Khi nghĩ về bản thân, chúng ta thường tự nhận mình là một người có ý thức và đức tin, luôn suy nghĩ khi phải đưa ra những quyết định và lựa chọn. Sự thật đúng là chúng ta có món bảo bối vô giá đó mà không loài động vật nào có được, nhưng sự thật ngạc nhiên hơn là chúng ta hiếm khi dùng nó.
Nếu bạn đã từng đọc cuốn sách Tư duy nhanh và chậm (và tôi khuyên bạn nên đọc nó) thì bạn biết rằng có 2 mẫu hình tư duy: Hệ thống 1, rất nhanh, bản năng, cảm xúc, vô thức, tự động, và hệ thống 2, rất chậm, lý trí, logic, có ý thức. Bạn sử dụng hệ thống 1 kih đcọ nhữgn cữh cố tình đánh lỗi hay chỉ mất tích tắc để trả lời 2+2=. Bạn sử dụng hệ thống 2 trong khi 212+1156= , khi viết luận, khi đi thi, khi đọc báo trên Kênh 14…tất cả những công việc đòi hỏi đến lý trí.
Hệ thống 1 hoạt động nhanh và đòi hỏi ít năng lượng hơn rất nhiều hệ thống 2, vô cùng tốn tài nguyên (bạn đã tính ra kết quả của 212+1156= chưa?). Đó là lý do tại sao bạn không nên gặp người yêu lúc vừa đi làm về khi cả hai đều đã kiệt sức trên công ty, không còn đủ năng lượng cho hệ thống 2 để đưa ra các quyết định lý trí, vì vậy rất dễ để hệ thống 1, đầy cảm xúc lên ngôi, dễ gây đến cãi nhau. Nó cũng giải thích cho những cuộc họp 4h chiều chán đến phát điên phát rồ, thời điểm tồi tệ nhất cho các giải pháp năng suất, vì không ai còn đủ nhiên liệu để tiếp sức cho hệ thống 2 (bữa trưa đã tiêu hóa hết từ lâu).
Cơ chế tự động của Hệ thống 1 hình thành lên những ý tưởng phức tạp nhưng Hệ thống 2 mới có khả năng cấu trúc lại những suy nghĩ đó tuần tự theo từng bước. Chính bởi sự phức tạp đó, xin giới thiệu một số ví dụ về những hoạt động tự động làm nên hệ thống 1:
HỆ THỐNG 1
• Phát hiện ra một đồ vật nằm xa hơn so với các đồ vật khác.
• Định hướng nơi phát ra một âm thanh lạ.
• Hoàn thành câu “đkm” nghĩa là…
• Nhăn mặt khi xem một bức ảnh gớm ghiếc.
• Nhận ra sự thù nghịch trong một giọng nói.
• Trả lời câu hỏi 2 + 2 = ?
• Đọc chữ trên những tấm biển hiệu lớn.
• Lái xe trên một con đường vắng.
• Đi một nước cờ đỉnh cao (nếu bạn là một kỳ thủ lão luyện).
• Hiểu nghĩa những câu đơn giản.
• Nhận ra cụm từ “một người hiền lành và gọn gàng,” ám chỉ người thuộc loại nghề nghiệp nào.
Tất cả những hiện tượng trí não này đều diễn ra một cách tự động và không đòi hỏi phải nỗ lực. Hệ thống 1 được hoạt động mọi lúc mọi nơi và là thứ cần thiết hơn cả. Chúng ta sinh ra đều được chuẩn bị để nhận thức về thế giới xung quanh, nhận biệt các đồ vật, tránh đau đớn và khiếp sợ… Bạn không thể làm tim mình ngưng đập hay nhận ra âm thanh lạ từ phía xa.
Các hoạt động của Hệ thống 2 rất đa dạng, nhưng chúng có một điểm chung: Chúng đòi hỏi sự chú ý đặc biệt và sẽ kết thúc khi bạn không còn tập trung nữa. Đây là một số ví dụ của hệ thống 2:
• Dỏng tai lên đợi tiếng súng ra hiệu bắt đầu một cuộc đua.
• Tập trung chú ý vào những chú hề trên sân khấu xiếc. Tập trung để lắng nghe tiếng nói của một người nhất định trong một căn phòng đông đúc và ồn ào.
• Tìm kiếm một phụ nữ tóc bạc.
• Lục trong trí nhớ tên của một ca khúc được truyền tải bởi một giọng hát hay rất cuốn hút.
• Duy trì tốc độ đi bộ nhanh hơn tốc độ đi bộ bình thường của bạn.
• Điều chỉnh hành vi ứng xử sao cho phù hợp với tình huống xã hội cụ thể.
• Đếm số lần xuất hiện của chữ cái a trong một trang dày đặc chữ.
• Cho ai đó biết số điện thoại của bạn.
• Đậu xe trong một ô hẹp (dành cho hầu hết mọi người trừ nhân viên gara).
• So sánh hai chiếc máy giặt dựa trên giá trị sử dụng của chúng.
Hãy tưởng tượng hệ thống 2 như một cái máy. Nó sẽ chạy ngon ơ khi được đổ đầy xăng. Nhưng khi bạn sử dụng nó nhiều thì nó sẽ hết xăng rất nhanh và khi đó thì nó cần dùng hệ thống 1 để đưa ra quyết định. Những cách nhanh nhất để ngốn xăng là: làm toán, học triết, cãi nhau tranh luận trên Facebook, ngắm gái và ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH.
Người ta hay bị đẩy vào tình huống buộc phải đưa ra quyết định như trường hợp giả định sau:
Một đoàn tàu hỏa (hoặc tàu điện, hoặc xe đẩy) đang lao xuống đường ray. Nó đã nằm ngoài tầm kiểm soát. Phanh đã hỏng. Nhưng thảm họa đang nằm ở phía trước – 5 người bị trói vào đường ray. Nếu bạn không làm gì, họ sẽ đều phải chết. Nhưng bạn có thể chuyển hướng con tàu sang đường ray phụ – và cứu được 5 người đó. Tin buồn là trên đường ray phụ cũng có một người đàn ông, và nếu bạn chuyển hướng thì ông ấy sẽ chết. Bạn sẽ làm gì?
Nhưng giờ chúng ta hãy chọn một biến thể khác của vấn đề này. Lần này thay vì là một người đàn ông xa lạ nằm ở đường tay bên kia với 5 người kia mà đó là cha mẹ bạn thì sao? Bạn đã cảm thấy mình bị cảm xúc chi phối dễ thế nào chưa?
Câu đố này đã xuất hiện hàng thập kỷ, và chúng vẫn chia rẽ các triết gia. Những người theo chủ nghĩa vị lợi (Ultilitarian), những người tin rằng chúng ta nên tối đa hóa niềm hạnh phúc có thể mang lại, và cho rằng trực giác của chúng ta là sai lầm. Cha mẹ bạn cần hi sinh, để 5 người kia được sống.
Có lẽ phải có 90% các quyết định trong cuộc sống của chúng ta là các quyết định đạo đức. Lý trí không phải là ông chủ ra quyết định mà cảm xúc mới thật sự là người đứng sau giật dây. Chính sự thiếu sót về chức năng cảm xúc mới gây nên những tai họa đạo đức ở những kẻ biến thái tâm lý, mặc dù có khả năng logic, lập luận và IQ thậm chí còn cao hơn người bình thường, thì chúng hoàn toàn bị trơ về mặt cảm xúc.
Tên hề sát nhân “John Wayne Gacy” của nước Mỹ, giết chết đến 32 thiếu niên từ năm 1972 đến năm 1978 – 26 người bị vứt xác dưới sàn nhà của mình, 3 được chôn quanh nhà, và 4 được vứt xuống sông – mà vẫn không hề cảm thấy tội lỗi, cắn rứt lương tâm, và vẫn có thể ngủ ngon như một đứa trẻ.
Nếu nhìn các phán xét đạo đức theo mô hình này thì đâu sẽ là các biện pháp can thiệp đúng đắn để thay đổi định kiến của mọi người. Nếu bạn muốn một ai đó ngừng kì thị người da đen, người nhập cư, LGBT, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… thì bạn nên tiếp cận lên cảm xúc hay ý chí của họ. Mở một lớp về quyền con người, tập trung vào ý tưởng trừu tượng về quyền bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc cho các học viên.