CHÂU CHẤU NÚI ROCKY – SINH VẬT BỊ TUYỆT CHỦNG NHANH NHẤT VÀ BÍ ẨN NHẤT

Châu chấu núi Rocky có tên khoa học là Melanoplus spretus là một loài châu chấu rất phổ biến ở phía Tây Hoa Kỳ và một phần ở Tây Canada (Bắc Mỹ). Chúng thuộc phân bộ Châu chấu gồm các loài côn trùng ăn lá với danh pháp khoa học là Caelifera. Ở Việt Nam người ta thường phân biệt các loài bằng các tên gọi khác nhau như châu chấu hoặc cào cào, thông thường thì châu chấu là loài có phần đầu nhọn còn cào cào là loài có đầu bằng, ở một số vùng khác thì ngược lại. Châu chấu có các râu ngắn hơn phần thân, đôi chân sau phát triển và rất khỏe trong khi cấu tạo cánh của chúng không phát triển mấy (cánh sau có màng còn cánh trước thì khá dai không phù hợp cho cuộc sống bay lượn) nên chúng thích hợp cho cuộc sống nhảy trên mặt đất hơn và thông thường thì châu chấu cái sẽ to hơn con đực một chút. Ngoài ra, chúng còn có thể dễ dàng phát ra âm thanh bằng các cọ sát đùi sau vào cánh trước hoặc vào bụng hoặc bật tanh tách cánh trong khi đang bay để phát ra âm thanh.

Châu chấu núi Rocky thuộc họ Acrididae (là những loài châu chấu, cào cào thường di chuyển theo những bầy đàn siêu siêu lớn, nhất là vào mùa khô) với đặc trưng cơ bản là chúng có râu to và ngắn, ngoài ra chúng còn có thể dễ được phân biệt với các loài khác ở chỗ chân và cánh phát triển rất tốt và sáng màu. Thông thường chúng đẻ trứng trong đất vào bao bọc trứng bằng các chất xốp, mỗi lần đẻ từ 400 đến 500 trứng.

Theo ghi nhận của sách kỉ lục Guinness lần tập trung đông nhất của loài này vào năm 1875 gồm khoảng 12.5 nghìn tỷ con, trải dài trên diện tích 510,000 km vuông (lớn hơn 1.5 lần diện tích lãnh thổ Việt Nam và dễ dàng lấp đầy bang California, Mỹ) và nặng 27.5 triệu tấn (xấp xỉ khối lượng của 150 chiếc máy bay Boing 747 hoặc 200 con cá voi xanh). Với một số lượng lớn cá thể như vậy thì mọi loài thực vật trên con đường mà chúng đi qua đều bốc hơi như chưa từng tồn tại. Một nông dân đã từng nói rằng ông nhìn thấy đàn châu chấu trông như một đám mây đen khổng lồ. Như một trận siêu cuồng phong, chúng ăn sạch mọi thứ từ những thức ăn thông thường như cỏ và cây trồng, mà tới cả da, gỗ, len hay thậm chí là quần áo, cho dù người dân đã dùng mọi biện pháp để ngăn chặn chúng từ lửa, thuốc súng đến cả máy hút bụi nhưng vẫn bất lực trước loài này.

Châu chấu núi Rocky đã từng trở thành nỗi kinh hoàng thật sự đối với những người dân ở vùng núi Rocky ở phía Tây Bắc Mỹ. Sau khi xâm lấn toàn bộ vùng núi phía Tây nước Mỹ, chúng bắt đầu di chuyển xuống khu vực thảo nguyên ở phía Nam, nhưng do chưa thích nghi kịp với môi trường mới nên dù đẻ trứng rất nhiều nhưng các cá thể châu chấu núi Rocky được sinh ra ở môi trường thảo nguyên phía Nam đều không phát triển khỏe mạnh như các thế hệ trước nên có vòng đời cũng ngắn hơn, nhưng với loài vật lấy lượng bù chất như chúng thì cũng đủ để tàn phá một khu vực lớn ở Bắc Mỹ cuối thế kỷ 18 và 19. Chúng gieo rắc kinh hoàng cho người dân vùng Maine từ năm 1743-1756 và vùng Vermont từ năm 1797-1798 và bùng phát ở mức độ nghiêm trọng đã xuất hiện nhiều lần vào các năm 1828, 1838, 1846 và 1855, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu vực khắp phía Tây nước Mỹ. Lần lượt sau đó đến khu bực Minnesota đã được chúng “hỏi thăm” vào năm 1856-1857 và 1865, còn Nebraska là từ 1856-1874. Từ năm 1873-1877. các đàn châu chấu khổng lồ gây thiệu hại nghiêm trọng tới mức 200 triệu USD ở Colorado, Kansas, Minnesota, Missouri, Nebraska và nhiều tiểu bang khác. Chính phủ bang Nebraska vào năm 1877 còn áp dụng luật yêu cầu những người dân trong độ tuổi từ 16-60 phải làm việc ít nhất hai ngày/lần để giết hết châu chấu con mới nở hoặc đối mặt với mức phạt tiền là $10. Cùng năm đó, bang Missouri đã treo thưởng $1 cho lần lượt cho mỗi bao tải châu chấu mà người dân bắt được vào tháng 3, 50 xu cho một bao vào tháng 4, 25 xu vào tháng 5 và 10 xu vào tháng 6. Các bang khác cũng áp dụng những mức tiền thưởng tương tự. Vào những năm 1880, những người nông dân đã quyết định chuyển sang trồng các loại cây nông nhiệp có sức chịu đựng cao hơn như vụ lúa mì mùa đông vì chúng sẽ chín vào đầu mùa hè, trước khi các đàn châu chấu có thể di cư tới tàn phá. Những cải tiến mới trong nông nghiệp này đã làm giảm mối đe dọa của loài châu chấu núi Rocky và cũng góp phần rất lớn vào sự tuyệt chủng của loài này.

Và kết cục là tầm cuối thế kỉ 19-đầu thế kỷ 20, cụ thể là chỉ chưa đầy 30 năm sau cuộc tập trung đông kỷ lục, loài này đã biến mất một cách đầy bí ẩn, kể từ đó không một ai có thể nhìn thấy loài vật từng thống trị cả một vùng trời này. Cá thể châu chấu núi Rocky còn sống cuối cùng được nhìn thấy là vào năm 1902. Cho tới năm 2014 thì Hiệp hội bảo tồn tự nhiên quốc tế đã kết luận loài này đã hoàn toàn tuyệt chủng trên thế giới.

Có nhiều giả thuyết được đưa ra cho sự tuyệt chủng kì lạ này, có người nói rằng một đại dịch bệnh mới đã lây lan trong các đàn châu chấu và xóa sổ hoàn toàn loài này, nhưng dịch bệnh đó là gì? Tại sao nó chỉ tiêu diệt châu chấu núi Rocky trong khi những loài côn trùng hay thú khác hoàn toàn khỏe mạnh? Giả thuyết thứ hai có tính thuyết phục hơn được đưa ra là sự phát triển của nông nghiệp, việc người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã làm biến đổi môi trường sống và sinh sản của châu chấu núi Rocky, dẫn đến sự tuyệt chủng của chúng, nhưng côn trùng là loài có sự thích nghi cực kì mạnh mẽ với những biến đổi của môi trường, tại sao chúng với một số lượng siêu khủng lại có thể biến mất một cách vô lý và nhanh chóng như vậy?

Cho đến nay, người ta vẫn không thể tìm ra nguyên nhân chính xác cho sự tuyệt chủng của sinh vật này, sự biến mất đột ngột của một loài vật phổ biến với số lượng cực kì khổng lồ này cứ như chúng chưa từng tồn tại trở thành một trong những bí ẩn đang chờ lời giải đáp thỏa đáng nhất từ giới khoa học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *