LINH NGƯU TỨ XUYÊN

Sinh vật có gương mặt vừa giống dê, vừa giống nai sừng tấm, vừa giống linh dương đầu bò này có tên là Linh ngưu Tứ Xuyên (tên khoa học: Budorcas taxicolor tibetana) là một phân loài của loài Linh ngưu (hay còn gọi là Trâu rừng Tây Tạng, loài vật sống ở phía Đông dãy Himalaya). Linh ngưu Tứ Xuyên là một trong 4 phân loài của Linh ngưu, ba phân loài còn lại là Linh ngưu Mishmi, Linh ngưu Thiểm Tây và Linh ngưu Bhutan.

Linh ngưu Tứ Xuyên có nguồn gốc từ Tây Tạng, phân bố chủ yếu ở tỉnh Tứ Xuyên thuộc vùng Tây Nam Trung Quốc, ngoài ra còn có ở các khu vực Cam Túc và Tân Cương. Hiện chúng đã được liệt vào danh sách bị đe dọa và dễ bị tổn thương. Ngoại hình đặc biệt của chúng là kết quả của sự tiến hóa hội tụ (nghĩa là nhiều loài có tổ tiên khác nhau nhưng do quá trình thích nghi với môi trường sống, chúng đã tiến hóa thành những hình thái có ngoại hình tương tự nhau) và dù còn gọi là Trâu rừng nhưng chúng lạ có họ hàng gần gũi với chi Cừu. Nhà sinh vật học George Schaller đã gọi chúng là phiên bản nai sừng tấm bị ong chích và liệt kê chúng có những đặc điểm kỳ lạ là: lưng lớn, gồ lên giống như gấu nâu, hai đùi sau nghiêng giống như chó, bốn chi ngắn và to giống như trâu, mặt xệ xuống như nai sừng tấm, đuôi rộng mà dẹt giống sơn dương, cặp sừng dài giống linh dương đầu bò. Ngoài ra chúng còn có tên khác là bò sơn dương hay dê đầu bò.

Chúng có cơ thể cỡ vừa (dài 1.5-2.2 m, cao 1-1.4 m và nặng 280-350 kg). Chiếc mũi dài của chúng có một hốc xoang lớn dùng để sưởi ấm không khí khi hít thở trong điều kiện giá lạnh, giúp cho không khí vào cơ thể nhiều hơn, làm cho cơ thể ấm lên mỗi một khi chúng hít vào đồng thời giúp ngăn chặn sự thoát nhiệt của cơ thể khi thở ra. Ngoài ra, cơ thể chúng còn tiết ra một mùi hương kỳ lạ mà người ta nói là như mùi cơ thể của ngựa kết hợp với xạ hương. Cả con đực và con cái đều có sừng cong, màu đen có thể dài tới 90 cm. Bộ lông của chúng có thể dày tới 3 cm vào mùa hè và 24 cm vào mùa đông. Nhờ bộ lông dày này mà Linh ngưu Tứ Xuyên đã có thể thích nghi để giữ cho cơ thể ấm và khô ráo trong cái lạnh buốt giá vào mùa đông của dãy núi Himalaya.

Chân chúng có hai móng rất chắc. Con đực có đặc điểm giới tính vượt trội hơn con cái là mũi dài hơn, sừng cong hơn, có khi dài tới hơn 60 cm. Tuổi thọ của chúng trong tự nhiên từ 16-18 năm và có thể lên đến 20 năm trong điều kiện nuôi nhốt. Chúng thường phân bố trong các bụi rậm, rừng tre và sườn núi có khi cao tới hơn 4,300 m theo nhóm có thể tới 30 cá thể. Trong môi trường nuôi nhốt thì chúng khá là ù lì và chậm chạp nhưng ngoài tự nhiên thì chúng rất linh hoạt và rất khó tiếp cận. Vì vậy, có rất ít thông tin về hành vi và sinh thái học của loài này, cụ thể về số lượng phân bố và số lượng quần thể. Khi bị các loài thú ăn thịt như gấu, sói hay báo đe dọa, thì chúng còn có khả năng nhảy từ mỏm đá này sang mỏm đá khác y như loài sơn dương, điều mà các loài trâu bò không làm được. Chúng là loài vật khá thông minh khi có thể phát ra nhiều loại âm thanh khác nhau cho nhiều mục đích khác như thu hút bạn tình, báo hiệu, đe dọa hay gọi con non… Chúng còn thông minh tới mức có thể dùng sừng của mình như một chiếc móc để với tới những tán cây ngoài tầm với. Một đặc điểm khác giống loài sơn dương là chúng cũng hay liếm muối đá để bổ sung khoáng chất và còn có khả năng đi lên bằng hai chân sau để với tới các cành lá cao. Chúng lớn rất nhanh, chỉ 2 tuổi là đã đủ khả năng giao phối nhưng tỉ lệ sinh con lại rất thấp, mỗi lần đẻ chỉ đẻ một con non.

Số lượng chúng bị đe dọa là do việc bị con người săn bắt quá mức để lấy thịt và da cũng như mất dần môi trường sống. Thịt của chúng được người địa phương mô tả rất ngon và chúng được coi là một trong các bảo vật quốc gia của Đại lục. Con người từ lâu đã khai thác sở thích liếm muối của Linh ngưu Tứ Xuyên, khi chúng dễ dàng bị dồn vào chân tường và bị giết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *