Cả xóm, có năm hộ gia đình, tổng thể là vài chục con người từ bé tới lớn, từ già tới trẻ, dùng chung một cái nhà xí, chung một cái nhà tắm, chung hai cái vòi nước, chung hai cái thùng phuy cũ mèm mọc rêu dùng đựng nước, tất cả nằm trên một khoảng sân cỡ hai chục thước vuông. Sáng, cứ tuần tự mà đánh răng rửa mặt, tuần tự đi vệ sinh, trưa và chiều thì rửa rau vo gạo nấu ăn, giặt giũ quần áo, tắm rửa. Ấy vậy mà chẳng bao giờ thấy ai kèn cựa, chẳng bao giờ thấy ai tranh chấp, càng chẳng bao giờ thấy ai trong xóm cãi vã nhau vì chuyện chật chội cả. Trái lại, cứ mỗi buổi chiều thì cái khoảng sân ấy vui như hội, tiếng người lớn nói chuyện, tiếng thanh niên cười đùa, tiếng trẻ con nghịch ngợm, cứ là rộn cả lên.
Chiều ấy, anh Tuấn con bà Thiết, làm ở công ty cá Hồ Tây, đem về một con cá mè to lắm, chắc phải tới chừng 6 – 7 cân, ném phựt ra sân. Anh Tùng con bà Bảo, chạy bay ra chợ vác về cả một bao tải các loại rau, chị Hằng con ông Bân, chị Hương chị Minh con bà Thiết bà Bảo thì hì hụi làm cá. Một cái bếp củi được khơi ngay giữa sân, anh Tuấn đứng nấu canh cá trong một cái nồi đại, lũ trẻ con thì vừa nhặt rau vừa xuýt xoa, thèm thuồng. Canh chín, mỗi nhà lại mang nồi ra lấy về, cứ giống như cái bếp ăn tập thể. Duy có mấy anh thanh niên, là bê bàn kê luôn ở sân, đánh chén. Nhà nào có rượu lại mang ra một chai cho các anh nhậu, rồi ai cũng làm một chén mới về. Ôi… xóm cứ vui như là có đám cưới.
Trong xóm, có nhà ông Bân là khá giả nhất, chả là vì ông làm chủ nhiệm hợp tác xã. Cái vô tuyến đen trắng cửa lùa của nhà ông, là nơi sinh hoạt cộng đồng cho cả xóm mỗi tối. Bà Bảo, mắt mũi kèm nhèm, được ưu tiên, ngồi cách cái màn hình vô tuyến có khoảng ba mươi xăng ti, chả hiểu làm sao mà bà Bảo lại nhìn được. Thi thoảng cái vô tuyến lại trở chứng, nhiễu mù, ông Bân chỉnh chỉnh, có lúc đập tay bồm bộp vào cái vỏ gỗ, nó lại xem được. Có hôm trở trời, một anh phải trèo lên mái nhà, vừa xoay cái ăng ten vừa gọi xuống: – được chưa? – Được rồi, dưới đất nói vọng lên – Ơ, lại mất rồi – Được chưa? Ở trên mái nhà lại gọi xuống. Cứ thế chỉnh đi chỉnh lại có khi xuống đến nơi cũng đã hết buổi…
Giờ nhiều người đã về với tổ tiên rồi, bà Bảo, bà Thiết, ông Bân, bà Thái vợ ông Bân… các anh chị lớn thì cũng đã lên ông lên bà… đám lau nhau như nó thì cũng đã có gia đình, mỗi người một nơi, ít có dịp gặp như trước. Nhiều lúc nó nhớ lắm.
Có một nghịch lý nghe không thấy thuận tai mà lại đúng. Giờ người ta khá giả lên nhiều, giầu có hơn nhiều nhưng tình cảm thì lại thờ ơ với nhau hơn trước.
Lạ nhỉ?
LTH – Người Vận Chuyển. Ảnh sưu tầm minh họa.