Triều đình phong kiến quân chủ trong lịch sử Việt Nam với rường cột là hệ tư tưởng Nho giáo quan niệm rằng vua là Thiên tử, quyền lực của nhà vua là tối thượng, pháp luật nhà vua đặt ra không ai được phép chống lại. Kinh Thi nói:
“Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ
Suất thổ chi tân, mạc phi vương thần”
(Khắp gầm trời này, không đâu không là đất của nhà vua
Người trên khắp đất này, không ai không là thần dân của vua)
Thế nhưng từ trước đến nay, chúng ta vẫn hay bắt gặp một câu nói: “Phép vua thua lệ làng”. Thế nghĩa là thế nào? Hình pháp, luật lệ của nhà vua đặt ra cho cả quốc gia lại có thể “thua” luật tục của những làng xã nhỏ bé hay sao? Các làng xã lại có thể tự đặt ra luật lệ của riêng mình mà không cần tuân theo phép nước hay sao? Câu trả lời là không. Chúng tôi cho rằng, “lệ làng” ở nước ta trong tiến trình hình thành và phát triển của nó, chưa bao giờ vượt khỏi, đối lập, hay mâu thuẫn với “phép vua”. Nói cách khác, theo ý hiểu đó, phép vua chưa bao giờ thua lệ làng.
Trước hết, lệ làng là gì? Trên thực tế, “lệ làng” là cách gọi nôm na, chung chung (khẩu ngữ) những quy định, điều lệ trong một loại văn bản do các làng xã lập ra có tên là “hương ước”. Hương ước nói một cách khái quát, là tập hợp tất cả những tục lệ liên quan đến một cộng đồng ở đơn vị cơ sở là làng xã, đã được văn bản hóa, có thể gọi là một kiểu tập quán pháp, dùng để điều chỉnh hành vi của những người dân trong làng xã ấy. Theo các nhà nghiên cứu, thuật ngữ hương ước ở Việt Nam mới chỉ xuất hiện từ nửa cuối thế kỷ thứ XVII, và đến thế kỷ XIX trở đi mới thực sự phổ biến. Còn trước đó cuối thời Trần và đầu thời Lê Sơ thì chỉ ghi nhận sự xuất hiện của những “khoán ước” (một phần của hương ước), những ghi chép đầu tiên về khoán ước ở Việt Nam là vào cuối thời Trần (năm 1370). Từ đầu thế kỷ XX, nhất là từ năm 1921 – 1945, hương ước ở các làng xã Việt Nam với sự can thiệp của chính quyền bảo hộ Pháp đã có những điều chỉnh và biến đổi mà tên thường gọi là “hương ước cải lương”, nhằm phục vụ mục tiêu cai trị, bóc lột của cải của bọn thực dân đối với nhân dân ta.
Chúng ta biết rằng, làng xã ở Việt Nam thời trước là một kết cấu xã hội bền chặt, có tính chất độc lập, tự quản, tự trị tương đối. Mỗi làng xã được ví như 1 tiểu quốc gia, có những quy định, tục lệ khác nhau. Vậy khoán ước, hương ước hay “lệ làng thành văn” của các làng xã trong quá trình hình thành và phát triển của nó, có mối quan hệ như thế nào với pháp luật của triều đình phong kiến? Các điều khoản, luật tục quy định trong hương ước có thể mâu thuẫn, đối lập hay bác bỏ những quy định của pháp luật quốc gia hay không? Chúng ta sẽ cùng xem xét những yếu tố sau đây:
???̛́ ???̂́?, về cách thức xây dựng khoán ước, hương ước: khi nghiên cứu về vấn đề này, nhà nghiên cứu Từ Chi dẫn đạo dụ của vua Lê Thánh Tông trong Hồng Đức thiện chính thư về việc lập khoán ước gồm có các điều sau:
– Các làng xã không nên lập khoán ước riêng vì đã có pháp luật chung của nhà nước
– Làng nào có những tục khác lạ thì có thể cho phép lập khoán ước và cấm lệ
– Trong trường hợp đó, người đứng ra thảo khoán ước cho làng xã phải là người có chức phận chính thức, có Nho học, tuổi tác và đức hạnh
– Khoán ước khi thảo xong phải được quan trên xem xét và duyệt, nếu cần có thể bác bỏ
– Khi đã có khoán ước rồi mà vẫn có những kẻ không chịu nghe theo, cứ nhóm họp riêng, thì sẽ bị quan trên trị tội.
Cách thức và trình tự xây dựng khoán ước này vẫn được duy trì và tuân thủ trong suốt những thế kỷ sau, cho cả tới khi chính quyền bảo hộ Pháp can dự vào việc xây dựng và điều chỉnh hương ước các làng xã, thì về hình thức, quy trình đó vẫn không có gì thay đổi.
Như vậy, từ thời Lê việc lập khoán ước đã được triều đình phong kiến quy định rõ ràng. Không phải làng nào cũng được phép lập khoán ước. Và những người thảo ra khoán ước cho làng xã phải là những người có chức phận, là những Nho sĩ hay quan chức triều đình về hưu. Có nghĩa là nội dung tư tưởng của khoán ước, hương ước phần lớn đều bị ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng Nho giáo – cũng là hệ tư tưởng chính hình thành nên luật pháp của nhà nước phong kiến thời đó. Vì vậy thật khó để nói rằng tư tưởng của luật lục, tục lệ quy định trong hương ước của các làng lại có thể trái ngược hay mâu thuẫn với tư tưởng Nho giáo của phép nước. Quan trọng nhất là, khoán ước, hương ước ấy sau khi được soạn thảo, sẽ phải được sự xét duyệt của quan cấp trên (quan huyện, quan phủ) thì mới có thể được chấp nhận và có hiệu lực. Vậy có lý nào mà những vị quan triều đình lại cho phép khoán ước, hương ước có những điều khoản trái với luật pháp quốc gia không?
???̛́ ???, về nội dung của các bản khoán ước, hương ước. Qua khảo cứu, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khoán ước về sau này chính là một bộ phận của hương ước, và nội dung của hương ước có thể quy vào ? ??̂́? đ?̂̀ ???́??: đời sống chính trị; hoạt động sản xuất; đời sống xã hội; vấn đề an ninh trật tự và đời sống văn hóa tín ngưỡng. Tuy vậy, không phải tất cả các bản hương ước đều quy định đầy đủ những vấn đề trên và có sự khác biệt rất rõ ràng trong phân bố số lượng các điều khoản ở mỗi vấn đề ấy. Theo đó, hầu hết các điều khoản trong hương ước quy định chủ yếu ở 2 nội dung chính, là đ?̛̀? ??̂́?? ??̃ ??̣̂? và đ?̛̀? ??̂́?? ??̆? ??́? ??́? ???̛?̛̃?? của cộng đồng làng (chiếm tới hơn 90% nội dung). Có thể thấy, 2 vấn đề này phụ thuộc vào những nét văn hóa, xã hội và tín ngưỡng rất riêng của từng làng xã mà có thể pháp luật của nhà nước không đề cập đến hoặc chưa quy định cụ thể. Ngoài hình luật mà nhà nước áp chế lên toàn dân, thì ba điều mà nhà nước phong kiến quan tâm và muốn quản lý nghiêm ngặt nhất đối với các làng xã chính là việc cung cấp: ????̂́ ??́, ??̂? ??? và ???? ??́??. Hàng năm, các làng chỉ cần hoàn thành đủ những mục đó theo đúng luật định, còn ngoài ra, đời sống xã hội hay văn hóa tín ngưỡng, lễ nghi thờ cúng của các làng xã thì nhà nước phong kiến không đặt trọng tâm quản lý. Hơn nữa, mặc dù có những nét riêng trong văn hóa, tục lệ của mỗi làng, nhưng như trên đã nói, nội dung tư tưởng của hương ước thấm đẫm tinh thần Nho giáo khiến cho nó không hề xa rời tư tưởng của luật pháp quốc gia, mà trái lại, chính là một sự bổ sung, hoàn thiện những khía cạnh mà luật pháp chưa đề cập đến, hay cụ thể hóa những vấn đề mà luật pháp mới chỉ nêu chung chung.
Một điểm nữa trong nội dung của hương ước, đó là các điều khoản quy định thưởng đối với các cá nhân chấp hành tốt hay phạt đối với cá nhân vi phạm điều lệ của hương ước. Thưởng có thể là thưởng tiền hoặc được thăng thứ bậc, thứ vị trong làng, còn phạt thì có nhiều hình thức nặng nhẹ khác nhau, nhẹ có thể là phạt tiền, hạ thứ bậc, nặng thì đánh roi, tịch thu tài sản, nặng nhất có thể là giải lên quan trên hay đuổi khỏi làng. Như vậy, qua những hình phạt cũng có thể thấy phần lớn những quy định, luật lệ trong hương ước thuộc về những vấn đề về tôn ti trật tự, đạo đức xã hội, những tục lệ văn hóa tín ngưỡng, chứ rất ít đề cập hay động chạm đến những vấn đề lớn được quy định trong luật pháp. Đồng thời, tính pháp chế trong các hình phạt của hương ước cũng rõ ràng không được chặt chẽ và tính răn đe cũng không được cao bằng các hình phạt của pháp luật. Còn trường hợp nếu chức dịch (Lý trưởng, xã trưởng) và xã dân vi phạm luật pháp nhà nước, vượt ra ngoài quyền hạn của xã ghi trong hương ước thì đệ chuyển chính quyền cấp trên giải quyết theo luật pháp hiện hành.
Như vậy càng thấy được một điều là, nội dung của hương ước, hay lệ làng, luôn được kiểm soát bởi chính quyền phong kiến, nó không hề đối lập, mâu thuẫn hay vượt ra khỏi sự quy định của pháp luật. Trái lại, nó còn là một sự bổ sung, hoàn thiện hóa, cụ thể hóa những quy định của pháp luật nhà nước. Xét khía cạnh đó, mối quan hệ giữa hương ước và pháp luật thời phong kiến cũng tương tự như mối quan hệ giữa luật và các văn bản dưới luật trong hệ thống pháp luật ngày nay.
Tóm lại, có thể thấy được câu nói “Phép vua thua lệ làng” theo cách hiểu là có những tục lệ riêng có của các làng xã có thể vượt ra khỏi quy định của luật nước, khác biệt, mâu thuẫn, đối lập với luật nước và không cần tuân thủ theo luật nước, là không chính xác. Qua khảo cứu khoa học về nguồn gốc lịch sử, hình thức, quy trình và nội dung của các bản khoán ước, hương ước cụ thể của các làng xã, các nhà nghiên cứu cũng đã khẳng định điều đó. Có khả năng rằng, câu nói trên xuất hiện ở thời kỳ mà nhà nước phong kiến đã mất đi quyền lực vào tay chính quyền thực dân Pháp, khi mà xã hội đã thối nát, tầng lớp địa chủ, cường hào, làm tay sai và được sự chống lưng của bọn thực dân, nổi lên thẳng tay lợi dụng hương ước, lợi dụng chức quyền, vượt qua giới hạn của hương ước truyền thống nhằm vơ vét, bóc lột của cải vật chất và sức lao động của nhân dân mà thôi.
Nguồn: sưu tầm
??̣? ???̀?? ??̛? ???̉?
Tài liệu tham khảo:
– Đinh Thị Thùy Hiên, Hương ước Thăng Long – Hà Nội trước năm 1945, Nxb Đại học QGHN, 2017
– Vũ Duy Mền, Hương ước cổ làng xã đồng bằng Bắc bộ, Nxb Chính trị quốc gia, 2010
– Vũ Duy Mền, Bùi Xuân Đính, Hương Ước – Khoán ước trong làng xã. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 205 (Tháng 4/1982), 43-49.
– Vũ Duy Mền, Góp phần xác định thuật ngữ “khoán ước”, “hương ước”. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 246+247(Tháng 3+4/1989), 77-83
– Vũ Duy Mền, Vài nét về quá trình điều chỉnh và bổ sung hương ước Quỳnh Đôi. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Số 225 (Tháng 6/1985), 45-56.
– Nguyễn Thị Bắc, Mối quan hệ giữa pháp luật và hương ước trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay – Luận văn Thạc sĩ, khoa Luật, ĐHQGHN, 2009.
– Trần Hồng Nhung, Thiết chế tổ chức, quản lý ở làng, xã đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ XIX và những bài học kinh nghiệm, Tạp chí Tổ chức nhà nước, 07/2017.
Tào lao bí đao, đa số lệ làng ko viết thành văn bản thì lấy cái gì mà bắt bẻ. Làm như lúc nào cũng viết hương ước.