Trong tiếng Anh, từ “invasion” là một từ mang nghĩa trung lập

  1. Trong tiếng Anh, từ “invasion” là một từ mang nghĩa trung lập, để chỉ hành động của một thực thể chính trị này xâm phạm, xâm lược vào vùng kiểm soát của một thực thể chính trị khác bằng một lực lượng quân sự. Việc xâm phạm này có thể có nhiều mục đích khác nhau, tùy vào mục tiêu chính trị của bên tấn công. Có thể đó là một sự dương oai diễu võ, răn đe bên bị tấn công. Có thể là muốn tiêu giảm tiềm lực quân sự của kẻ địch để tiện đường cho các hoạt động chính trị (Nhật Bản tấn công Mĩ 1941). Có thể bên tấn công muốn ép buộc bên bị tấn công phải thay đổi 1 chính sách nào đó (Napoleon tấn công Nga 1812). Có thể là để chiếm đóng một dải đất lãnh thổ nào đó (Frederick đại đế chiếm Silesia). Nghiêm trọng hơn, có thể mục tiêu đó là thay đổi chế độ của bên bị tấn công (Mĩ xâm lược Grenada 1983). Hoặc thay đổi tầng lớp, giai cấp thống trị (William the Conqueror xâm lược đảo Anh 1066). Nghiêm trọng hơn nữa, sự xâm lược có thể là sự chiếm đóng, chinh phạt thẳng thừng, người dân ở nơi bị tấn công sau đó sẽ bị sáp nhập vào thành một phần lãnh thổ vùng kiểm soát của kẻ tấn công (nhà Minh xâm lược Đại Ngu 1407, chiến tranh Punic lần 3). Mục tiêu mang tính cực điểm nhất có thể có của một cuộc xâm lược là diệt chủng, nhưng ví dụ cho việc này rất ít, và thường ta phải phân biệt giữa sự tàn bạo của kẻ tấn công như là một công cụ để bình định vùng đất đã chiếm đóng với việc đặt diệt chủng ra làm mục tiêu chủ yếu. Có lẽ chiến tranh giữa hai sắc tộc Hutu và Tutsi ở Rwanda năm 1994 có thể xếp vào cấp độ này.
  2. Tuy nhiên, trong tiếng Việt, khi người ta nhắc đến chữ xâm lược, thường người ta chỉ hiểu nó theo một nghĩa rất cực điểm, rằng kẻ xâm lược tấn công chỉ với một mục đích chiếm đóng, sáp nhập, đồng hóa. Nó thường gợi lên cho người ta một hình ảnh “nước mất nhà tan”, có nghĩa là ở đây có một sự đồng nhất ngầm giữa chính quyền, giữa giai cấp thống trị của một vùng đất và người dân bên dưới. Khi chính quyền này bị diệt vong thì người dân bên dưới cũng sẽ mất tất cả. Nhưng điều này không nhất thiết đúng, nhất là đối với chế độ quân chủ.Tôi cho rằng quan niệm này dẫn đến một hệ quả là người Việt Nam không thể hình dung được về chiến tranh như một công cụ của chính trị, tức là nhìn nhận nó từ một góc nhìn tỉnh táo của lý tính, mà coi nó như một thứ gì đó ghê tởm, phi nghĩa. Điều này phù hợp với một diễn ngôn lịch sử được định hình bởi các sử gia miền Nam cũng như miền Bắc từ suốt thế kỉ 20 đến nay, đặc biệt là bởi các sử gia miền Bắc trong thời Chiến tranh Việt Nam. Trong diễn ngôn này, Việt Nam luôn luôn là một nước bị xâm lược, luôn luôn là nạn nhân, luôn luôn phải gồng mình lên chống lại ngoại xâm: đấy là cái chỗ đứng của Việt Nam trong lịch sử thế giới. Đây chính là một thứ bí tích mà quốc gia nào cũng cần để làm nên một mối ràng buộc giữ quốc gia lại với nhau, giống như cách mà các nước phương Tây tự nhận mình là kế thừa người La Mã, hay như cách người Pháp vào thế kỉ 19 coi Vercingetorix (một lãnh chúa người Gaul nổi dậy chống La Mã) là anh hùng dân tộc của mình.
  3. Đây là một quan niệm sai lầm, và nó làm cho người ta không hiểu được tính chất của các cuộc chiến trong lịch sử, từ đó có những góc nhìn lệch lạc về đất nước và dân tộc. Ví dụ: tính chất của cuộc xâm lược lần 1 (1258) của Mông Cổ rất khác so với lần 2 (1285) và lần 3 (1287). Trong lần 1, Ngột Lương Hợp Thai theo lệnh Mông Kha dẫn một toán quân nhỏ đánh xuống phía nam để bảo vệ sườn phía nam của đại quân Mông Cổ – họ đang tìm cách đánh nhà Tống từ phía Tây, Tây Nam, Tây Bắc, từ Vân Nam, Đại Lý. Mục tiêu của toán quân Mông Cổ đánh xuống Việt Nam, vì vậy, không phải là để chiếm đóng nước ta, mà để răn đe, cưỡng ép nhà Trần, đảm bảo sự thần phục của nhà Trần, đảm bảo rằng nhà Trần sẽ không liên minh với nhà Tống mà tấn công quân Mông Cổ từ sườn Nam. Xét trên mục tiêu này, cuộc xâm lược Việt Nam lần 1 của Mông Cổ về cơ bản là thành công, mặc dù xét trên toàn cục, cuộc xâm lược nhà Tống qua Vân Nam của Mông Kha đã thất bại. Tính chất cuộc chiến chống Mông Cổ thay đổi, khi đến năm 1285 nhà Tống đã bị diệt, và sự chú ý của nhà Nguyên dồn vào phía Đại Việt và Champa. Ở đây, mục tiêu của họ mới thật sự là chiếm đóng, sáp nhập Đại Việt vào 1 phần lãnh thổ của nhà Nguyên.Một ví dụ khác: ta có thể thấy sự khác biệt lớn giữa cuộc xâm lược Đại Ngu của nhà Minh năm 1407 rất khác với khi nhà Tống đánh Đại Việt năm 1077. Trong trường hợp nhà Minh, ý đồ của họ rất rõ ràng là muốn chiếm đóng, sáp nhập, đồng hóa, cướp bóc dân Việt. Trong khi đối với cuộc chiến dưới triều nhà Lí, đó đúng hơn là một cuộc tranh chấp biên giới. Nên nhớ rằng biên giới giữa Việt Nam-Trung Quốc ngày nay chỉ được vẽ ra sau chiến tranh Pháp-Thanh. Dưới thời Lí, vùng đất đó thực ra chỉ là vùng đệm giữa hai quốc gia, chỉ có các bộ lạc dân tộc sống ở đó, và hai triều đại tranh giành nhau ảnh hưởng, cố gắng thiết lập liên minh với các vị tù trưởng sống ở đây. Cuộc tấn công của Lí Thường Kiệt sang đất Tống mang tính chất một cuộc cướp phá (raid), và đến năm sau nhà Tống phát động một đòn tấn công trả đũa không thành công. Cả hai triều đại này xung đột và tranh giành lợi ích với nhau, nhưng hành động quân sự hai bên cũng chỉ dừng ở mức giống như một cuộc mặc cả bằng bạo lực, hai bên đều không có ý định tấn công chiếm đóng, đe dọa sự sống còn của bên kia.

    Trong nhiều trường hợp, những xung đột giữa các triều đại thống trị với nhau, người dân bên dưới không hề hưởng lợi ích gì, trong khi những tội vạ của chiến tranh họ vẫn phải gánh chịu. Kẻ nào nắm quyền thì dân vẫn khổ, vẫn bị bóc lột. Tất nhiên, có những trường hợp kẻ xâm lược vô cùng bạo tàn, thì chuyện người dân chung tay sát cánh cùng chính quyền sở tại để đánh đuổi chúng đi là điều dễ hiểu.

  4. Trong lịch sử VN, người dân sinh sống ở đồng bằng Bắc Bộ nhiều lần phải đứng lên chống lại các thế lực từ nơi khác tấn công. Mặc dù cha ông ta có mưu trí, có sức mạnh, đã nhiều lần kháng chiến thành công, nhưng ta không thể phủ nhận hai chuyện: (1) tiềm lực quân sự của VN trong lịch sử thường rất yếu kém. (2) đặc điểm địa lí, khí hậu của nước ta đóng vai trò rất lớn trong công cuộc chống ngoại xâm này.
Ở điểm thứ nhất, trình độ tổ chức xã hội ở VN trong lịch sử thường hạn chế, xã hội VN ít mang tính quân phiệt (warlike) như một số các xã hội khác (mặc dù điều này thực ra lại có ích cho sự phát triển), các triều đại thường không có quyền lực sao sát đến từng địa phương, thường không có đủ tài lực để duy trì các đội quân thường trực. Đồng thời các láng giềng với VN cũng thường bị ngăn cách bởi địa lí (núi non, rừng rậm), nên chúng ta ít có truyền thống quân sự, không quen với việc sử dụng công cụ quân sự để đạt được các mục tiêu chính trị, kĩ thuật quân sự luôn kém xa thế giới, và nhất là không có một nền lí luận quân sự đúng nghĩa.

Ở điểm thứ hai, phòng thủ là hình thức chiến đấu mạnh mẽ hơn tấn công, và VN ta thường chỉ nằm ở thế phòng thủ. Sự mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam thường là thông qua di cư và xâm lấn dần hơn là xâm lược thẳng thừng. Địa thế núi non hiểm trở ở phương Bắc và khí hậu nóng ẩm nhiệt đới dễ làm tiêu hao các đoàn quân xâm lược, làm cho việc tiếp vận hậu cần của họ gần như là không thể. Đường xá đi lại khó khăn làm cản trở con đường hành quân của các đoàn quân lớn. Quân trong các tòa thành, lũy khó mà kiểm soát được dân cư ở những vùng nông thôn xung quanh. Nếu không có những đặc điểm đặc thù về địa lí như thế, e rằng ngày nay chúng ta đều đã nói tiếng Trung Quốc.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *