DEAD METAPHORS – NGHỆ THUẬT CỦA ẨN DỤ CHẾT TRONG ĐỜI THƯỜNG

Ẩn dụ chết (Dead metaphor) là một loại ẩn dụ đã chuyển nghĩa theo thời gian làm mất đi hình ảnh ban đầu do được sử dụng nhiều lần. Bởi vì ẩn dụ chết có một ý nghĩa thông thường khác với nguyên gốc, chúng có thể được hiểu mà không cần biết nội hàm trước đó. Và vì lý do này, một số người cho rằng phép ẩn dụ chết không còn là phép ẩn dụ nữa, song nhiều hình ảnh ẩn dụ chết vẫn được sử dụng rộng rãi ngày nay.

Deadline: Hạn nộp, thời hạn

Một từ quá quen với thế hệ trẻ ngày nay đúng không nào! Thật vậy, ít ai biết rằng nghĩa gốc của nó lại gắn liền với chiến tranh. Được ghi lại lần đầu tiên vào năm 1864, từ ‘deadline’ có nguồn gốc từ cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Trong thời gian xảy ra xung đột, một đường “do not cross”(không được vượt qua) đã được khoanh quanh các nhà tù. Các lính canh được yêu cầu bắn và giết bất kỳ tù nhân nào có thể chạm vào, ngã xuống, vượt qua, bên dưới hoặc bên kia ‘ranh giới chết’. Dần dần, vào những năm 1920, từ này đã được sử dụng thành biệt ngữ báo chí và đã phát triển thành nghĩa là: “time limit”(giới hạn thời gian) – hàm nghĩa quen thuộc và gần gũi ngày nay.

A laughing stock: một trò cười, ai đó/ điều gì đó mắc cười

“Stock”, bên cạnh hàm nghĩa cổ phiếu hay hàng hóa, thì nó còn đề cập đến một dụng cụ tra tấn mang tính giễu cợt thời cổ. Khi trừng phạt phạm nhân, mắt cá chân và cổ tay của họ sẽ bị kẹt dính trong các lỗ nhỏ giữa hai tấm ván, và những người qua đường sẽ không khỏi bật cười trước những tư thế như vậy. “A laughing stock” cũng xuất phát từ hành vi chế giễu đó. Tuy nhiên hình thức trừng phạt cổ xưa này không được sử dụng nữa và do đó cụm “a laughing stock” khoác lên mình hàm nghĩa mới chỉ “một trò cười”, hay “ai đó hoặc điều gì đó trông có vẻ ngu ngốc, ngớ ngẩn”.

Go belly up: (doanh nghiệp) phá sản

“Belly up” là một thành ngữ trong tiếng Anh-Mỹ được sử dụng để mô tả một doanh nghiệp, tổ chức hoặc thể chế đã không còn tồn tại hoặc phá sản. Cụm từ này là một phép ẩn dụ so sánh doanh nghiệp được đề cập đến với cá chết hoặc một động vật khác đã nổi lên trên mặt nước, với bụng của nó hướng lên trên. Theo thời gian, nghĩa ban đầu của cụm từ này dần biến mất.

Close, but no cigar: một nỗ lực không thành

Chưa ai biết rõ vì sao câu nói này lại ra đời. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cụm từ này bắt nguồn từ những năm 1920 ở Hoa Kì khi các hội chợ, hoặc lễ hội, trao xì gà làm giải thưởng. Vào thời điểm đó, các trò chơi được nhắm mục tiêu đến người lớn, không phải trẻ em. Mỗi khi bạn thua một trò chơi, ví dụ như người chơi không lấy đủ vòng quanh chai hoặc bắn xém trúng mục tiêu, đến nỗi chủ trò chơi phải thốt lên: “Close, but not cigar” (Gần trúng, nhưng không có xì gà). Khi các hội chợ bắt đầu diễn ra khắp Hoa Kỳ, câu nói này đã lan rộng và trở nên nổi tiếng. Theo thời gian, câu nói này mang trên mình một hàm nghĩa mới chỉ một nỗ lực không thành.

Blockbuster: bom tấn, phim bom tấn

Lại một từ ngữ khá quen thuộc đối với những người yêu thích phim ảnh. Tuy nhiên hẳn là nhiều bạn vẫn còn mơ hồ về nghĩa ban đầu của cụm từ này phải không nào? Thực chất, thuật ngữ này có nguồn gốc từ một loại bom trong Thế chiến II mà Không quân Hoàng gia Anh đã sử dụng. Người Đức bắt đầu gọi nó là “Block buster” (kẻ phá hủy khối) bởi vì quả bom có thể làm làm biến mất cả một khối thành phố – theo đúng nghĩa đen là phá hủy khối. Về sau, cùng với sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ II, cụm từ này mất đi nghĩa vốn có, thay vào đó bằng hàm nghĩa “bất cứ điều gì lớn và thú vị”. Từ này còn được đặc biệt sử dụng trong phim ảnh, chỉ một bộ phim bom tấn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *