Phật giáo nước ta dưới thời Lý từng phát triển rất hưng thịnh, hầu như chiếm vị thế số một trong xã hội. Tuy nhiên càng về sau, việc người dân xuất gia đi tu ngày một nhiều dần trở thành mối lo với nhà nước. Năm 1198, Thái uý Đàm Dĩ Mông dâng tấu lên vua Lý Cao Tông, trình bày về vấn đề này rằng:
“Hiện nay tăng đồ chênh lệch hơn một nửa so với phu dịch. Chúng tự kết bè bạn, lập càn sư thầy, tụ họp sống chung, làm việc ô uế. Nơi giới trường, tinh xá dùng rượu thịt công khai, nơi thiền phòng, tịnh viện thì gian dâm kín kẽ. Ngày nấp đêm làm như loài cáo chuột, bại tục phá giáo, dần dần thành thói. Như thế mà không cấm, lâu ngày ắt nảy thêm.”
Cao Tông nghe xong thì thuận theo lời, cho phép loại bỏ bớt sư sãi. Đàm Dĩ Mông bèn ra lệnh tập hợp tăng nhân, tạm giữ họ tại kho thóc để chờ xác minh. Sử sách không nói rõ lệnh này có được áp dụng trên quy mô cả nước hay không, nhưng cho biết khi việc hoàn tất chỉ có vài chục nhà sư có danh tiếng được giữ lại, còn số còn lại bị đánh dấu vào tay (có lẽ là xăm mực) rồi bắt hoàn tục.
Nguồn: Việt sử lược