YI QI – KHI LOÀI “RỒNG” CÓ THẬT…

Yi là một chi khủng long thuộc họ Scansoriopterygid. Chi này gồm một phân loài duy nhất là Yi qi (tiếng Quan Thoại: 翼; bính âm: yì; nghĩa đen: “cánh” và 奇; qí; “lạ”, Yi qi nghĩa là “đôi cánh kỳ lạ”, đọc là “ee chee”), được biết đến như là một loài khủng long chim nhỏ từng sống vào cuối kỷ Jurassic tại khu vực ngày nay là tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, khoảng 160 triệu năm trước. Chúng là loài khủng long đầu tiên từng được biết có màng cánh được cấu tạo giống như cánh của loài dơi ngày nay và cũng là loài khủng long có tên ngắn nhất trong tất cả. Sau này có thêm loài Ambopteryx longibrachium cũng có cấu tạo cánh giống vậy nhưng nhỏ hơn, cũng sống vào kỷ Jurassic ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.

Chúng là một loài khủng long nhỏ ăn côn trùng, nặng chưa đầy 0.4 kg và dài 60 cm. Chúng có chiếc đầu nhỏ, giống chim hơn là khủng long. Đôi chân ngắn và có móng sắc, hai chi trước có 3 ngón, ngón đầu tiên ngắn nhất và ngón thứ 3 là dài nhất. Đuôi chúng có bốn cọng lông dài chỉa ra sau. Ngoài ra, chúng có một cấu trúc xương cổ “tay” dài, cấu tạo khác biệt hoàn toàn so với các loài khủng long chim, mọc ngược và kéo dài từ trước ra sau, nối với nhau bằng một lớp màng da, tạo thành dạng cánh như của loài dơi. Những loài khủng long chim khác bay được do có lông trên hai chi trước còn chúng thì không, chúng bay được là do màng da giữa các ngón tay. Yi qi không phải là tổ tiên trực tiếp của loài chim, và đặc biệt hơn là không có gì liên quan đến nguồn gốc của loài dơi, nhưng đôi cánh của nó là một ví dụ tuyệt vời về sự tiến hóa hội tụ. Vào những thời điểm khác nhau, rất nhiều loài động vật đã tiến hóa như thế, rõ ràng nhất là trong nhóm các loài động vật có vú có khả năng bay lượn. Ngoài loài dơi thì có loài sóc bay. Ở một mức độ nào đó, đây là một tính năng khá phổ biến, nhưng đây thực sự là một cú shock khi nhìn thấy điều này trong một con khủng long thời tiền sử.

Mẫu vật hóa thạch đầu tiên và duy nhất được biết đến của Yi qi được tìm thấy bởi một nông dân tên Wang Jianrong, trong một mỏ đá gần làng Mutoudeng. Wang đã bán hóa thạch này cho Bảo tàng Thiên nhiên Sơn Đông Điền Dự vào năm 2007. Chúng như kiểu một sinh vật thần thoại giống rồng gọi là Wyvern (một loài rồng châu Âu có hai chân), với đầu cùng cơ thể giống loài diều hâu, đôi cánh của loài dơi và còn có răng nhỏ. Một số người đã từng lo ngại hóa thạch này chỉ là một trò chơi khăm của ai đó bởi vì phát hiện này rất khó tin, trước đó ở Trung Quốc cũng từng xảy ra nhiều trường hợp chơi đểu vậy rồi. Để chứng minh đây là hàng xịn, nhóm nghiên cứu đã thẩm định bằng cách thực hiện quét CT của mẫu hóa thạch này để xác định rằng đây là 100% hàng thật. Họ cũng đã kiểm tra các tế bào siêu nhỏ gọi là melanosome. Những tế bào này tạo ra sắc tố ở động vật và các nhà khoa học có thể phân tích cấu trúc của chúng để biết chúng có màu sắc ra sao khi còn sống. Họ phát hiện ra rằng lông của Yi qi hầu hết là màu đen với một số chỗ màu đỏ hoặc hơi vàng trên phần cánh và đầu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *