Tôi vẫn luôn được biết đến là một đứa con gái mạnh mẽ, biết vượt lên hoàn cảnh để cảm nhận sắc màu cuộc sống, luôn vui vẻ tràn đầy năng lượng tích cực.
Tôi vẫn luôn được mọi người khen là một đứa trẻ ngoan ngoãn lễ phép, thành tích học tập tốt, đã đậu vào trường đại học có tiếng dù gia đình kinh tế khó khăn miếng ăn chẳng đủ đầy.
Tôi vẫn nghe những người xung quanh bảo rằng tôi là một người sống tình cảm, quan tâm đến mọi người dù cho tôi lớn lên thiếu vắng tình thương của bố mẹ.
Nhưng không ai biết rằng,
Tôi luôn tỏ ra mạnh mẽ, nụ cười lúc nào cũng ngự trị trên môi để đến ngày gặp lại bố sẽ thấy con gái bố đã sống rất tốt thời gian qua.
Tôi chăm chỉ học tập mỗi ngày, tham gia học hỏi các lớp năng khiếu để ngày gặp lại bố biết con gái bố đã nỗ lực, năng động ra sao.
Tôi chỉ muốn bố biết, không có bố tôi vẫn ổn.
Nhưng thật ra, tôi không hề ổn như cách tôi thể hiện, và tất cả những điều ấy bố không hề hay biết.
Ngày tôi thi đại học, đó là lần đầu tiên tôi được nghe giọng bố, tiếng bố qua điện thoại trầm ấm vang bên tai dặn dò tôi đủ điều cho kì thi quan trọng trong đời. Cuộc nói chuyện chỉ có mình bố nói, còn tôi ngoài im lặng lắng nghe chẳng biết phải làm gì hơn.
Ngày tôi xách balo lên Hà Nội đến trường nhập học, lúc điền thông tin bố mẹ trong giấy thông tin sinh viên, tôi ngập ngừng không biết nên để trống hay ghi tên bố. Vì ngay cả câu “bố ơi” đến gọi thành tiếng còn đang gượng gạo.
Còn nhớ một ngày mùa đông năm tôi 19, nhìn màn hình điện thoại số của bố hiện lên, tôi cứ chần chừ mãi chẳng biết nên nghe hay không. Trong điện thoại bố nói bố sắp ra Hà Nội để đi ăn cưới con nhà bác cả, bố mong tôi sẽ đến để hai bố con được gặp mặt vì hiếm lắm mới có cơ hội bố có thể đi xa nhà đến thế. Chỉ nghe đến vậy thôi mà trong người tôi cứ bồi hồi nôn nóng, không phải vì sắp được gặp bố mà bởi vì không biết nên nói từ chối như thế nào.
Giây phút bố lên máy bay rời Hà Nội quay trở về ngôi nhà có gia đình của bố ở đấy, tôi biết ngày được gặp bố sẽ còn rất xa. Hình như tôi đã quên mất mục đích cho tất cả những điều tôi đang làm, tôi đã quên mất mình từng mong lên đại học sẽ đi tìm bố ra sao.
Bẵng đi một thời gian, tôi và bố chỉ liên lạc với nhau bằng những tin nhắn hỏi thăm, chỉ cần nghe rằng người kia vẫn khỏe mạnh, như vậy là yên tâm. Cho đến một ngày con riêng của bố liên lạc với tôi, họ nói rằng bố ốm nặng đang được cấp cứu, thời gian chẳng còn bao nhiêu.
Tôi cứ đứng lặng người như vậy nhìn vào khoảng không vô định, không còn nghe rõ người bên kia nói thêm những gì. Hoàng hôn buông xuống le lói vài tia nắng chiếu qua ô cửa sổ, tôi nghiêng người với lấy chiếc điện thoại tìm kiếm số của bố, “Nên gọi hay là nhắn tin đây? nếu bố nghe máy thì biết nói gì bây giờ? liệu bố có nghe máy không?”. Thời gian vẫn trôi còn dòng người vẫn tấp nập, chỉ có tôi đang tự trách mình, giận mình lúc này còn chần chừ điều gì nữa.
“Alo…”
“Bố ạ, bố… đang làm gì thế ạ?”
“Ừ bố vừa ăn cơm đang ngồi hóng gió, con đã ăn chưa hay đang đi làm thêm”
“Hôm nay con được nghỉ ạ. Bố vẫn khỏe chứ ạ?”
“Bố khỏe… Con khỏe không?”
“Con khỏe ạ. Vậy bố nghỉ ngơi đi ạ”
“Con cũng giữ gìn sức khỏe nhé”
Tôi chào bố rồi vội vàng cúp máy, hình như bố còn đang định nói thêm gì nhưng không kịp, còn tôi nép mình sau chiếc rèm nước mắt tuôn trào.
Đặt vé máy bay chuyến tối muộn ngày hôm sau vào Đà Lạt, tôi xếp vali chỉ vỏn vẹn vài bộ quần áo cùng đồ dùng cá nhân, nhanh chóng dọn nhà cửa cho gọn gàng và nhắn tin xin nghỉ phép một thời gian. Bởi vì chuyến đi này sẽ là một chuyến đi dài, tôi quyết định dành thời gian ở bên bố.
23 tuổi, lần đầu tiên được gặp bố, lần đầu tiên gặp người đã sinh ra mình, lần đầu tiên nhận ra “à hóa ra mình cũng có bố”, và lần đầu tiên biết được cảm giác vòng tay của bố là như thế nào. Tôi khóc, bố cũng khóc, hai bố con chỉ nhìn nhau và khóc, tôi không biết bố có hạnh phúc không nhưng tôi rất hạnh phúc, được bố ôm vào lòng là khoảnh khắc hạnh phúc nhất mà tôi có. Giá như tôi đi tìm bố sớm hơn, giá như tôi gạt qua mọi sợ hãi để gặp bố, giá như tôi mạnh mẽ như cách tôi thể hiện, nhưng xưa nay vốn chẳng có giá như. Nên bây giờ, tôi chỉ có thể gặp bố bằng cách đọc lại những đoạn hội thoại ngắn ngủi ngày xưa.
Có một ngày, bố mẹ sẽ già đi, sẽ không còn khỏe mạnh như cái hồi chúng ta còn thơ bé, kiên cường với cuộc đời nuôi ta khôn lớn nhưng chẳng thể chống lại được thời gian.
Có một ngày, bố mẹ sẽ rời xa chúng ta, sẽ đến lúc trở về với luân hồi, tô điểm cho những ngôi sao trên bầu trời đi theo chúng ta suốt những năm tháng còn lại.
Có một ngày, thứ duy nhất mà ta có được với bố mẹ chỉ còn là kỷ niệm.
“Yêu thương trân trọng những người trước mắt thật sự rất quan trọng. So với người ở hiện tại, người của quá khứ hay người của tương lai đều không quan trọng. Hiện thực đưa tay có thể chạm tới, rõ ràng, chân thực, đáng tin hơn hoài niệm quá khứ hay tưởng tượng tương lai.” Trích “Có một ngày, bố mẹ sẽ già đi”.