuật phù hợp.

4. Về chiến thuật, các tướng lĩnh Hy Lạp đã vận dụng sáng tạo đội hình phalanx trên biển, một đội hình chiến thuật bộ binh cơ bản trong thời kỳ cổ đại, dùng thuyền nhẹ và cơ động thực hiện có hiệu quả lối đánh áp mạn và đâm vào thuyền đối phương. Cách bố trí theo đội hình phalanx với những chiếc thuyền nhẹ, dàn mỏng đội hình là hết sức táo bạo đã tạo nên thế trận hiểm hóc của người Hy Lạp trên biển. Từ việc bố trí đội hình như vậy đã tạo nên lối đánh áp mạn và đâm thẳng vào đội hình thuyền chiến Ba Tư, làm cho hầu hết đều bị đắm hoặc cháy.

5. Về chiến lược, ngay sau khi phát hiện Xerxes có ý đồ sử dụng một lực lượng lớn thủy binh và bộ binh nhằm đè bẹp quân Hy Lạp cả trên biển lẫn trên bộ, Themistocles đã khôn khéo thực hiện các đòn nghi binh, tránh không đối đầu trên bộ và ở vùng biển rộng, giả vờ thua để dụ địch vào eo biển hẹp, nơi có phần lớn lực lượng thủy binh đang mật phục. Để thực hiện ý đồ này, trước khi quân Ba Tư đến, Themistocles đã ra lệnh cho các thành phố ven biển, đặc biệt là Athena sơ tán dân ra khỏi thành phố và đắp những bức tường gỗ ngăn chặn quân Ba Tư đổ bộ. Tài thao lược của Themistocles và các tướng lĩnh Hy Lạp còn được thể hiện ở chỗ họ đã biết triệt để lợi dụng địa hình, địa vật, biết chọn đúng thời cơ giao chiến khi dụ được quân địch vào vùng biển chật hẹp, hạn chế sức mạnh của quân Ba Tư, thực hiện đòn phản đột kích, giành thắng lợi quyết định cho quân Hy Lạp.

Trận Salamis đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật tác chiến trên biển của người Hy Lạp, trong đó Themistocles là người có những đóng góp lớn lao nhất. Với tài thao lược của mình, ông đã được sử sách ghi vào hàng ngũ các danh tướng nổi tiếng thế giới thời cổ đại.

Như thế, cùng với trận Marathon, thắng lợi của người Hy Lạp trong trận hải chiến Salamis đã làm tan vỡ mộng tưởng của  người Ba Tư chinh phục châu Âu, góp phần quyết định kết thúc cuộc chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư lần thứ hai. Đó cũng là chiến thắng của nền văn minh Hy Lạp đối với văn minh Lưỡng Hà dưới triều đại Ba Tư. Trận Salamis là một trong những trận hải chiến nổi tiếng nhất thế giới cổ đại.

Chú thích:

[1] Các nguồn sử liệu về cuộc chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư do sử gia Hy Lạp Herodotus, người được gọi là “Cha đẻ lịch sử” ghi lại.

[2] Thậm chí không phải là một thực thể địa lý. Người Hy Lạp lúc đó không chỉ sống ở xứ Hy Lạp mà còn định cư ở phía Đông biển Địa Trung Hải. Họ di cư đến biển Aegnean và thiết lập các khu định cư ở bán đảo Iatalia và xứ Sicilia và tất cả các bờ biển vùng Tiểu Á với khoảng 200 thành bang.

[3] Con số này rõ ràng có phóng đại, nhưng quân đội của Ba Tư là hết sức to lớn. Theo phỏng đoán của các nhà nghiên cứu cận đại, tổng số quân của  Ba Tư Đại đế chừng 500.000 người. Riêng các binh sĩ trực tiếp chiến đấu có khoảng chừng 180.000 người,cũng có nhà nghiên cứu phán đoán chừng 150.000 người.

[4] William Shepherd, Salamis 480 BC, Osprey Publishing Ltd, 2010, p. 45.

[5] Cách gọi của người Hy Lạp đối với người Ba Tư.

[6] Theo Herodotus, số lượng thương vong của quân Ba Tư chưa thực sự chính xác. Tuy nhiên, ông khẳng định, Hạm đội Ba Tư tại eo biển Salamis có khoảng 300 thuyền. Số lượng tổn thất phụ thuộc vào số lượng tàu tham gia, với khoảng từ 200 đến 300 thuyền.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *