Chắc hẳn ai khi tìm hiểu về thời của Napoleon thì chắc hẳn cũng biết rõ một trong những tài sản quý giá nhất của Hoàng đế Pháp chính là kỵ binh, thậm chí kỵ binh Pháp còn được cho là tốt nhất Châu Âu thời bấy giờ, nhưng sự thật có phải là như thế không?
Thử hỏi một vị sĩ quan người Phổ, Áo, Nga, Anh hay cả người Pháp về chất lượng của kỵ binh Pháp vào thời bấy giờ thì họ sẽ trả lời như thế nào? Với tư cách của một người kỵ mã mà nói thì… bọn Pháp là bọn tồi nhất, gà mờ, lêu lỏng, vô tổ chức, lười biếng, xoàng xĩnh,… vân vân và vân vân, nói chung là họ sẽ dùng mọi từ ngữ xấu xí nhất để miêu tả kỵ binh Pháp, thật vậy, trong số các thế lực Châu Âu thời bấy giờ thì kỵ binh Pháp thuộc dạng trang bị tồi nhất và huấn luyện kém nhất.
Có bất ngờ không? Không hề, nếu ta chịu xem xét hoàn cảnh lịch sử một chút, từ trước giờ kỵ binh vốn là sân chơi của bọn quý tộc nhà giàu, mà nước Pháp Cách mạng không phải là nơi dễ chịu gì lắm với bọn quý tộc
) sự thật hiển nhiên), vậy nên cũng dễ hiểu khi Napoleon nổi lên thì chất lượng kỵ binh Pháp tuột dốc một cách thảm hại.
Nó thể hiện một cách rõ ràng và trần trụi trong chiến dịch đánh Nga của Napoleon, khi tổn thất về ngựa “vượt qua mọi sự tưởng tượng” của quân Pháp là hậu quả từ “kỹ năng” chăm sóc ngựa hạng bét của đại đa số quân Pháp, trong khi các lực lượng kỵ binh Ba Lan (rõ ràng là những tay chăn ngựa tốt hơn và ngựa của họ chịu cái lạnh của Nga tốt hơn) thì lại không tổn thất mấy.
—
Thế nhưng ta lại có một nghịch lý ở đây, trong khi bọn kỵ binh Pháp, nói về mọi mặt, đều cực kỳ tệ thì trong thực tế họ lại là lực lượng kỵ binh thống trị chiến trường lúc bấy giờ, nhưng bằng cách nào?
Đầu tiên nói đi thì cũng phải nói lại, đám kỵ binh Pháp dù là những “kỵ mã” tồi, trình độ có hạn nhưng độ liều mạng lại có thừa (điểm chung của quân Pháp bấy giờ), một thằng kỵ mã biết 50 bài thương, 50 bài kiếm, 50 bài cưỡi ngựa chắc gì đã bằng một thằng kỵ mã không biết bài nào nhưng lại gan dạ, không nao núng nơi chiến trường.
Như tôi đã phân tích ở những bài trước, chiến tranh giữa kỵ binh là một cuộc chiến (gần như) thuần sĩ khí, sĩ khí là thứ quan trọng nhất, trang bị hay kỹ năng cá nhân là thứ yếu.
Và quan trọng nhất, chúng ta có Napoleon, cùng với một thế hệ sĩ quan Pháp thiên tài, họ đã nhìn ra được những điểm yếu của kỵ binh Pháp, qua đó giới thiệu hàng loạt các cải cách về tổ chức và kỷ luật, nó đã hình thành một dạng học thuyết cho lực lượng kỵ binh Pháp từ đầu thế kỷ 19 trở đi.
Điểm đặc biệt quan trọng nhất trong học thuyết này là họ đã nhìn ra được một điều mà không thế lực nào khác bấy giờ nhìn ra được, “sức mạnh của kỵ binh nằm ở lực lượng dự bị” dẫn đến việc kỵ binh Pháp chú trọng sử dụng “đội hình kỵ binh có chiều sâu”, kịch liệt phản đối “đội hình kỵ binh tuyến tính” vì nó quá mạo hiểm, kỵ binh không cần thiết phải di chuyển quá nhanh, chỉ cần chậm và phải luôn luôn giữ được đội hình, trong các cuộc giao tranh kỵ binh Pháp có khả năng tấn công cực kỳ linh hoạt, cũng như tập hợp và ổn định lại đội hình rất nhanh tới mức khiến đối thủ phải kinh ngạc, điều này đảm bảo quân Pháp luôn luôn sở hữu một lực lượng dự bị mạnh mẽ để phản công lại đối thủ.
Như Jomini đã đúc kết lại học thuyết kỵ binh của người Pháp: “Phe nào còn lực lượng dự bị cuối cùng chính là phe chiến thắng.”
Tổ chức kỵ binh chặt chẽ, đầy đủ và phi tập trung cao độ giúp kỵ binh Pháp đạt được những điều này.
Sự vượt trội trong tổ chức và kỷ luật của kỵ binh Pháp có thể thấy rõ ở trận Waterloo, mặc cho việc kỵ binh Pháp đang trong giai đoạn tồi tệ nhất, vẫn có thể đánh áp đảo kỵ binh Anh, bởi sự rời rạc trong tổ chức, sự bối rối trong khâu chỉ huy và lực lượng dự bị không được tổ chức tốt – tướng kỵ binh Anh thừa nhận.
Arthur Wellesley thuật lại: “Nói về khả năng kỵ mã thì tôi tự tin rằng 1 tiểu đoàn Anh chấp 2 tiểu đoàn Pháp cũng được, nhưng nếu là 4 đánh 4 thì tôi không chắc, khi số lượng tăng lên thì tầm quan trọng của tổ chức và trật tự cũng tăng lên, tôi không tự tin lắm khi đối đầu với kỵ binh Pháp khi không có lợi thế về số lượng.”