YỂM – P2

PHẦN 2 – SẾP TÚ

Vừa phóng xe đến viện, tôi vừa suy nghĩ về những bước ngoặt của cuộc đời. Những bước ngoặt không thể ngờ đã khiến tôi trở thành một tay thợ viết nghiệp dư cho một tờ báo lá cải không tên không tuổi, ngồi mài đít ở văn phòng 8 9 tiếng một ngày chỉ để đăng lên những bài viết mà chính bản thân tôi cũng muốn quên ngay sau khi ấn phím Enter.

Tôi là sinh viên của một trường kĩ thuật, chuyên ngành cơ khí động lực vốn dĩ chỉ liên quan đến các loại thiết bị, động cơ, ô tô, máy kéo. Sau bảy năm vật vã lăn lộn, xin hết thầy giáo nọ đến giảng viên kia, người ta mới bất đắc dĩ phải kí giấy để tôi tốt nghiệp. Tôi vẫn còn nhớ như in khuôn mặt bất lực và ánh mắt toát ra vẻ ân hận đầy cay đắng của thầy trưởng khoa, khi đặt bút kí cho tôi hoàn thành đồ án tốt nghiệp. Thầy làm việc đó nặng nề như vừa kí một án tử hình cho những thế hệ máy móc tương lai, nếu chúng nhỡ chẳng may rơi vào tay tôi và để tôi sử dụng.

Có lẽ người ta nói đúng, nghề chọn mình chứ tôi mà được chọn, tôi đã chọn ở nhà ăn bám ông bà già đến lúc tôi đầu bạc răng long, mãn kiếp làm một cây tầm gửi sống bám cho đỡ nhọc nhằn. Nhưng cuộc đời chẳng bao giờ chịu để cho ai được toàn tâm toàn ý làm trọn vẹn những mong muốn của mình, nên sau khi tôi vừa tốt nghiệp, anh chị bạn bè họ hàng gần xa, thân bằng cố hữu đã xúm vào khuyên bố mẹ tôi, để khiến ông bà phải chấm dứt ngay cái ý định ủng hộ việc ăn nhờ ở đậu mà tôi đang âm thầm lên kế hoạch.

Người ta đá tôi đi du học! Tôi vốn có chút năng khiếu tiếng anh, nên sau khi ôn tập theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa ở một lò luyện IELTS có tiếng trong thành phố, tôi cũng lấy được chứng chỉ 6.5, đủ để bất kì các trường ít danh tiếng nào ở Canada chấp nhận cho tôi vào học. Thế nhưng, cuộc đời nào chẳng có những thăng trầm, dự định cho tôi đi du học của ông bà già chấm dứt vào phút thứ 92 sau 5 phút bù giờ đầy giằng co mệt mỏi. Gia đình tôi phá sản! Số tiền vay mượn cho tôi chứng minh tài chính và nộp học phí buộc phải lấy về. Tôi mất thêm hai tháng chật vật gửi thư xin xỏ sang trường Algonquin ở Ottawa, với đủ thứ lí do như bản thân bị bệnh hiểm nghèo, tâm thần bất ổn không muốn xa nhà để người ta hoàn trả số tiền khá lớn ấy.

Đường cua tay áo ngặt nghèo ấy khiến tôi chết dẫm ở đây, cuối cùng chẳng biết đi đâu với tấm bằng đại học hạng bét của mình, tôi đành nhắm mắt đưa chân, đi làm một thằng bồi bút.

Follow mình để không phải đợi và đọc các mẩu dị chuyện khác nha!

Chiếc xe dừng lại ngay trước cổng bệnh viện đa khoa. Không gian tăm tối vắng lặng không một bóng người, chỉ có tiếng gió thu hiu hắt thi thoảng nỉ non rít lên qua tấm kính của cái mũ bảo hiểm rẻ tiền. Ông bảo vệ già ngồi trong ca bin ngước lên nhìn tôi rất nhanh rồi lại chán nản chúi đầu vào tờ báo nhàu nát chẳng biết mua từ hôm nào. Ngó vào trong sân bệnh viện, chỉ thấy hai chiếc xe cứu thương tắt đèn trắng toát, nằm im lặng như những cái quan tài lạnh lẽo, phụ họa cho cái giá buốt của một đêm thu. Sếp tôi chẳng hề có mặt ở đây như lời gã nói. Thoáng trong óc tôi một tia chán nản vừa bùng lên xen lẫn với đôi ba phần khó chịu vì nghĩ mình vừa bị lão già này chơi một vố. Tôi thò tay mở khóa xe, ấn nút đề toan phóng về quán hát. Nhưng bất chợt từ một góc đường xa xa, có tiếng người gọi với theo:

– Ê! Ở đây cơ mà!

Tôi nhướng cổ nhìn lên, đằng sau một gốc cây xác xơ trụi lá, cái dáng dong dỏng cao của lão sếp tôi hiện ra, lão rất gầy, cả người tong teo như que củi, suốt ngày xụt xịt xổ mũi hắt hơi, làm tôi có cảm tưởng chắc chỉ đi làm thêm mấy ngày nữa thôi là được ăn cỗ đưa ma cho lão. Lão tên là Tú, một cái tên trái ngược hoàn toàn với khuôn mặt như một sự tương phản đầy cay đắng mà trời xanh tàn nhẫn muốn trêu ngươi. Hắn xấu đau xấu đớn, người gầy, mặt quắt, tai dơi, hai mắt cận thị trố lồi sau cặp đít chai to bản, khiến bất kì ai lần đầu gặp lão đều có cảm tưởng như lão là một con chuồn chuồn cụt cánh đội lốt người. Đã thế, lão lại hơi gù, thành ra cái chiều cao một mét tám của lão thu gọn lại chỉ nhỉnh hơn mét bẩy mươi và cái dáng khòng khòng ấy khiến tôi liên tưởng đến dáng vẻ của lão Hạc trong truyện ngắn của Nam Cao, hoặc bất kì nhân vật nào trong các tác phẩm hiện thực phê phán thời tiền chiến.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *