CÀY CỦA QUÝ VỊ ĐÂU?

Một lần đang đi khất thực ngang qua cánh đồng ở làng Ekanala, Phật và các vị khất sĩ bị một nông dân chặn đường. Nông dân này tên là Bharadvaja. Ông là một điền chủ. Ông có hàng ngàn mẫu ruộng. Đây là mùa cày ruộng, ông đang đốc thúc dân cày đi cày. Có hàng trăm người đang cày ruộng cho ông trong ngày hôm đó. Chặn đường Phật và các vị khất sĩ, ông nói: 

– Chúng tôi là nông dân, chúng tôi phải cày sâu cuốc bẫm, gieo trồng, bỏ phân, chăm bón và gặt hái mới có được gạo ăn. Còn các vị không làm gì cả, không sản xuất gì hết mà các vị cũng ăn. Các vị không có lợi ích gì cho đời cả. Các vị không cày, không cuốc, không gieo trồng, không bỏ phân, không chăm bón, không gặt hái…

Phật bảo Bharadvaja: 

– Có chứ, chúng tôi cũng có cày, cuốc, gieo trồng, bỏ phân, chăm bón và gặt hái. 

– Bharadvaja lớn tiếng: Cày của quý vị đâu, cuốc của quý vị đâu, bò của các vị đâu, hạt giống của các vị đâu? Các vị chăm bón cái gì, săn sóc cái gì, gặt hái cái gì? 

Phật nói: 

– Hạt giống chúng tôi là niềm tin. Đất của chúng tôi là chân tâm. Cày của chúng tôi là chánh niệm. Bò của chúng tôi là sự tinh tiến. Mùa màng của chúng tôi là sự hiểu biết và thương yêu. Điền chủ! Nếu không có niềm tin, sự hiểu biết và lòng thương yêu thì cuộc đời sẽ khô cằn và đau khổ lắm. Chúng tôi cũng gieo trồng và cũng gặt hái trên cánh đồng của mình như điền chủ.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *