Các chiến binh vĩ đại (phần 3)
Câu truyện về những người lưu danh sử sách vì lòng can đảm vượt bậc, đã một mình chống lại nhiều kẻ thù, khiến người đương thời và hậu thế phải kính ngưỡng.
Marcus Cassius Scaeva
Marcus xuất thân từ đại tộc Cassia của thành Rome, nơi sản sinh ra nhiều tướng quân, chính trị gia nổi tiếng . Ông phục vụ cho Julius Caesar với chức vụ centurion, tức đại đội trưởng chỉ huy 80 người. Năm 48, Caesar bị thua trận đánh tại Dyrrachium trong cuộc Nội chiến thành Rome nhưng thiệt hại không lớn lắm. Vì chiến đấu dũng cảm nên Marcus được thăng làm chỉ huy một cohort gồm 480 người thuộc quân đoàn số 6. Ông và đơn vị được lệnh trấn thủ một tiền đồn thuộc vùng Apollonia để cản bước quân của Pompey – đối thủ của Caesar trong khi Caesar tập hợp lại quân đội của mình.
Theo sử gia Suetonius sống ở thế kỷ thứ II thì tiền đồn của Marcus đã bị bao vây bởi một đội quân đông áp đảo. Marcus đã tự mình đứng chắn cổng, chỉ huy lính đánh bật nhiều cuộc tấn công của quân địch. Trong trận đánh, một mắt ông bị trúng tên văng ra ngoài (hoặc có nguồn nói rằng ông đã tự nhổ mũi tên ra kéo theo cả con ngươi như Hạ Hầu Đôn), ngoài ra còn hai vết thương khác ở vai và đùi. Tấm khiên của ông thì bị thủng 120 lỗ vì tên bắn. Đổi lại, xác quân địch chất thành đống quanh nơi ông đứng. Có một lúc, dường như Marcus gục xuống vì các vết thương. Khi chỉ huy quân địch cử hai lính lê dương đến kiểm tra thì ông vùng dậy, vung kiếm giết chết một người và chém rơi cánh tay người còn lại.
Quá kinh hãi trước sức chống cự kiên cường của Marcus, quân địch phải ngừng tấn công và sau đó rút lui khi viện binh của Caesar tới tăng cường. Julius Caesar sau đó củng cố lại quân đội và đánh thắng một trận quyết định tại Pharsalus, khiến Pompey phải bỏ chạy sang Ai Cập và chết tại đó. Số phận của Marcus Cassius Scaeva sau đó không rõ, những người yêu thích lịch sử ở phương Tây thường gọi ông là: Người La Mã “cứng” nhất.