8 nữ Thiên hoàng trong lịch sử Nhật Bản

Nổi tiếng là trọng nam khinh nữ vào hàng bậc nhất, nhưng bạn có biết Nhật Bản thời xa xưa vốn theo chế độ mẫu hệ. Những người đầu tiên đem ánh sáng đến Nhật Bản là phụ nữ (Đấng sáng thế: Nữ thần Amaterasu, hoàng hậu Jingu, nữ vương Himiko). Sau này khi Nho giáo biến Nhật Bản thành một đất nước gia trưởng, nam quyền, thì người Nhật vẫn tôn thờ Thiên Chiếu Đại Thần Amaterasu hơn tất cả các vị Thần Phật khác (Theo quan niệm Phật giáo Nhật Bản). Việc thờ phụng nữ thần Amaterasu chính là dấu vết của chế độ mẫu hệ còn lưu truyền lại. Amaterasu được coi là nguồn gốc của hoàng gia, nên tất nhiên, không có điều lệ nào ngăn cản nữ giới kế vị ngai vàng. Còn điều nữa, danh xưng Thiên hoàng (Tenno) cũng là do phụ nữ đề xướng, người đầu tiên tự xưng Thiên hoàng là nữ Thiên hoàng Jito. 

Về sau, để phân biệt với nam Thiên hoàng đã phát sinh thuật ngữ “Josei Tenno” 女性天皇 (Josei là từ tôn kính chỉ phụ nữ, khác với Onna). Tuy nhiên, thực tế không ai gọi là “NỮ Thiên hoàng”, mà chỉ là “Thiên hoàng” thôi. Thiên hoàng (Tenno) là từ trung lập về giới tính giống như Pharaoh, không có sự phân biệt thành Queen hoặc King. Khi xưng hô vẫn là Thiên hoàng Bệ Hạ (Tenno Heika 天皇陛下) hoặc Kim Thượng Bệ Hạ (Kinjou Heika 今上陛下) giống như nam giới. 

Nếu không có người kế vị nam – hoặc vì một lý do nào đó khiến người kế vị nam không thể lên ngôi, thì cô gái có huyết thống gần Thiên hoàng nhất được chọn kế vị. Chẳng có luật lệ nào cấm nữ Thiên hoàng kết hôn và sinh con, nhưng họ đều không kết hôn nhằm ngăn chặn nam giới của gia tộc khác thao túng hoàng thất. Do đó, họ thường truyền ngôi lại cho anh em trai hoặc chị em gái (Nếu anh em trai chưa thể kế vị).

Một số nữ Thiên hoàng đã nắm thực quyền điều hành đất nước, với đường lối cai trị anh minh:

Thiên hoàng Suiko (Thôi Cổ Thiên hoàng 推古天皇) thực hiện cải cách ruộng đất, dẫn dắt ngoại giao với nhà Tùy. 

Thiên hoàng Saimei (Tề Minh Thiên hoàng 斉明天皇) lên ngôi hai lần, bình định được thiên hạ qua khỏi thời kì hỗn loạn của cải cách Taika, chết khi chuẩn bị dẫn quân đánh chiếm Tân La (Triều Tiên). 

Thiên hoàng Gemmei (Nguyên Minh Thiên hoàng 元明天皇) ban hành hệ thống tiền tệ Nhật Bản, dời đô đến Nara, dùng vũ lực đàn áp những kẻ phản nghịch, sau khi thoái vị đã truyền ngôi lại cho con gái là Thiên hoàng Gensho (Nguyên Chính Thiên hoàng 元正天皇)

Thiên hoàng Jito (Trì Thống Thiên hoàng 持統天皇) xử tử hàng loạt phản tặc trong triều đình rồi dời đô đến Fujiwara. 

Sau khi thoái vị, trở thành Thái thượng Thiên hoàng, họ vẫn có thể duy trì quyền lực chính trị với tư cách là người bảo trợ cho tân Thiên hoàng.

Cực kỳ hiếm có phụ nữ kế vị kể từ khi quyền Nhiếp chính rơi vào tay gia tộc Fujiwara (Nhà mẹ đẻ của hoàng hậu). Tuy vậy vẫn có hai nữ Thiên hoàng nữa vào thời Edo (1603-1868) là Thiên hoàng Meisho (Minh Chính Thiên hoàng 明正天皇 1624 -1696) và Thiên hoàng Go-Sakuramachi (Hầu Anh Đinh Thiên hoàng 後桜町天皇 1740-1813) nhưng không có thực quyền như trước đây. Nguyên nhân không liên quan đến giới tính, mà bởi vì quyền lực triều đình vốn đã rơi vào tay Mạc Phủ Tokugawa. 

Không cần dùng mưu mô thủ đoạn, các nữ Thiên hoàng đều lên ngôi một cách quang minh chính đại, theo đúng nguyên tắc kế vị, nên không có gì phải tranh cãi hay gây rúng động thiên hạ như Võ Tắc Thiên ở Trung Hoa. 

Phụ nữ chỉ thực sự bị cấm kế vị kể từ năm 1889 đến ngày nay, vì cuộc Duy Tân Minh Trị đã cải cách Nhật Bản theo khuôn mẫu của đế chế Phổ (Tức nước Đức, quốc gia cấm phụ nữ kế vị).

Cre: Văn hoa lich sư Nhật Bản

Ảnh: Các nữ Thiên hoàng trên phim cổ trang

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *