Hoá ra những thứ mà bố mẹ dạy hồi bé đều sẽ đúng, chỉ là khi nào nó đúng, và nó sẽ đúng như thế nào.
1. Mẹ dạy phải gập quần áo thường xuyên. Năm đó tôi lười biếng, cho rằng chẳng cần thiết.
Năm 25 tuổi, ở một mình vài năm, tự dưng lại đổi gu ăn mặc từ quấn giẻ ra đường, thành ăn mặc chỉn chu, bảnh bao một tí.
Năm 20 tuổi, mỗi khi ra đường tôi chỉ cần dậy trước giờ lăn bánh 5 phút, nhanh chân chạy vào đánh răng rửa mặt, khoác tạm cái sơ mi nhăn nhúm bị giày vò trong tủ, mặc thêm một cái quần chẳng đâu vào đâu, có khi mặc cái quần ngố bò, xắn cái ống tay lên 1 cách thô thiển và ngu ngốc, là đã có thể sẵn sàng bắt đầu đi học rồi.
Và dĩ nhiên, cách ăn mặc tuỳ tiện tạo ra rất nhiều thứ cũng tuỳ tiện, khi về nhà, quần áo tôi vứt chỏng chơ khắp giường. Có khi quần lót còn quẳng cả lên phần mô tơ quạt (cái cục khỉ gì đằng sau cái quạt cây ấy – sự tuỳ tiện đã khiến từ ngữ của tôi thật sự rất là thui chột). Mỗi khi cần tìm cái gì, mặc cái gì đặc biệt, tôi chạy loăng quăng khắp nhà chỉ để tìm xem cái áo sơ mi mình thích, đôi tất đen đúng combo, hay cái quần lót mới mua nằm ở chỗ nào. Thậm chí tủ của tôi còn chẳng có cái quần vải đen nào để giúp tôi tự tin khi đi sự kiện nữa. Tôi có rất nhiều thứ trong tủ quần áo, nhưng khi cần tôi lại chẳng có gì để mặc.
Thế nên năm 25 tuổi, chỉ đơn giản tôi nhận ra, nếu không gập quần áo hay treo lên cẩn thận, lúc cần mặc sẽ phải đi là lượt lại rất mất thời gian. Chẳng ai muốn mình phải hấp tấp vội vã cả.
“Sự lười biếng hôm nay sẽ phải trả giá bằng sự vất vả của một ngày nào đó.”
2. Còn mắng là còn thương. Chứ ghét thì mặc kệ.
Hồi nọ mình cứ nghĩ bố mẹ ghét mình lắm, vì ngày nào mình cũng bị mắng ti tỉ thứ trên đời. Mình chẳng được làm những gì mình muốn, không được ngủ đã con mắt đến tận trưa, không được lười ăn bỏ bữa vì không đói, hay không được ngồi máy tính quá 1h đồng hồ mỗi ngày,…
Rồi một ngày nọ 25 tuổi, mình ngồi máy tính 14 tiếng/ngày, mình tự kiểm soát giờ giấc ăn ngủ, mình được làm mọi thứ mình thích. Và mình bắt đầu nhớ những lời mắng mỏ của bố mẹ. Chúng ta càng lớn sẽ càng trở nên cô đơn, bởi chúng ta quá bận rộn với cuộc sống của riêng mình.
Một ngày nọ 25 tuổi, bố mẹ chẳng mắng mình vì ngủ nghê quá nhiều nữa, những tiếng mắng mỏ ít đi, giọng nói cũng bớt oang oang lại. Độ vang của âm thanh tỉ lệ nghịch với số lượng tóc bạc trên đầu bố mẹ, và cũng tỉ lệ thuận với số lượng bệnh tật hay vấn đề về sức khoẻ mà những người từng bồng bế chúng ta mắc phải. Mình càng lớn, bố mẹ cũng càng già đi. Sự trưởng thành của chúng ta có lẽ mãi mãi không bắt kịp tốc độ bạc tóc của cha mẹ.
Vậy nên, hãy trân trọng những người luôn mắng bạn rằng bạn đang làm thứ gì đó không ổn – cũng giống như bố mẹ, có thể họ đang muốn bạn tốt lên, cũng là để chính công việc của họ cũng sẽ tốt lên, cứ tin là như thế, cuộc sống của chúng ta cũng sẽ nhờ suy nghĩ đó mà bớt gò bó và khổ cực.
Nếu họ còn mắng mỏ, tức là họ còn quan tâm những gì chúng ta làm, chúng ta vẫn có giá trị trong lòng họ. Nếu họ không buồn nói gì nữa, tức là chúng ta giờ đã nằm trong điểm mù rồi.