Nếu phải so sánh thì Cosmic Horror giống như sầu riêng giữa những loại quả khác vậy. Khó thưởng thức, nhưng dễ nghiện và đã nghiện thì khó dứt. Có chăng điểm khác biệt duy nhất giữa Cosmic Horror và sầu riêng chỉ là danh tiếng giữa chúng, nếu như sầu riêng nổi tiếng vì chính sự đặc biệt của mình thì Cosmic Horror lại thu mình, khép lại ở một góc, chờ đợi những kẻ có niềm đam mê đặc biệt tìm ra nó.Vậy rốt cục Cosmic Horror là gì và tại sao nó lại đặc biệt giữa những thể loại kinh dị đang làm mưa làm gió hiện thời cũng như mang trong mình nhiều nét quyến rũ đến thế?
Cosmic Horror được khai sinh bởi Lovecraft và niềm đam mê đặc biệt của ông với vũ trụ, khoa học cùng mọi thứ mà ta không hiểu thấu. Sẽ thật khó để có thể tìm cho nó một cái tên Tiếng Việt, bởi đơn giản “Kinh dị vũ trụ” sẽ dễ dàng khiến cho người ta lầm tưởng về bản chất thực sự của Cosmic Horror. Vậy nên, hãy cứ đơn giản gọi nó là Cosmic Horror thôi, và lần này thay vì đánh giá một thứ qua vẻ ngoài như cái cách mà ta vẫn làm với vạn vật, hãy thử nhìn xem bên trong thứ đó có gì đã nhé.
Vào năm 1917, khi Lovecraft bắt đầu những sáng tác đầu tiên của mình, chiến tranh thế giới thứ nhất đã kết thúc. Con người đã phải sống giữa địa ngục trần gian, những truyền thuyết ghê rợn về quá khứ, về bóng ma đã không còn đáng sợ nữa, thay vào đó cùng với sự chuyển mình của khoa học công nghệ, truyện kinh dị cũng cần phải biến đổi theo. Và chính từ đây, cuộc hôn nhân của Thế Chiến I cùng với cách mạng trí tuệ đã sinh ra Cosmic Horror. Đặc điểm đầu tiên của Cosmic Horror là “Human Insignificant”, nó mô tả rằng chúng ta nếu so với vũ trụ chẳng qua chỉ là hạt cát giữa sa mạc, loài kiến giữa tự nhiên. Chiến tranh là như thế, sau Đệ Nhất thế chiến đã có 10 triệu người chết, 20 triệu người bị thương, chính sự tàn khốc ấy đã khiến ta biết mình nhỏ bé đến thế nào giữa dòng chảy lịch sử. Và nếu bạn hỏi tôi rằng liệu còn điều gì khủng khiếp hơn cái chết trong chiến tranh không? Thì câu trả lời là còn đấy, đó là PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn) và các hội chứng tâm lý khác. Ta đều biết rằng, giới hạn của chấn thương vật lý là cái chết, còn giới hạn của chấn thương tâm lý là sự điên loạn, sự điên loạn khủng khiếp gấp cả nghìn lần cái chết, thế nên ngoài vẻ yếu đuối của con người, cơn mất trí còn là một đặc điểm khác trong các tác phẩm thuộc dòng Lovecraftian. Các tác phẩm của ông xoay quanh, gắn kết với nhau tạo nên một vũ trụ văn học riêng, và người ta gọi nó là Cthulhu Mythos. Phản diện chính trong vũ trụ ấy là các Great Old Ones hoặc các Outer God. Trong thế giới đó, cả thực tại này chỉ đơn giản là một giấc mơ của một Outer God tên là Azathoth, và con cháu của ngài chính là những sinh vật thượng đẳng đầu tiên. Họ đã tồn tại trên Trái Đất từ thuở sơ khai, họ khủng khiếp tới mức, chỉ một cái liếc nhìn sẽ khiến ta phát điên, còn một ánh nhìn chằm chằm sẽ làm ta tan chảy, dễ dàng hình dung được đó là một thế giới tăm tối và vô vọng như thế nào. Nhân vật chính trong những trang truyện ấy chỉ đơn giản là tìm cách sinh tồn, và nếu họ có chiến thắng, ta cũng chẳng tìm thấy vinh quang trong chiến thắng mà thay vào đó chỉ là cảm giác bàng quan và lạc lõng. Chính những bi kịch và sự nặng nề trong thể loại này đã biến nó thành một trái sầu riêng, không phải bất cứ ai cũng thấy vui vẻ khi cái ác chiến thắng hay thích thú khi biết ta sẽ bị hủy diệt một cách dễ dàng.
Vậy thì điều gì đã khiến vũ trụ Cthulhu nói riêng hay thể loại Cosmic Horror nói chung cuốn hút đến thế. Cũng giống như “Warhammer 40k” hay “Berserk”, cái sự nặng đô cùng với cách xây dựng vũ trụ lôi cuốn chính là điểm nhấn chung của thể loại này. Văn học Lovecraft đánh mạnh vào sự thiếu hiểu biết trong tâm trí của chúng ta. Con người vẫn luôn sợ những thứ mà bản thân không hiểu nổi. Một ví dụ rất rõ ràng trong lịch sử là về sự hỏa thiêu phù thủy. Thời đó ta e sợ họ vì không hiểu rõ liệu ma thuật là gì, hay quyền năng của thứ đó (nếu nó có tồn tại). Điều tương tự cũng xảy ra với các hiểu biết của nhân loại về Outer God hay Great Old One. Cái ác trong tiểu thuyết của ông là biểu tượng rõ ràng nhất cho cái ác toàn diện. Một cái ác với sức mạnh vô song, một cái ác có thể hủy diệt nhân loại dễ như trở bàn tay, cái ác đó quá khủng khiếp, quá thực tế, tới nỗi một tạo vật trong văn học của ông là cuốn Necronomicon từng được tin là có thật. Có thể nói, phản diện trong thể loại Lovecraftian chính là hiện thân của vẻ đẹp trong nỗi sợ, là sự thoát li của những kẻ đã chán ngấy với thứ công lý luôn thắng, giả tạo trong các bộ phim. Cuối cùng việc xây dựng vũ trụ rộng lớn và chặt chẽ cũng là một phần ăn điểm của Cosmic Horror. Trong Cthulhu Mythos, bằng cách này hay cách khác cả thực tại này từ lúc khởi nguyên đều đã dính dáng tới các Great Old One, dòng thời gian của nó nhất quán và ràng buộc tới nỗi, vượt lên trên mọi câu chuyện thông thường, Cthulhu đã biến thành một Mythos, một dạng thần thoại và truyền thuyết.
Tóm lại Horror Cosmic là một thể loại nặng đô và khó đọc, không phù hợp với tất cả mọi người, có điều, sức ảnh hưởng của thể loại này là vô cùng lớn. Chúng ta có những tác phẩm của Stephen King vô cùng nổi tiếng trên màn ảnh, trong manga ta lại có Junji Ito với những nét vẽ đậm chất điên loạn mà Cosmic Horror là thứ đã tạo nên, còn trong game chẳng phải ta đã từng tận hưởng bè lũ Yogg-Saron, Y’Sharrj, N’Zoth và C’thun từ Warcraft hay sao? Tất cả mọi điều ấy đều đang chứng minh sự quyến rũ vô hạn của Lovecraftian, như một chất độc trong các thế giới tới từ cảm hứng của ông (Bloodborne chẳng hạn), nó dần thẫm đấm và đem ảnh hưởng lên tất cả chúng ta. Vì lẽ đó nếu có một ngày muốn tìm thứ gì đó mới mẻ, sao không thử trải nghiệm vũ trụ Cthulhu mà xem, vì biết đâu linh hồn bạn sẽ bị cuốn vào cái thế giới điên loạn mà đầy sắc màu ấy.