Ảnh: Niayu
Năm Mậu Ngọ (1258), sau chiến thắng chống Mông Nguyên xâm lược lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông đem vợ cũ là Chiêu Thánh gả cho tướng Lê Tần, phong ông tước Bảo Gia Vương và đổi tên thành Lê Phụ Trần.
Không biết vua Trần Thái Tông làm như vậy có ý gì, phải chăng ông muốn tìm cho Chiêu Thánh một nơi nương tựa khi xế bóng mãn chiều hay không còn muốn thấy bà ở lại nơi cung vàng điện ngọc, chỗ mà một thời đã thuộc về bà, về triều Lý? Chỉ biết rằng lệnh vua ban ra, nào ai dám chống, lại có sự khuyên nhủ của mẹ nên Chiêu Thánh đồng ý lấy Bảo Gia Vương Lê Phụ Trần nếu nhà Trần thực hiện ba điều kiện của bà:
– Xóa bỏ ngay lệnh truy sát, bức hại tôn thất nhà Lý.
– Lăng miếu thờ các vị hoàng đế, công thần triều Lý phải được giữ gìn, chăm sóc chu đáo.
– Dinh của Lê Phụ Trần phải chuyển ra xa Hoàng Thành.
Sau khi triều Trần chấp nhận các điều kiện trên, Chiêu Thánh mới đồng ý kết hôn cùng Lê Phụ Trần, lúc này bà dù 40 tuổi nhưng vẫn còn xuân sắc mặn mà. Chiêu Thánh sống hòa hợp bên Lê Phụ Trần, đó là những ngày tháng tốt đẹp nhất của cuộc đời bà.
Chỉ một năm sau ngày cưới, Chiêu Thánh sinh hạ một người con trai đặt tên là Lê Tông, còn có tên khác là Lê Phụ Hiền (sau được ban quốc tính và đổi tên là Trần Bình Trọng), tiếp đó bà sinh thêm một người con gái tên là Ngọc Khuê (sau được phong là Ưng Thụy quận chúa).
Vậy là hạnh phúc đã đến với Chiêu Thánh, tuy muộn màng nhưng dù sao đó cũng là kết thúc có hậu mà bà đáng được hưởng sau bao phen tủi hờn, sầu thảm.
Bà được thờ ở 6 nơi: Long Miếu điện, đền Yên Thành, Đình Giao Tự, Đình Thái Bình, Đình Tình Quang, Đình Hào Khê.
Nguồn: Lý Chiêu Hoàng Một đời sóng gió, Lê Thái Dũng