HOANG MANG ĐI HỎI ÔNG TRỜI…

“Như những hòn tuyết lăn, cái ác càng đi xa càng lớn dần.”

HOANG MANG ĐI HỎI ÔNG TRỜI…

(Nguyễn Ngọc Tư)

.

Người cha gặp lại con khi con đã mười bốn tuổi và vừa từ cõi chết trở về. Lần gặp gần nhất giữa hai cha con là khi nó ba ngày tuổi.

Người mẹ để con đi ở mướn đổi lấy chút tiền còm cõi, quên bỏ nó ở đâu đó mà không hay con bị chủ tra tấn bằng những nhục hình được cho là “kinh điển của thời Trung cổ”, và suýt chút nữa bà lại tiếp tục thò tay lấy tiền đổi bằng những vết thương chí mạng của con mình.

Người mẹ đánh đập con đẻ của mình, bỏ đói, nhốt nó trong chuồng chó, hắt nước sôi lên người nó…

Người cha ném chết con khi đứa bé vẫn còn nằm trên giường đẻ đầm đìa mùi than lửa, mùi sữa mẹ…

Mỗi ngày lật trang báo ra lại gặp một vài câu chuyện cay xé. Những tin tức giống vậy ngày càng thường xuyên, đều đặn, thản nhiên như tình hình thời tiết, chứng khoán, giá vàng… Cha mẹ bán con cho đường dây chăn dắt trẻ ăn xin. Cha mẹ bán gả con cho bọn buôn người xuyên biên giới. Cha mẹ bỏ rơi con. Bạn tự hỏi chuyện gì đang xảy ra? Tại sao và tại sao?

Tất cả họ đều có câu trả lời, như bà mẹ kia nói vì bà nghèo khổ quá nên mới đợ con. Bà mẹ này bảo vì hận người chồng tệ bạc nên thấy con là như thấy người xưa, đánh nó để trả thù cha nó. Bà mẹ nọ nói do bà với con kỵ tuổi nhau. Và vụ ném đứa con một tháng tuổi chết là do người cha không được đáp ứng tình dục từ vợ mình (đang nằm cữ). Đôi khi là những lý do rất ơ hờ như “hoàn cảnh đẩy đưa…”.

Nhà giáo dục nói do trình độ văn hóa thấp, nhận thức kém, những nền tảng đạo lý bị phá vỡ. Nhà nghiên cứu văn hóa nói vì dân tộc tính, cô Tấm không bạo lực sao? Chuyên gia nói vì tâm lý họ có vấn đề, vì cuộc sống căng thẳng, bẩn chật quá. Nhà quản lý nói luật pháp chưa đến với người dân. Nhà văn nói họ không đọc một trang sách nào, nên những vẻ đẹp tâm hồn đã chết đói. Người bi quan nói con người đã lên đến đỉnh cao nên giờ thoái hóa mất rồi, đi một vòng luẩn quẩn từ thú thành người giờ từ người thành thú.

Người ta viện dẫn bao nhiêu lý do rồi bạn vẫn quay quắt bởi câu hỏi, chuyện gì đang xảy ra? Không hiểu được. Khó hiểu quá. Bởi bạn là người thấy móng tay con mình bị xước cũng xót xa, nó bị muỗi cắn vài chỗ cũng thót ruột, tí rôm xảy trên trán cũng lo lắng, nó khóc giữa cơn mơ bạn cũng hoảng hồn, phải chạy vô chiêm bao được bạn cũng chạy vô đó để an ủi nó. Bất đắc dĩ khi con rời khỏi tay mẹ đến trường, bạn chạy vạy để con học ở ngôi trường thoáng mát có sân chơi, có cây xanh, bạn tặng quà cho cô giáo những mong cô chăm chút con thêm tí…

Nhưng những ông cha bà mẹ kia, họ sao vậy? Chuyện gì đang xảy ra? Họ được gọi là người – cha, người – mẹ mà… Bạn cố hiểu…

Sáng sáng bạn mở trang báo thấy có người bị giết chỉ vì một va chạm nhỏ trên đường, có người tàn phế cả đời vì vô tình đi lạc vào đồn điền kẻ khác, có người đi trộm chó bị dân làng đánh đến chết, chẳng hiểu sao bạn nghĩ, trong số những người ra tay tàn độc này, có nhiều người từng là những đứa trẻ lớn lên với roi vọt làm cơm, nhục hình như nước uống. Họ học sự nhẫn tâm từ chính cha mẹ mình. Và biết đâu họ cũng lại là những người cha người mẹ nhẫn tâm.

Như những hòn tuyết lăn, cái ác càng đi xa càng lớn dần.

Dường như bạn hiểu được chút nào, dường như càng hiểu càng ngơ ngác…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *