THẦY GIÁO TÔI

Cả nhà vừa ngồi quây quần bên mâm cơm, bố Nam nhìn vào nồi canh cua đồng. Bố liền bảo:

– Nam! Con múc một bát sang biếu ông bà nội.

  Nam nhanh nhảu múc đầy một bát, rồi nhẹ nhàng bưng lên. Nó vừa đi, vừa căng mắt nhìn vào tô canh. Nó đi rón rén, sợ sóng ra ngoài.

Chưa sang đến nơi, nó đã sang sảng nói lớn:

– Ông bà ơi, bố mẹ cháu biếu bát canh.

 Nó khẽ đặt tô canh vào chiếc mâm sàng, rồi đứng dậy. Nó thoáng nhìn thấy trên mâm cơm của ông bà, có đĩa sườn kho ngon quá. Nó chép chép cái miệng, rồi lặng lẽ xin phép ra về.

 Ngồi xuống mâm cơm, trong đầu nó chỉ nghĩ về đĩa sườn rang muối của ông bà. Đã lâu lắm rồi, nó chưa có tý thịt mỡ nào vào bụng. Ngày nào mâm cơm nhà nó cũng có đĩa rau, bát canh, không lại đĩa cá kho.

………

Bố Nam bị khiếm thị, mẹ thì hiền lành chân chất thật thà. Cuộc sống gia đình Nam , không đầy đủ cho lắm. 

 Nam biết thân phận nên không dám đòi hỏi bất kỳ điều gì. Nó biết bố rất nghiêm khắc, và khó tính.

 Nam im lặng, không dám kể với ai, về mong muốn của nó.

Nó nghĩ bụng, giá có tý thịt mỡ để ăn thôi cũng được. Vì ra ngoài họ hay gọi nó là ” Nam còi”.

  Ăn cơm xong, Nam bưng bát đũa ra chân giếng. Nó rửa sạch sẽ, rồi úp gọn gàng vào cái chạn bát bằng gỗ.

 Nó leo lên giường, rồi ôm bố ngủ. Nó định nói cho bố biết, nhưng nó cứ do dự mãi.

Lát sau, nó buột miệng thốt ra. Nó nói nhỏ:

– Bố ơi! Nay ông bà có sườn băm ngon quá, con định xin nhưng ít quá.

  Bố Nam nghe vậy cũng giật mình. Bố vội ôm nó vào lòng, rồi bảo:

– Nay chú út biếu ông bà con ạ. Hôm qua chú ấy bán con lợn để lấy tiền nộp sản, chắc họ bớt lại cho một ít để ăn.

Nó nằm im, rồi chỉ đáp lại:

– Dạ.

  Mấy ngày sau, cuối làng có một đám cưới. Nam theo bọn trẻ đến xem. Họ đã sắp cả chục mâm, cho bọn trẻ con như nó ăn. Nó ngập ngừng ngoài ngõ, mà không dám vào. Nó sợ bố nó đánh đòn, về cái tội ăn chực. Nó quay lại rồi lủi thủi ra về, mặc cho mấy đứa ra sức kéo nó lại.

  Tối đến, Nam lại ôm cổ bố kể nể về sự việc ban chiều. Bố xoa nhẹ lên mái tóc của nó, rồi bảo:

– Nếu họ bảo mình, thì con hãy vào ăn. Còn không, thì con tuyệt đối không được vào. Họ sẽ chê bai gia đình nhà mình, rồi bảo bố mẹ không dạy bảo được con. Nghèo cho sạch, rách cho thơm con ạ!

Nam lại im lặng và gật gù:

– Vâng ạ, con nhớ rồi.

Nam chuẩn bị đi học, bố mẹ đã xin cho nó mấy bộ quần áo của các anh lớn tuổi. Nó vui lắm, vì năm nay nó không phải mặc cái quần cái áo vá đụp nữa. 

 Nam cẩn thận và gấp gọn cho vào cái hòm gỗ cũ kỹ.

 Ngày vào học, nó vui vẻ cùng chúng bạn.  Nam nhìn thấy trong lớp có đứa ăn mặc cũng giống mình, có đứa thì mặc quần áo đẹp hơn. Nó hơi ngại ngùng, vì chiếc quần thì rộng, chiếc áo thì quá dài…!

Tối đến, Nam lại ôm cổ bố. Nam kể lại cho bố nghe, con nhà chú này, con nhà bác kia có quần áo đẹp.

 Bố Nam cũng khổ lắm chứ. Với đồng phụ cấp nhỏ nhoi, từ việc dạy chữ nổi cho lớp khiếm thị. Thu nhập chỉ đủ để chi tiêu lặt vặt hàng ngày. Làm gì dư giả đâu, mà mua thứ này mua thứ kia được. Bố Nam lại xoa lên đầu nó, rồi nhẹ nhàng:

– Bây giờ con còn nhỏ, nhà mình lại nghèo. Ăn mặc sao cũng được con ạ, miễn sao phải sạch sẽ và thơm tho.

 Nam vùi đầu vào lách bố, rồi lí nhí:

– Dạ!

 Hôm sau, Nam lại tung tăng tới lớp. Nó hồn nhiên vui vẻ cùng chúng bạn, nó không còn nhút nhát như mấy hôm trước.

  Ngồi vào bàn học, Nam ngước nhìn bạn ngồi kế bên. Đồ dùng của nó mới tinh, từ bút chì, thước kẻ, đến cả cái cặp hai khoá đen bóng. Nó nhìn vẻ thèm khát. Nó chỉ có cái túi lưới xanh đỏ, cây bút chì thì có một mẩu, thước kẻ đã đen nhèm vì các anh đã dùng lâu rồi. Nó bảo bạn:

– Nhà bạn giàu thật, cái gì cũng đẹp. Bố mẹ bạn mua mới cho hả.

 Cậu bạn gật gù, tỏ vẻ thích thú. Bạn ấy nhìn cây bút chì gãy giở của Nam, liền nói:

– Tớ cho bạn cây bút này. Nhà tớ còn nhiều lắm, cả một tá cơ.

 Nam cảm ơn rối rít, rồi bỏ vào trong túi. Nó vui vẻ gấp sách vở cho vào túi, và vui vẻ ra về.

  Vừa tới nhà, nó đã rút cây bút chì ra. Nó vội khoe với bố:

– Bố ơi! Nay bạn con cho chiếc bút chì mới tinh bố ạ.

Bố nhìn Nam vẻ không hài lòng cho lắm. Bố nó ôn tồn, vỗ về :

– Cái gì không phải của mình, con không nên sử dụng. Và đừng bao giờ xin bất kỳ cái gì, nếu con không có con hãy bảo bố. Hôm nay, bạn con cho con cây bút này, khi về nhà bố mẹ bạn ấy hỏi biết đâu bạn ấy lại bị đánh đòn thì sao.

 Mai con cứ mang theo, cần thiết gửi lại bạn con ạ.

 Sáng sớm, Nam đi một mạch tới lớp. Bạn nó nhìn thấy đã chạy đến bảo:

– Nam ơi, mày trả lại cho tao cây bút chì nhé, bố mẹ tao không cho đâu.

 Nam vui vẻ lấy từ trong túi ra, rồi gửi lại bạn. Nó bảo:

– Bố tớ bảo, nay đem trả lại cậu. Vì cây bút này, không phải của tớ. Thôi xí xoá nhé.

  Nó giơ ngón tay lên, rồi móc lèo vào ngón tay cậu bạn. Hai đứa khoác vai nhau bước vào lớp.

……….

 Nó vẫn thường xuyên thưa gửi bố, mỗi khi nó chứng kiến điều gì ấy. 

 Bố nó vẫn nhẹ nhàng, khuyên bảo nó một cách điềm đạm.

………….!

 Ngồi vào mâm cơm, Nam được bố hướng dẫn tất cả những gì, mà bố đã trải qua.

 Bố bảo:

– Năm trước con còn nhỏ, tính nết còn nhõng nhẽo. Nay con đã là học sinh rồi, bố sẽ dạy con những việc cần thiết. Bố mong sau này, con sẽ vững vàng hơn con nhé.

Nam lặng lẽ nghe bố chỉ bảo.

Bố bảo Nam:

– Phải mời mọi người trước khi ăn, mời người nhiều tuổi trước. 

– Tay cầm đũa gắp thức ăn, luôn phải ngửa lòng bàn tay.

– Thức ăn lấy lên phải cho vào bát, trước khi đưa lên miệng.

– Ăn uống không để phát ra tiếng chèm chẹp. 

– Không gõ bát, gõ đũa.

–  Không chống tay lên cằm, tỳ tay lên đùi. 

– Ngồi khoanh chân gọn gàng, ho thì phải quay ra ngoài mâm……

 Rất nhiều….rất nhiều nữa……..

 Nam đã hiểu. Nó học những điều bố nói rất nhanh…

 Tuổi thơ của Nam rất vui vẻ và bình yên, trong vòng tay yêu thương dạy giỗ của bố mẹ.

………****…..

 Thấm thoát đã hai mươi năm, Nam luôn tự hào về gia đình mình. Bố mẹ đã cố gắng, để cho nó ăn học tử tế.

  Hôm nay, Nam đang là một giáo viên dạy giỏi, của một trường chuyên trên tỉnh.

 Bố mẹ không còn vất vả như trước.  Bố đã mở trung tâm xoa bóp bấm huyệt dưới thị trấn, thu nhập cũng kha khá. Mẹ thì làm công nhân vệ sinh, cho xưởng may gần nhà.

 Nam vui hơn khi năm vừa rồi, hội chữ thập đỏ đã hỗ trợ kinh phí để bố mẹ xây dựng được ngôi nhà mới. Ngôi nhà tuy nhỏ bé, nhưng luôn tràn ngập niềm vui.

………..

  Đứng trên bục giảng. 

 Nam rất tự tin để truyền đạt nhiều kiến thức,  mà anh được học từ thầy cô và bố mẹ và bạn bè. Anh truyền cho học sinh cái hồn trong sáng, cái vốn sống nhân văn như những gì Nam đã từng trải qua.

 Anh trân trọng cảm ơn bố mình. Người khiếm thị, nhưng tâm hồn đẹp đẽ, vẹn nguyên. Đó là động lực, là niềm tin, là tài sản quý giá Nam có được. Nay anh đã và đang truyền lại tất cả, cho thế hệ kế tiếp anh…..!

…………!

 Nhìn điệu cười thơ ngây, trong sáng của học sinh. Nam cảm thấy mãn nguyện. 

  Những ký ức tuổi thơ tràn về. Anh phấn chấn vui vẻ rảo bước về phòng hội đồng để chuẩn bị giáo án, cho tiết học sắp tới….

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *