Cái hạnh phúc ở trần gian chính là ý thức được khổ đau. Ðau khổ nên phải biết rộng lòng với nhau hơn, tử tế hơn, độ lượng hơn, biết tha thứ, nhân hậu hơn. Bài học ấy không dễ gì, bởi cuộc sống cho đến nay điều thiện vẫn còn vắng bóng… – Trịnh Công Sơn
Thuở xưa, khi tôi con bé, nhạc Trịnh trong tôi vừa gần nhưng cũng vừa xa lắm. Gần bởi những người lớn quanh tôi đều nghe và đều nhắc về Trịnh Công Sơn bằng một tấm chân tình biết ơn Người thổi hồn vào từng ca khúc sống mãi theo năm tháng. Xa cũng bởi lúc ấy tôi còn quá nhỏ để có thể thấu hiểu nỗi lòng tác giả muốn gửi gắm vào từng lời nhạc của mình. Có lẽ người ta đúng khi nói: “Muốn hiểu nhạc Trịnh phải sống thật sâu thì mới đi hết, thấm hết từng ngóc ngách ca từ mỗi lúc nó được ngân lên”.
Giờ đây, dẫu rằng hai mươi ba năm lăn lộn với đời vẫn chưa đủ trưởng thành để nói rằng mình hiểu hết những ca khúc của Trịnh Công Sơn. Có lẽ cột mốc quan trọng đánh dấu khoảng cách giữa nhạc Trịnh với tôi như được rút ngắn là giây phút gặp gỡ người nghệ sĩ giờ đây đã thành người Chú, người bạn lớn của cuộc đời tôi. Cùng với cây ghita trên tay, Chú và tôi hay hát nghêu ngao “Để gió cuốn đi”, “Mưa hồng”, Một cõi đi về”, “ Em còn nhớ hay em đã quên” mỗi lần gặp gỡ.
Chú yêu nhạc Trịnh. Chú dùng nhạc Trịnh để lan tỏa tình yêu đến tôi, để dạy tôi cách sống với đời, cách yêu thương con người và cách sống sao cho lòng bình thản nhất trước mọi sự đổi thay của cuộc sống vốn dĩ ồn ào, xáo động này. Chính tình yêu ấy của Chú khiến nhạc Trịnh thấm vào hồn tôi lúc nào không hay. Khi buồn, khi cô đơn tôi nghe nhạc Trịnh, khi vui, khi thấy “yêu đời, yêu người” tôi cũng tìm đến nhạc Trịnh.
Mất bao lâu mới hiểu được nhạc Trịnh? Phải chăng khi đủ tuổi để có thể suy ngẫm về đời, về người? Phải chăng khi có đủ sự cô đơn trong tâm hồn để có thể đồng điệu cùng dòng nhạc luôn kén chọn người ca cũng như người nghe này? Phải chăng khi nỗi buồn dâng tràn lòng người mới hiểu được vì sao hầu hết ca từ của Trịnh đều man mác như chính cuộc đời tác giả? Hay phải chăng chỉ cần cái duyên, cái duyên cảm được nhạc Trịnh?
Với tôi, người với người gặp nhau đó là cái duyên. Tôi gặp Chú, trở thành người cháu, người bạn của Chú và yêu nhạc Trịnh từ những khúc hát mỗi lúc Chú cất lên. Tôi nghĩ đó là cái duyên lớn trong cuộc đời mình và cũng thật may khi được “bén duyên” cùng nhạc Trịnh.
Nhưng cuộc sống đôi khi là chuỗi ngày dài thử thách khiến tôi mệt mỏi. Những lúc như thế, Chú đến và nói: “Con có thấy Trịnh Công Sơn không? – “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, cùng với anh em tìm đến mọi người. Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát, để thấy tiếng cười rộn rã bay. Và như thế tôi sống vui từng ngày. Và như thế tôi đến trong cuộc đời. Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi”. Nhạc Trịnh đã giúp tôi cảm nhận được nỗi đau để “biết rộng lòng với nhau hơn, tử tế hơn, độ lượng hơn, biết tha thứ, nhân hậu hơn” và để thấy lòng bình yên hơn.
Sau những khát khao vươn mình ra biển lớn, đôi lúc vấp ngã chẳng muốn đứng dậy, đôi lúc đau đớn chẳng muốn bước tiếp, đôi lúc lạc lõng trong những ảo tưởng cuộc đời tôi trở về với nhạc Trịnh như tìm về chốn nương tựa cho tâm hồn. Nhạc Trịnh giúp tôi thoát khỏi sự hoài nghi về cuộc đời và về tình người, giúp tôi biết thế nào là mở rộng trái tim để đón nhận nhịp đập cảm xúc yêu thương từ chính những người thân và bạn bè quanh tôi.
Tôi đã từng đọc được một câu thế này: “Trí tưởng tượng của người cầm bút như ngọn gió lãng mạn được chắp cánh bay bổng nhưng không phải để lạc loài đến những thế giới xa lạ, huyễn hoặc mà đến thẳng, tiến nhanh đến những chân trời hiện thực”. Và Trịnh Công Sơn – người thổi hồn âm nhạc đưa lời ca đến rất gần với hiện thực để người nghe nói chung cũng như bản thân tôi nói riêng được hiểu thế nào là cuộc sống, để từ đó mà biết quý trọng từng giây từng phút mà cuộc đời ban tặng cho mình.
Giờ đây, nhạc Trịnh là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Sau những bộn bề, lo toan, lại muốn chạy thật nhanh về nhà, mở ngay album nhạc Trịnh được Chú tặng lên mà ngân nga theo, bởi đơn giản lắm:
“Cuộc sống là một niềm an ủi vô bờ. Cuộc sống chỉ cho ta mà không cần lấy bớt đi. Cuộc sống cho ta tất cả và mỉm cười khi thấy ta dại dột. Con người sinh ra vốn bất toàn và để làm những điều lầm lỗi. Nó đẹp vì bất toàn. Nó đáng yêu vì nó luôn luôn lầm lỗi. Vậy thì cứ yêu mà đừng tuyệt vọng”.
Hạnh Nguyễn từ Đà Nẵng