Dạy dỗ trẻ em kiểm soát cảm xúc không phải là chuyện dễ dàng, đó thực sự là một nghệ thuật. Đến tận hôm nay, đây vẫn là một chủ đề luôn được bàn tán. Vậy mà ở vùng Bắc Cực hẻo lánh, bộ tộc Inuit (người Eskimo) đã áp dụng một phương pháp có từ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm trước để dạy con cái họ kiểm soát cảm xúc.
Quay lại những năm 1960, một sinh viên tốt nghiệp đại học Harvard đã thực hiện một khám phá mang tính bước ngoặt về bản chất của sự tức giận của con người.
Ở tuổi 34, cô Jean Briggs đã đi đến Vòng Bắc Cực (Arctic Circle) và sống trên lãnh nguyên trong 17 tháng. Không có đường, không có hệ thống sưởi, không có cửa hàng tạp hóa. Nhiệt độ mùa đông có thể dễ dàng giảm xuống dưới âm 40 độ F.
Briggs đã thuyết phục một gia đình người Inuit “nhận nuôi” cô và “giúp cô sống sót.”
Vào thời điểm đó, nhiều gia đình Inuit vẫn giữ lối sống giống như tổ tiên của họ đã sống trong hàng ngàn năm. Họ xây lều tuyết vào mùa đông và dựng lều vải vào mùa hè. “Chúng tôi chỉ ăn những những món từ động vật như cá, hải cẩu và tuần lộc caribou.“ Cô Myna Ishulutak, nhà sản xuất phim và giáo viên ngôn ngữ, người có lối sống như thế vào thời trẻ nói.
Briggs nhanh chóng nhận ra một điều đáng chú ý đang diễn ra trong những gia đình này: Người lớn có khả năng phi thường để kiểm soát cơn giận của họ.
“Họ không bao giờ thể hiện sự giận dữ đối với tôi, mặc dù tôi đã nhiều lần làm họ tức giận”, Briggs trả lời trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Canada (CBC).
Thậm chí nếu họ chỉ thể hiện một chút xíu thất vọng hay cáu kỉnh thì đã bị coi là yếu đuối và trẻ con.
Chẳng hạn có lần ai đó làm rơi một bình trà đang sôi xuống lều tuyết và làm hỏng cái sàn băng. Không một ai ở đó thay đổi nét mặt. “Quá tệ”, người vừa làm rơi bình trà bình tĩnh nói và đi đổ đầy lại bình.
Trong một trường hợp khác, một dây câu đã tốn nhiều ngày để bện lại bị hỏng ngay lần sử dụng đầu tiên. Không có ai tỏ ra bực mình dù chỉ một chút. Ai đó nói khẽ: “Hãy khâu nó lại với nhau.”
Ngược lại, Briggs lại giống như một đứa trẻ hoang dã mặc dù cô đã rất cố gắng để kiểm soát cơn giận của mình. “Tôi là kiểu người rất khó chịu, ít quan tâm và hay bốc đồng”, cô kể trong chương trình phỏng vấn của CBC. “[Tôi] thường bốc đồng theo kiểu chống đối xã hội. Tôi sẽ hờn dỗi hoặc tôi sẽ cáu bẳn hoặc tôi sẽ làm điều gì đó mà họ chưa bao giờ làm.”
Cô Briggs năm xưa rồi cũng trở thành bà Griggs và qua đời vào năm 2016. Bà đã viết lại những quan sát của mình trong cuốn sách đầu tiên “Không bao giờ giận dữ” (Never in Anger). Nhưng bà để lại một câu hỏi dai dẳng: Cha mẹ Inuit truyền khả năng này cho con cái của họ bằng cách nào? Làm thế nào để người Inuit dạy dỗ những em bé hay ăn vạ và cáu kỉnh trở thành những người trưởng thành điềm tĩnh?
Briggs đã thấy một manh mối vào năm 1971. Khi đó, bà đang đi dạo trên một bãi biển đóng băng ở Bắc Cực thì thấy một người mẹ trẻ đang chơi đùa với một đứa trẻ mới biết đi – một cậu bé khoảng 2 tuổi. Người mẹ nhặt một hòn sỏi và nói: “Hãy ném mẹ đi nào! Ném mạnh vào”.
Cậu bé ném hòn sỏi về phía mẹ mình và người mẹ kêu lên: “Ooooww. Đau quá!”
Briggs đã hoàn toàn bối rối.
Người mẹ đó dường như đang dạy đứa trẻ ngược lại với những gì các bậc cha mẹ mong muốn. Và hành động của cô dường như mâu thuẫn với mọi thứ Briggs biết về văn hóa Inuit.
Briggs nói trong cuộc phỏng vấn. “Tôi nghĩ: ‘Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy?’
Hóa ra, người mẹ đó đang áp dụng một công cụ nuôi dạy con mạnh mẽ để dạy con cách kiểm soát cơn giận – và đó là một trong những chiến lược nuôi dạy con gây kinh ngạc nhất mà tôi (người viết bài) đã tình cờ được chứng kiến.
Không la mắng, không giới nghiêm
Đó là đầu tháng 12 tại thị trấn Iqaluit, Canada. Vào lúc 2 giờ chiều mặt trời đã lặn. Bên ngoài, nhiệt độ là âm 10 độ F. Một trận tuyết nhẹ đang xoáy tít.
Tôi (tác giả bài viết này) đã đến thị trấn ven biển này sau khi đọc cuốn sách của Briggs để tìm kiếm sự khôn ngoan trong việc nuôi dạy con của người Inuit, đặc biệt là khi dạy trẻ em kiểm soát cảm xúc của mình. Tôi bắt đầu thu thập dữ liệu ngay khi xuống máy bay.
Tôi đã ngồi với những người lớn tuổi ở độ tuổi 80 và 90 trong khi họ ăn trưa với những món ăn truyền thống làm từ thịt động vật hoang dã như hải cẩu hầm, cá voi beluga đông lạnh và thịt tuần lộc caribou sống. Tôi đã nói chuyện với các bà mẹ bán áo khoác da hải cẩu khâu tay tại một hội chợ thủ công ở trường trung học. Và tôi đã tham dự một lớp học làm cha mẹ, nơi những bà mẹ tìm hiểu cách tổ tiên nuôi dạy trẻ nhỏ từ hàng trăm – thậm chí hàng ngàn năm trước.
Trên bảng, tất cả các bà mẹ đều đề cập đến một nguyên tắc vàng: Đừng quát tháo hay la mắng trẻ nhỏ.
Cách nuôi dạy con truyền thống của người Inuit là vô cùng quan tâm và nhẹ nhàng với trẻ em. Nếu bạn lấy tất cả các kiểu nuôi dạy con trên khắp thế giới và xếp hạng chúng theo mức độ dịu dàng thì phương pháp của người Inuit có thể sẽ xếp hạng gần đầu. (Họ thậm chí còn có một nụ hôn đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh, nơi bạn áp mũi vào má đứa trẻ và ngửi da.)
Văn hóa xem sự mắng mỏ, hoặc thậm chí nói với trẻ bằng giọng điệu bực tức, là không phù hợp. Lisa Ipeelie, nhà sản xuất chương trình radio, người đã lớn lên cùng với 12 anh chị em nói: “Khi trẻ còn nhỏ, nói cao giọng cũng không có ích gì. Nó sẽ chỉ làm cho nhịp tim của bạn tăng lên.”
Tôi hỏi: “Ngay cả khi đứa trẻ đánh bạn hoặc cắn bạn, thì bạn có nên cao giọng không?”
“Không,” Ipeelie cười khúc khích, dường như nhấn mạnh rằng câu hỏi của tôi thật ngớ ngẩn. “Với trẻ nhỏ, bạn thường nghĩ rằng chúng đang hư hỗn với bạn, nhưng đó không phải là điều đang xảy ra. Chúng đang thất vọng về điều gì đó và bạn phải tìm ra nó là gì.”
Theo truyền thống, người Inuit cho rằng la mắng một đứa trẻ là việc gây mất phẩm giá. Như thể nếu người lớn đang nổi cơn thịnh nộ thì chính là họ đang cúi xuống ngang tầm với đứa trẻ.
Những người lớn tuổi mà tôi đã nói chuyện kể rằng việc bị chiếm làm thuộc địa trong một thế kỷ đang làm hỏng những truyền thống này. Và vì vậy, cộng đồng đang nỗ lực để giữ gìn phương pháp nuôi dạy con cái.
Goota Jaw đang ở tuyến đầu của nỗ lực này. Cô dạy lớp hướng dẫn nuôi dạy con tại Đại học Bắc cực. Phong cách nuôi dạy con của cô ấy dịu dàng đến nỗi cô ấy thậm chí không tin vào việc cho con một khoảng thời gian suy nghĩ cho hành vi sai trái.
Jaw nói: “Hét lên: ‘Hãy nghĩ về những gì con đã làm. Về phòng ngay!’ Tôi không đồng ý với điều đó. Đó không phải là cách chúng tôi dạy con cái. Thay vào đó, bạn chỉ đang dạy đứa trẻ chạy trốn.”
Và bạn cũng đang dạy con nổi giận. Nhà tâm lý học lâm sàng Laura Markham cho rằng: “Khi chúng ta la mắng một đứa trẻ – hoặc thậm chí đe dọa chúng một điều gì đó như ‘Mẹ bắt đầu thấy giận rồi đấy’ – nghĩa là chúng ta đang huấn luyện đứa trẻ la hét. Chúng ta đang huấn luyện bọn trẻ la hét khi chúng buồn bực và việc la hét đó giải quyết được các vấn đề.”
Ngược lại, những bậc cha mẹ biết kiểm soát cơn nóng giận của mình là đang giúp con cái họ học cách làm tương tự. “Trẻ em học cách điều tiết cảm xúc từ chúng ta,” cô nói.
Tôi hỏi Markham có phải phương pháp dạy con không la mắng của người Inuit là bí mật đầu tiên của họ trong việc nuôi dạy những đứa trẻ điềm tĩnh. “Hoàn toàn đúng,” cô đồng ý.
Các câu chuyện kể
Hiện tại, ở một mức độ nào đó, tất cả các ông bố bà mẹ đều biết rằng họ không nên la mắng con cái. Nhưng nếu bạn không mắng hay lớn tiếng với con thì làm thế nào để dạy chúng giữ kỷ luật? Làm thế nào để bạn giữ cho đứa con 3 tuổi không chạy ra đường? Hay đấm anh lớn?
Trong hàng ngàn năm, người Inuit đã dựa vào một công cụ cổ xưa là những câu chuyện kể: “Chúng tôi sử dụng cách kể những câu chuyện để giữ trẻ kỷ luật,” Jaw nói.
Jaw không nói về những câu chuyện cổ tích, nơi một đứa trẻ khám phá những giá trị đạo đức. Đây là những câu chuyện được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác của người Inuit, được tạo ra để nắn chỉnh hành vi của trẻ em tại thời điểm kể, thậm chí đôi khi còn cứu mạng chúng.
Chẳng hạn, làm thế nào để bạn dạy con tránh xa đại dương, nơi chúng có thể dễ dàng bị chết đuối? Thay vì hét lên: “Đừng đến gần nước!”, cha mẹ Inuit thực hiện một bước tiếp cận trước là kể cho trẻ một câu chuyện đặc biệt về những gì ở dưới nước. Đó là quái vật biển với một cái túi khổng lồ trên lưng để bắt trẻ nhỏ.
“Nếu con đi quá gần mặt nước, con quái vật sẽ nhét con vào cái túi trên lưng và kéo con xuống đại dương cho một gia đình khác nuôi con,”
“Sau đó thì chúng tôi không cần phải hét lên với con nữa bởi vì nó đã nhận được thông điệp rồi.” Jaw nói.
Cha mẹ Inuit cũng có một loạt các câu chuyện để giúp trẻ học cách tôn trọng. Ví dụ, để khiến trẻ nghe lời cha mẹ, có một câu chuyện về ráy tai, nhà sản xuất phim Myna Ishulutak kể: “Cha mẹ tôi sẽ kiểm tra bên trong tai của chúng tôi và nếu có quá nhiều ráy tai trong đó thì có nghĩa là chúng tôi không lắng nghe.”
Hay câu chuyện về những ngón tay dài để dạy trẻ xin phép trước khi ăn, cha mẹ sẽ bảo với đứa trẻ rằng: “Nếu con không xin phép trước khi lấy thức ăn, những ngón tay dài có thể vươn ra và tóm lấy con.”
Tiếp theo là câu chuyện về ánh sáng phương bắc giúp trẻ em học cách tự nguyện đội mũ trong mùa đông.
Ishulutak kể: “Cha mẹ đã dặn chúng tôi rằng nếu chúng tôi ra ngoài mà không có mũ thì ánh sáng phương bắc sẽ lấy đầu của chúng tôi và sử dụng nó như một quả bóng đá.” “Chúng tôi đã từng rất sợ hãi!” Cô phá lên cười.
Lúc đầu tôi thấy những câu chuyện này có vẻ hơi đáng sợ đối với trẻ con và phản ứng ban đầu của tôi là không đồng tình. Nhưng quan điểm của tôi đã đảo ngược 180 độ sau khi tôi chứng kiến phản ứng của con gái mình với những câu chuyện tương tự và sau khi tôi biết thêm về mối quan hệ phức tạp của loài người với cách kể chuyện.
Kể chuyện bằng miệng được biết đến như một giá trị phổ quát của loài người. Trong hàng chục ngàn năm, đó là một phương pháp quan trọng để cha mẹ dạy con cái về các giá trị sống và cách cư xử.
Một nghiên cứu gần đây, sau khi phân tích 89 câu chuyện từ chín bộ lạc khác nhau ở Đông Nam Á và Châu Phi, đã phát hiện rằng những bộ tộc săn bắn hái lượm thời nay vẫn đang sử dụng những câu chuyện để dạy trẻ em biết chia sẻ, tôn trọng giới tính và tránh xung đột. Ví dụ, với bộ tộc Agta, một bộ tộc săn bắn hái lượm ở Philippines, kỹ năng kể chuyện tốt được đánh giá cao hơn kỹ năng săn bắn hoặc kiến thức y học.
Ngày nay, nhiều phụ huynh Mỹ thuê người kể chuyện bằng miệng qua màn hình. Và khi làm như vậy, tôi tự hỏi liệu chúng ta có đang bỏ lỡ một cách dễ dàng – và hiệu quả – để kỷ luật và thay đổi hành vi của con trẻ hay không? Trẻ nhỏ làm thế nào để học từ những câu chuyện qua mạng như vậy?
“Tôi muốn nói rằng những đứa trẻ học tốt hơn thông qua các chuyện kể và diễn giải”, nhà tâm lý học Deena Weisberg tại Đại học Villanova, người nghiên cứu về cách trẻ nhỏ diễn giải chuyện hư cấu. “Chúng ta học nhanh nhất từ những điều làm chúng ta thấy thú vị. Và những câu chuyện, về bản chất, có thể chứa trong đó rất nhiều điều thú vị mà các bài phát biểu trần trụi không có .”
Những câu chuyện với một chút nguy hiểm luôn cuốn hút những đứa trẻ như nam châm, và chúng biến một hoạt động căng thẳng như kỷ luật thành một tương tác thú vị.
“Đừng đánh giá thấp sự hài hước trong cách kể chuyện. Với những câu chuyện, trẻ em sẽ thấy rằng những gì được kể không thực sự xảy ra trong cuộc sống thực. Trẻ em nghĩ nó rất vui. Và người lớn cũng nghĩ nó vui.” Weisberg nói thêm.
“Tại sao con không đánh mẹ?”
Quay trở về Iqaluit, nơi Myna Ishulutak đang hồi tưởng về thời thơ ấu của mình trên đất liền khi cô và gia đình sống trong một bộ lạc săn bắn với khoảng 60 người khác. Gia đình cô chuyển đến thị trấn sống khi cô bước vào tuổi thiếu niên.
“Tôi nhớ cuộc sống trên đất liền rất nhiều”, cô nói khi chúng tôi đang ăn tối với món nướng theo kiểu Bắc Cực. “Chúng tôi sống trong một ngôi nhà cỏ. Và khi chúng tôi thức dậy vào buổi sáng, mọi thứ sẽ bị đóng băng cho đến khi chúng tôi thắp đèn dầu lên. “
Tôi hỏi cô ấy rằng liệu cô có biết tác phẩm của Jean Briggs không. Và câu trả lời của cô ấy khiến tôi không nói nên lời.
Ishulutak thò tay vào túi của mình và lấy ra cuốn sách thứ hai của Brigg có tiêu đề “Kịch luân lý của người Inuit –Inuit Morality Play” (thể loại kịch rất phổ biến ở thế kỷ 15 và 16, dạy cách xử thế phân định cái thiện và cái ác). Trong đó kể chi tiết về cuộc đời của một bé gái 3 tuổi được đặt tên là Chubby Maata.
“Cuốn sách này là về tôi và gia đình tôi,” Ishulutak nói. “Tôi chính là Chubby Maata.”
Trong những năm 1970, khi Ishulutak khoảng 3 tuổi, gia đình cô đồng ý cho Briggs sống cùng trong sáu tháng và cho phép bà tìm hiểu các chi tiết riêng tư trong cuộc sống hàng ngày của con cái họ.
Những gì Briggs đã ghi chép là phần trọng tâm để nuôi dạy nên những đứa trẻ điềm tĩnh.
Khi một đứa trẻ trong lều có hành động nổi nóng – đánh ai đó hoặc nổi cơn thịnh nộ – sẽ không có hình phạt nào cả. Thay vào đó, cha mẹ chờ đợi đứa trẻ bình tĩnh lại lựa thời điểm vui vẻ để diễn một vở kịch.
“Ý tưởng là cho trẻ những trải nghiệm để trẻ phát triển tư duy lý trí”, Briggs đã nói trong cuộc phỏng vấn năm 2011 với CBC.
Tóm lại, phụ huynh sẽ diễn tả điều gì xảy ra khi đứa trẻ cư xử không đúng mực, bao gồm cả hậu quả thực tế của hành vi đó.
Cha mẹ Inuit luôn có một giọng điệu hài hước, vui vẻ. Và thông thường, buổi biểu diễn bắt đầu bằng một câu hỏi dụ dỗ trẻ làm sai.
Ví dụ, nếu đứa trẻ hay đánh người khác, người mẹ có thể bắt đầu diễn kịch bằng cách hỏi: “Tại sao con không đánh mẹ?”
Sau đó, đứa trẻ phải suy nghĩ: “Mình nên làm gì nhỉ?” Nếu đứa trẻ mắc mưu và đánh mẹ, mẹ nó sẽ không quở trách hay la mắng, mà thay vào đó là diễn tả hậu quả. Người mẹ có thể kêu lên: “Au, đau quá!”.
Người mẹ tiếp tục nhấn mạnh hậu quả bằng cách đặt câu hỏi tiếp theo. Ví dụ: “Con không thích mẹ à?” hoặc “Con có phải là em bé không?” Cô ấy mang lại ý tưởng cho đứa trẻ là đánh người khác sẽ làm tổn thương cảm xúc của họ, và “những cô gái lớn” sẽ không đánh ai. Nhưng, tôi nhắc lại một lần nữa, tất cả các câu hỏi đều được hỏi theo cách vui vẻ.
Cha mẹ sẽ diễn đi diễn lại vở kịch cho đến khi đứa trẻ ngừng đánh mẹ và chấm dứt hành vi sai trái.
Ishulutak nói rằng những vở kịch này dạy trẻ em không dễ dàng bị khiêu khích. “Họ dạy bạn phải mạnh mẽ về mặt cảm xúc, không quá coi trọng mọi thứ hoặc sợ bị trêu chọc”.
Nhà tâm lý học Peggy Miller, tại trường Đại học Illinois, đồng ý: “Khi bạn còn nhỏ, bạn biết rằng mọi người sẽ khiêu khích bạn, và những vở kịch này dạy bạn suy nghĩ và duy trì trạng thái cân bằng.”
Nói cách khác, các vở kịch này mang đến cho trẻ em cơ hội thực hành kiểm soát cơn giận của mình cho đến khi không thực sự tức giận nữa.
Sự thực hành này là điều then chốt để trẻ em học cách kiểm soát cơn giận của chúng. Bởi vì một khi ai đó đã tức giận thì không dễ để người đó chấm dứt cảm xúc đó ngay – kể cả đối với người lớn.
Khi bạn cố gắng kiểm soát hoặc thay đổi cảm xúc của mình trong một chốc lát, đó là một điều thực sự khó khăn.
Nhưng nếu bạn thực hành để có một phản ứng khác hoặc một cảm xúc khác vào những lúc bạn không tức giận, bạn sẽ có cơ hội tốt hơn để kiểm soát cơn giận của mình khi chúng đến.
Sự thực hành đó về cơ bản là giúp điều chỉnh lại bộ não của bạn để có thể dễ dàng tạo ra một cảm xúc khác [bên cạnh sự tức giận].
Nhà tâm lý học Markham cho biết, sự thực hành cảm xúc này có thể còn quan trọng hơn đối với trẻ em, bởi vì bộ não của trẻ em vẫn đang phát triển các mạch cần thiết để tự kiểm soát.
“Trẻ em có tất cả các loại cảm xúc mạnh mẽ vì chúng chưa có nhiều vỏ não trước trán. Vì vậy, những gì chúng ta làm để đáp lại cảm xúc của chúng sẽ hình thành nên hoạt động não bộ của chúng.”
Markham đề xuất một cách tiếp cận gần giống với phương pháp được sử dụng bởi cha mẹ Inuit. Khi đứa trẻ cư xử không đúng mực, hãy đợi cho đến khi mọi người bình tĩnh. Khi mọi việc lắng xuống, bạn có thể chỉ cần kể cho con nghe câu chuyện về những gì đã xảy ra hoặc sử dụng hai con thú nhồi bông để diễn xuất.
Chỉ cần chắc chắn rằng bạn sẽ làm hai điều sau khi bạn diễn lại hành vi sai trái. Đầu tiên, thu hút con tham gia bằng cách đặt nhiều câu hỏi. Ví dụ, nếu đứa trẻ hay đánh người khác, bạn có thể dừng giữa chừng trong khi đang diễn kịch với hai con thú bông và hỏi, “Bobby muốn đánh bạn ngay bây giờ. Có nên không?”
Thứ hai, hãy làm cho vở kịch thật vui vẻ. Nhiều phụ huynh không coi diễn kịch như một công cụ để kỷ luật. Nhưng một vở kịch tưởng tượng lại cung cấp vô số cơ hội để dạy trẻ hành vi đúng đắn.
Và công cụ nuôi dạy con cái mạnh mẽ này chính là thứ mà người Inuit đã biết từ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm trước.
Theo Tri Thuc Tre