Người biết lắng nghe đích thực chắc chắn không như Prudential luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu. Họ như thế này cơ!
Một trong những điều tốt đẹp nhất, hữu ích nhất và thú vị nhất chúng ta có thể làm cho một người khác là lắng nghe họ thật lòng. Nhưng biết lắng nghe không chỉ đơn thuần là chú ý đến những gì mà người kia đang nói.
Có một mặt chủ động của quá trình lắng nghe có thể được ví như là một sự “biên tập” vì nó tương tự như cách một biên tập viên mẫu mực làm việc với tác giả.
Một biên tập viên giỏi không đơn giản là thông qua bản thảo ngay từ lần đầu tiên. Họ đặt ra các nghi vấn, cắt gọt, mở rộng vấn đề và tập trung vào con chữ – không phải để thay đổi nền tảng tác phẩm của tác giả mà để khai thác những ngụ ý đang bị che lấp bởi sự lạc đề, cách diễn đạt lòng vòng, thiếu quả quyết và không chỉn chu.
Biên tập viên không biến tác giả thành một người khác: Họ giúp tác giả sống đúng với con người thật sự của mình.
Quá trình tương tự cũng xảy ra với một người biết lắng nghe. Họ biết rất rõ rằng có một số điều mà người nói đang tiết lộ không bộc lộ chính xác ý người đó muốn nói.
Có lẽ người nghe muốn biết một chuyện nhạy cảm, đau buồn nhưng lại e ngại chuyện quá nặng nề hay người ta nói dối mình. Có thể người nói muốn giải thích lý do một số thứ lại đẹp đẽ và tích cực, nhưng lại bị sa đà quá mức vào tiểu tiết, các chi tiết lặp lại và chi tiết phụ. Người nói muốn biểu đạt một sự thật nhưng sự sáng suốt của họ lại bị ảnh hưởng bởi cảm giác rằng mọi chuyện sẽ bình thường và an toàn hơn khi chỉ nói đến các chi tiết thực tế.
Một người biết lắng nghe có tâm tư của một biên tập viên sẽ biết phải nhẹ nhàng xử lý những tâm tư này như thế nào.
Họ sẽ hỏi người nói một cách thân thiện nhất để người ta bộc lộ cõi lòng hoàn toàn và đi sâu vào những cảm xúc với thái độ tạo sự hứng thú lớn chứ không phải sự chán ngắt hay hoảng hốt cho người nghe.
Họ giúp người nói rút ngắn các chi tiết thừa, tập trung lại vào câu chuyện chính đang bị sa đà vào tiểu tiết.
Khi người nói sợ không dám mở miệng, thính giả – biên tập viên sẽ làm an lòng và khích lệ người nói tiếp tục. Họ biết làm thế nào để khiến người khác cởi mở và khéo léo thể hiện sự hào hứng của mình với những lời chia sẻ có vẻ hơi lạ nhưng thực ra là quan trọng.
Cuối cùng, thính giả – biên tập viên giỏi sẽ tạo ra rất nhiều thay đổi trong cuộc đối thoại. Nếu cuộc trò chuyện được viết lại và chỉnh sửa bằng tay, trên giấy sẽ xuất hiện rất nhiều chỗ gạch xóa. Nhưng kết quả của sự can thiệp này chưa bao giờ là một sự xúc phạm mà là một ấn bản – trải qua sự giúp đỡ của một người – trở nên gần gũi với tâm ý của người mở lời hơn.
Một thính giả – biên tập mẫu mực sẽ giúp chúng ta là chính mình còn hơn là chúng ta tự tìm cách để được như vậy.
Trạm Đọc | Theo The school of life