Tư duy tích cực: Vẫn còn may

Thật tiếc khi phải nói điều này, nhưng trong chúng ta ai rồi cũng có những ngày kiệt sức. Kiệt sức không đơn thuần nằm ở việc bạn quá tải công việc, ở khối bài tập phải hoàn thành, ở việc năng lượng bạn bị cháy rụi, mà còn nằm ở cách chúng ta tư duy. 

Có lẽ mọi người đã từng nghe tới khái niệm “Chủ nghĩa khắc kỷ” (Stoicism). Được biết đến như một trường phái triết học được khai sinh ở Hy Lạp và tồn tại hơn 2000 năm, chủ nghĩa khắc kỷ là phương pháp tư duy logic để đạt được sự bình thản, điềm nhiên trong tâm hồn.

Bài viết ngày hôm nay tôi không dành “thời lượng” để giải thích về triết lý sống này, bạn google 2s là bát ngát. 

Chủ nghĩa khắc kỷ dạy cho ta nhiều điều, dẫn ta leo dần từng nấc thang để đạt được trạng thái bình ổn trong cuộc sống. Là một người chủ yếu nghiên cứu về Nhật Bản, cũng đã có không ít lần tôi suýt xoa trước biết bao triết lý sống của xứ Phù Tang như Ikigai, Danshari… nhưng thú thật là tôi cũng chưa từng áp dụng một phương pháp nào cho tới khi “gặp” Chủ nghĩa khắc kỷ. Nói để thấy rằng, phương pháp này đối với tôi vô cùng có ý nghĩa. Vậy nên ngày hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn tư duy tích cực: vẫn còn may, một “liều thuốc quý” giúp tôi bớt ngả nghiêng trong cuộc sống. Thông qua kỹ thuật tâm lý tưởng tượng tiêu cực (negative visualization) – được cho là “linh hồn” của chủ nghĩa khắc kỷ, tôi biết cách nhìn cuộc sống với góc nhìn tích cực và luôn tìm ra điểm “vẫn còn may” núp lùm dưới những điều không may. Tôi không chắc mình đã hiểu đúng và áp dụng đúng hay chưa, vì tôi vẫn còn đang tìm tòi mỗi ngày. Chỉ biết rằng, từ ngày biết biến tiêu cực thành tích cực, tôi hạnh phúc hơn. Tôi tin là như thế!

Tôi chẳng phải người đã trải nghiệm cuộc sống nhiều nhặn gì cho cam, mỗi “sóng gió” ập đến là một lần đêm về vắt tay lên trán trách mình một tí “Ôi sao lúc đấy mình lại ngang nhiên để chuyện đó xảy ra nhỉ” :)). Vẫn còn dại, dại lắm. Nhưng được cái là sao, sau một giấc ngủ êm, tỉnh dậy tôi nạp cho mình một năng lượng mới, vẫn còn may, khi chuyện đã xảy ra như vậy. Công thức thì rất đơn giản: Đối mặt – Tưởng tượng tiêu cực – Biết ơn.

Ví dụ:

 Bị coi thường chất xám: Tôi là người khá cẩn trọng, nhưng trời xui đất khiến thế nào có một lần tôi lại cặm cụi viết nội dung, cặm cụi tìm kiếm đề tài cho một bên mà không màng đến chuyện deal giá. Tôi nghĩ là người trưởng thành, có thể chưa biết nhiều thì cũng cần biết điều, nhưng hóa ra vẫn có ngoại lệ. Thế là bị giáng cho một cú đau điếng người. Nếu là tôi của năm 20 tuổi chắc lăn đùng ra khóc, tiếc thời gian, tiếc công sức và tiếc đủ điều. Nhưng giờ thôi, người ta lớn rồi, người ta trầm ổn hơn, nhẹ nhàng cầm thù lao hì hụi viết lách suốt 1 tháng, chỉ đủ ăn đúng một bữa, giải vía :))). Vẫn còn may: khi đã kịp thời tỉnh ngộ.

 Bị thao túng trong mối quan hệ: Bước ra khỏi mối quan hệ đó tôi mới biết, một người đàn ông không đủ tệ có thể hủy hoại một người con gái như thế nào (hoặc ngược lại). Tôi bị thao túng cảm xúc, tôi mất dần niềm tin vào bản thân, tôi không khá lên nổi. Bước ra khỏi mối quan hệ tôi mới biết mình từng là một con ếch, bị thả vào một nồi nước đun sôi dần dần. Hên là đun giữa chừng thì hết gas, mới có thể thoát thân phát một. Vẫn còn may: khi kịp thời tỉnh ngộ. 

 Bị đuổi việc: Những ngày mới ra trường, tôi là một đứa con gái hiếu thắng, không giỏi lắng nghe và không biết cách cư xử cho lắm. Tôi bị hoặc được(?) cho thôi việc sau một (vài) lần khư khư giữ quan điểm của mình về concept cho bộ sưu tập mới. Tôi đã sang chấn rất lâu sau cú sốc đó. Tôi không bao giờ nghĩ là mình sẽ bị đuổi việc vì tôi tự tin lắm, tự tin ngút ngàn. Nhưng rồi tôi hiểu ra một điều: “Không ai bị đuổi việc vì không biết lắng nghe. Nhưng đã non còn ngang bị đuổi là đáng lắm. Một tập thể người ta cần những người biết lắng nghe”. Vẫn còn may: khi đã kịp thời tỉnh ngộ.

Câu hỏi đặt ra để chúng mình tưởng tượng tiêu cực là: nếu bây giờ mình vẫn ở trong hoàn cảnh đó, thì mình sẽ tệ thế nào? Là một đứa trẻ dại làm việc vì đam mê, hay là một đứa mãi sống vì cảm xúc của người khác, hay là một con nhỏ ương ngạnh sẵn sàng combat với tất cả… Vậy thôi, là biết liền à. Giật mình nhận ra, chỉ là tưởng tượng, má ơi biết ơn. Tưởng tượng tiêu cực để biết mình còn may, để bình thường hóa những nỗi đau xảy đến, để biết mọi thứ đã qua, để dũng cảm sống tốt hơn cùng những bài học ấy. 

Có phải là, điều gì xảy đến với bạn không quan trọng bằng cách bạn đối mặt với nó ra sao mà, phải không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *