CHIM MOA KHỔNG LỒ – Loài chim có chiều cao khủng nhất từng được biết

Loài chim Moa khổng lồ (tên khoa học là Dinornis robustus) từng là loài chim không bay to lớn và đặc hữu của khu vực đảo Nam của đất nước Tân Tây Lan. Những cá thể chim Moa khổng lồ cuối cùng đã tuyệt chủng vào thế kỷ 15 do bị các thổ dân Maori địa phương săn bắt và làm mất môi trường sống. Ở đảo Bắc chúng cũng một phân loài họ hàng nhỏ hơn là Dinornis novaezealandiae.

Các nhà khoa học cũng tin rằng tổ tiên của chúng thực chất là những loài chim biết bay. Loài chim này cao đến 3.7 m ở đỉnh đầu, 2 m ở lưng và nặng 230 kg (ở con cái) và phải mất 10 năm thì chúng mới đạt được kích thước này. Loài này có đặc điểm đặc biệt nhất chúng là con cái to lớn hơn rất nhiều so với con đực khi con cái luôn có chiều cao và cân nặng hơn con đực lần lượt là 150% và 230%. Vì kích cỡ to lớn nên chúng là một loài vật rất chậm chạp, chỉ có tốc độ từ 3-5 km/h, không như loài đà điểu ngày nay. Chúng cũng có bộ lông màu nâu bao phủ phần lớn cơ thể, trừ phần chân và đầu. Giống loài đà điểu, chúng có đầu nhỏ, mắt nhỏ, mỏ nhọn, ngắn và hơi cong, cổ dài và thân hình mập mạp. Chúng có lỗ mũi và xương mũi rất phát triển, vì vậy chúng có thể có khứu giác rất tốt. Chim Moa là loài độc nhất trong số những loài chim không bay vì chúng đã mất hết các dấu vết từ các loài chim tổ tiên biết bay, thậm chí đã không còn phần xương cánh nhỏ hay xương đòn. Ngoài ra còn có bàn chân to và rất khỏe. Chế độ ăn của chúng là cành cây, quả mọng và lá cây bụi. Chúng cũng hay nuốt nhiều hòn sỏi để hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Vào mùa sinh sản, chúng chỉ đẻ tối đa hai quả trứng và con đực có nhiệm vụ ấp trứng còn con cái thì đi kiếm thức ăn. Những mảnh vỏ trứng đã được tìm thấy ở nhiều địa điểm, kể cả tại các khu định cư của người Maori cổ đại, khi họ đã nấu và ăn trứng của loài này, với mỗi trứng dài 24 cm, rộng 17.8 cm và nặng khoảng 4 kg.

Trước khi bị tuyệt chủng, chúng là loài ăn thực vật thống trị trong các khu rừng ở Tân Tây Lan và chỉ có một loài săn mồi thiên địch là đại bàng Haast, loài đại bàng to lớn nhất từng được biết. Và trước khi con người xuất hiện, loài Moa khổng lồ này đã có quần thể sinh thái ổn định ở Tân tây Lan trong ít nhất 40,000 năm. Khi những người thổ dân Maori đầu tiên đến Tân Tây Lan để khai phá vào tầm những năm 1300 thì số lượng chim Moa lúc ấy là 58,000 cá thể, và chỉ trong chưa đầy 200 năm, chính xác là năm 1445 thì đã không còn bóng dáng cá thể chim Moa nào ở những khu vực cây bụi và đồng cỏ thuộc châu Đại Dương. Chúng đã bị săn lùng để lấy thịt, trứng, lông vũ và da, vì được sử dụng làm quần áo, còn xương thì được chế tạo thành lưỡi câu, mặt dây chuyền và các công cụ khác. Sự biến mất của chúng cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự tuyệt chủng của loài thiên địch của chúng là loài đại bàng Haast khổng lồ. Cả hai loài chim to lớn trên cũng là hai trong số những nạn nhân nổi tiếng nhất của loài người chúng ta. Hiện nay, họ hàng gần nhất của chúng lại là một loài chim nhỏ bé không bay, cũng là đặc hữu của Tân Tây Lan là chim Kiwi.

Ngoài ra, cũng có một loài chim cổ đại có ngoại hình to lớn, hay bị nhầm lẫn với loài chim Moa là chim voi (Elephant bird, tên khoa học là Aepyornis maximus). Loài chim này thấp hơn chim Moa khi chỉ cao 3 m nhưng lại nặng hơn là 730 kg, sống ở đảo Madagascar ở châu Phi và cũng đã bị tuyệt chủng vào thế kỷ 18 do sự săn bắt quá mức của con người. Chúng cũng được chứng minh là một loài chim hoàn toàn khác, không có họ hàng gì với chim Moa.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *