Hồi mới cưới,

ĐỂ XỬ LÝ MÂU THUẪN TRONG TÌNH YÊU VÀ HÔN NHÂN

Có hai điều mà mình không thể phủ nhận.

Một: Mình là một cô vợ chẳng đảm đang khéo léo gì

Hai: Mình không hề muốn thay đổi điều đó.

Hồi chưa lấy chồng, mẹ mình lấy làm lo lắng mà đe doạ: “Lười biếng bừa bộn như mày thì có chó nó lấy!” Rồi sau này khi mình thu hoạch được một anh chồng như ý rồi, mẹ mình lại có nỗi lo khác: “Mày mà không thay đổi cái nết sinh hoạt, chịu khó chăm chỉ lên thì dăm hôm lại cãi nhau”.

Mình bĩu môi chả tin. Tại sao hạnh phúc hôn nhân lại phụ thuộc vào sự khéo léo đảm đang của người vợ? Đã đến lúc thay đổi cái niềm tin giới hạn đấy rồi, mình nghĩ. Và mình sẽ bằng năng lực của bản thân, chứng minh cho cả thế giới thấy!

Thế mà cũng có đôi lúc sự tự tin ấy của mình bị lung lay. Đó là những lúc anh chồng chê mình đoảng, ngáo, vụng về… Dù chàng giải thích với mình rằng chàng chỉ trêu thôi, nhưng những lời đe doạ của bố mẹ như một hạt giống âm thầm vậy, cứ trồi lên vào những lúc mình chẳng hề phòng bị. Đâu đó trong mình cũng bối rỗi, lo lắng, bất an về sự thiếu “chuẩn mực” của mình, chỉ là mình không dám thừa nhận mà thôi.

Hôm nọ, chúng mình mới giận nhau vì một lí do rất nhảm nhí: chàng chê mình rửa bát bẩn. Uh thì mình rửa bẩn thật, nhưng mình lúc đó đã phản ứng thái quá lên. Thế là hai đứa giận dỗi bỏ chơi không thèm nói chuyện với nhau nữa. Buổi tối hôm ấy mình tỏ ra rất “tỉnh” và “chill”, nằm đọc sách, viết lách các kiểu, không thèm để ý đến chồng. Chàng thì cũng vài lần tỏ ý muốn làm lành mà mình vẫn tự ái lắm nên là không chịu. Kết quả là mình bật bài thiền nằm ngủ sớm, còn chàng thì ra sofa nằm. Mình ngủ được một giấc đến nửa đêm mà thấy chàng vẫn chưa vào phòng. Một cách bất chợt, cơn tủi thân và hờn giận nổi lên bao trùm lấy mình. Muôn vàn suy nghĩ linh tinh tiêu cực cứ sục sôi trong tâm trí mình. Và mình bắt đầu khóc.

Đến đây, mâu thuẫn bắt đầu được đẩy lên cao trào. Diễn biến tiếp theo có thể sẽ rất quen thuộc và phổ biến: Người vợ ôm nỗi tổn thương của mình thành giân giữ, hằn học và muốn “trả thù” cho thoả lòng. Dù người chồng có xuống nước cũng không chịu thoả hiệp, thay vào đó, người vợ phản ứng dữ dội lên, nói những lời khó nghe và khóc lóc. Người chồng cũng không giữ được bình tĩnh nữa. Cả hai sẽ làm tổn thương nhau thật sâu, thế rồi chiến tranh lạnh nhiều ngày khiến cả hai mệt mỏi và suy nghĩ tiêu cực.

Nhưng vào giờ khắc đó, may mắn thay, mình đã không làm như vậy. Mình kịp thoát khỏi cái bẫy của cảm xúc và nhắc nhở bản thân về nhu cầu của mình: Mình chỉ cần được vỗ về, an ủi, vậy thôi. Ai đúng ai sai đâu có quan trọng đến vậy. Thế là mình gạt hết khỏi đầu những suy nghĩ và cảm xúc mông lung, mình bước ra phòng khách và lăn vào ghế sofa nằm cùng chàng. Sợ mình ngã, chồng đưa tay ra ôm lấy mình. Cái ôm giữ vợ khỏi ngã dần biến thành những cái vỗ về. Trong bóng tối, lặng thing, con tim của cả hai đã được an ủi và sưởi ấm như vậy. Thật giản đơn biết làm sao.

Mình thường ví sự nhạy cảm với suy nghĩ và cảm xúc của phụ nữ là một chiếc đũa phép thuật. Nó có thể rất kì diệu và quyền lực nếu ta biết sử dụng đúng cách. Nhưng nó lại có thể trở thành một lời nguyền, một thảm hoạ nếu ta không am hiểu món quà phép thuật này. Là phái nữ, chúng ta dễ dàng tự cuốn bản thân theo những suy nghĩ mông lung không có thật và tự dằn vặt mình. Chúng ta có thể nhạy cảm, tổn thương, phản ứng thái quá với một câu nói rất đơn giản của người khác. Chúng ta suy đoán 7749 viễn cảnh có thể xảy ra trong bộ não bé nhỏ của chính mình và đưa mọi chuyện đi quá xa. Khi sự nhạy cảm với cảm xúc khiến chúng ta trở nên độc hại trong mối quan hệ cũng là lúc những cãi vã, những mâu thuẫn, những tổn thương, những tan vỡ kéo dài.

Nếu bạn đang ở trường hợp trên thì đừng vội bi quan, bạn hoàn toàn có thể học cách sử dụng “chiếc đũa phép thuật” từ bây giờ để biến nó thành kì diệu và có ích. Trong cuốn sách Have The Relationship You Want của Rori Raye có viết rằng: là phụ nữ, chúng ta sở hữu năng lượng ÂM giúp bản thân cảm nhận, biểu hiện cảm xúc, kết nối với trực giác, thả lỏng, sáng tạo, nương theo và nhận lại. Vâng, cảm xúc là thế mạnh, là điều đặc biết của chúng ta; nó không phải là một lời nguyền mà là một món quà. Đàn ông không giỏi trong việc cảm nhận và thể hiện cảm xúc đâu, vậy nên đừng bắt họ phải tinh tế và nắm bắt được tiến trình cảm xúc của cả hai trong mối quan hệ. Đó là thế mạnh của bạn, vậy nên hãy nhận việc ấy về phần mình. Ví dụ, mình nhận diện được cảm xúc của mình là tủi thân và bất an, mong muốn được ghi nhận, vỗ về, an ủi. Vậy nên mình sẽ nương theo cảm xúc ấy, nương theo mong muốn được vỗ về để nương vào vòng tay chồng. Còn phần việc của tính nam là hành động, hãy để lại phần ấy cho chàng. Mình trao cho chàng quyền được đưa tay vỗ về mình và cơ hội để dỗ mình hết giận. Ai giỏi việc gì thì làm việc ấy, đơn giản phải không nào.

Và đó là điều đầu tiên bạn nên để tâm khi đương đầu với mâu thuẫn trong tình yêu hoặc hôn nhân: Hãy xử lý phần CẢM XÚC, và trao cơ hội xử lý phần HÀNH ĐỘNG, HƯỚNG GIẢI QUYẾT cho chàng.

Vậy tiến trình cụ thể sẽ như thế nào?

1. Chuẩn bị tâm thế / mindset đúng đắn

Bạn cần nhận thức rằng: mâu thuẫn không xấu. Không phải yêu đương hạnh phúc là sẽ không có cãi vã. Không hề có chuyện đó. Mình tin rằng mâu thuẫn giận hờn cũng là một gia vị không thể thiếu trong mối quan hệ. Chúng ta chỉ ngưng cãi vã khi chúng ta không còn để tâm đến người kia nữa.

Thay vì né tránh và sợ hãi mâu thuẫn, chúng ta nên soi chiếu nó dưới một góc độ khác. Mâu thuẫn giúp chúng ta nhận ra điều còn cần hoàn thiện hơn trong mối quan hệ, giúp chúng ta hiểu nhau hơn và tự hiểu rõ hơn chính bản thân mình. Vậy nên, sau mỗi cuộc giận hờn, hãy ôm nhau thủ thỉ về những ý nghĩa ta nhận ra được và cùng nhau rút ra bài học.

2. Hãy trao cho bản thân và đối phương một khoảng lặng

Khi xung đột xảy ra, chúng ta có xu hướng cố gắng nói thật nhiều để giành phần thắng. Chúng ta nói không suy nghĩ, chỉ nói sao cho bỏ tức, cho đã cơn giận giữ… Lúc đó bạn đang không ứng xử thật với lòng mình, bạn chỉ như một chất hoá học đang phản ứng dữ dội trong bình thí nghiệm thôi. Và tâm trí bạn thì sủi bọt và phun khói mờ mịt như chiếc bình thí nghiệm vậy, chẳng thể soi rõ chính mình, không biết mình muốn gì và đang nói năng những gì cả. Vậy là bạn khiến đối phương tổn thương, và đối phương cũng sẽ đáp trả lại bạn bằng những lời sát thương. Nếu lúc đó bạn không thể nói những ngôn ngữ yêu thương, những lời lẽ hiệu quả và có ích, thì tốt hơn hết là không nói gì cả. Hãy chậm lại một chút, cho bản thân không gian để hít thở, để bình tâm lại và quan sát bản thân mình. Bạn có thể thiền hoặc ngồi xuống viết ra cảm xúc của mình. Tin mình đi, bạn sẽ thấy dễ chịu và sáng suốt hơn rất nhiều.

3. Tự soi chiếu, giao tiếp với bản thân để hiểu rõ nguyên nhân và nhu cầu

Theo Phân Tâm Học thì đằng sau mỗi hành động và lời nói của chúng ta luôn là một nhu cầu, một mục đích nào đó. Chúng ta uống nước vì ta thấy khát. Chúng ta post status trên facebook để được lắng nghe, công nhận, khen ngợi, đồng tình… Vậy nên khi ta phản ứng thái quá trong một cuộc mâu thuẫn thì chắc hẳn phải có một nguyên nhân, một nhu cầu nào đó chưa được đáp ứng. Ví dụ mình gắt lên khi chồng đưa ra một nhận xét thực tế rằng “mình rửa bát bẩn” bởi trong mình có một nhu cầu rất lớn được khen ngợi và công nhận. Mình cảm thấy tủi thân vì bị chê bai, vì không được công nhận. Mình tự làm bản thân bất an với suy nghĩ rằng chồng đã bắt đầu không chịu nổi khuyết điểm của mình nữa… Và khi thấy chồng nằm ngoài sofa, mình đã khóc và giận giữ vô cùng bởi mình mong muốn chồng mình vào dỗ dành mình cơ.

Khi bạn hiểu rõ được cảm xúc và nhu cầu của bản thân rồi thì bạn hoàn toàn có thể nương theo chúng và hành động sáng suốt. Vì mình muốn được dỗ dành, nên mình sẽ tạo cơ hội để chồng dỗ dành. Vì mình muốn được công nhận và không thích chê bai, mình sẽ đề xuất với chàng rằng anh hãy tích cực ghi nhận và khen ngợi em nhé. Hãy luôn nhắc bản thân kết nối với cảm xúc và nhu cầu của mình, nếu không bạn sẽ hành động mù quáng và kết quả sẽ đi ngược lại với mong muốn của bạn. (Ví dụ: muốn chồng làm lành nhưng khi chồng đến gần thì tự ái gắt lên: anh tránh ra đi / để cho tôi được ở một mình…)

 Cuối cùng, và cũng quan trọng không kém, đó là giao tiếp với đối phương trong (và sau khi) giải quyết mâu thuẫn. Sau khi đã trao cho cả hai khoảng lặng để bình tâm hơn, để tự soi chiếu và hiểu rõ bản thân hơn, đây là lúc bạn có thể diễn đạt cảm xúc, nhu cầu, và đề bạt hướng giải quyết của mình một cách nhẹ nhàng, sáng rõ và phi bạo lực ngôn từ. Đây không phải là nơi dành cho những lời trách cứ, đổ lỗi, khiến đối phương cảm thấy bản thân thật tệ hại. Mình có viết một bài rất chi tiết về Bốn Bước Giao Tiếp CHẠM dựa trên nền tảng giao tiếp phi bạo lực. Nếu cần, các bạn hãy inbox mình để mình gửi lại bài viết đó nhé.

Mình biết, ai trong chúng ta cũng không yêu thích gì những giận cãi vã, và chúng ta sợ hãi nó. Nhưng bạn đừng lo, khi bạn và người yêu thương có mâu thuẫn với nhau, điều đó có ý nghĩa rằng cả hai còn mong đợi ở nhau thật nhiều; và rằng, cả hai yêu nhau và quan tâm đến nhau. Vậy nên, hãy thử hành động khác đi vào lần tới, để mâu thuẫn không còn là tổn thương mà là một cơ hội để thấu hiểu và yêu thương nhau hơn nhé.

KẾT

Phải thừa nhận rằng, mình là một cô gái nhiều nỗi bất an và những suy diễn viển vông. Mình vẫn hay tự ái khi bị chồng chê, vẫn mang những nỗi lo lắng về mặt thiếu sót của bản thân. Nhưng mình không thấy cần thiết phải xấu hổ vì điều đó. Và các bạn cũng vậy nữa nhé. Chúng ta là con gái mà, chúng ta có quyền yếu đuối, mong manh và nhiều cảm xúc. Hãy nhớ rằng đó là một cây phép thần, một món quà quyền năng chứ không phải là một lời nguyền. Vậy nên hãy làm bạn với cây đũa thần của mình, cầm chắc nó và tạo dựng mối quan hệ mà bạn mong muốn nhé.

You go girl!

Source: Coach Thanh Alice

Hồi mới cưới,

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *