Có một số chuyện, người khác làm được chưa chắc bạn sẽ làm được. Vấn đề này rất khó hiểu sao? Nếu tỉnh táo một chút, bạn sẽ thấy nó chẳng khó chấp nhận chút nào. Nhưng trong thực tế, con người lại có sức đề kháng rất thấp trước những lời thuyết phục tương tự như vậy.
Khi nghe người khác gợi ý, ta thường không phân tích kĩ càng, không kết hợp với tình hình của bản thân, đã làm theo họ, kết quả đương nhiên không được lý tưởng. Ví dụ, có chuyên gia từng viết một bài “9 phương pháp quản lý tài chính giúp bạn mua được một căn nhà ở độ tuổi ngoài hai mươi”, khuyến khích giới trẻ làm theo cách anh ta giới thiệu.
Chủ đề này rất hấp dẫn, chắc trên trang cá nhân của bạn bè bạn cũng có rất nhiều bài viết tương tự. Nếu nhắm đúng nỗi đau hoặc nhu cầu của mình, có thể bạn sẽ bấm vào xem thử, cũng có thể sẽ đọc ngấu nghiến, rồi như vừa nhặt được kho báu, lập tức làm theo.
Chuyên gia nọ đề ra 9 phương pháp quản lý tài chính và dùng trải nghiệm cá nhân để chứng minh cách làm này hiệu quả. Đây quả thực là câu chuyện truyền cảm hứng hoàn hảo. Nhưng từ góc nhìn thực tế, tôi chỉ có thể nói, dù người khác thành công, bạn có làm theo cách của họ cũng chưa chắc sẽ thành công.
Ví như một cách được nhắc đến trong bài viết: Ra nước ngoài du học, đồng thời sẵn sàng kiếm tiền tại đó. Vấn đề là đây:
– Ra nước ngoài du học cần những điều kiện nào?
– Có bao nhiêu người đáp ứng được những điều kiện này?
– Chi tiêu cơ bản khi ra nước ngoài du học từ đâu mà có?
– Muốn tìm việc làm ở đó cần những năng lực nào?
– Những công việc bán thời gian khác nhau sẽ kiếm được số tiền khác nhau, bạn muốn kiếm bao nhiêu?
– Làm sao để cân bằng giữa việc học hành và công việc làm thêm?
Xem lại toàn bộ chín phương pháp quản lý tài chính mà chuyên gia nhắc đến sẽ phát hiện những cách mà anh ta nói thật ra đều đúng, cũng có thể thực hiện được, quả thật sẽ nâng cao khả năng quản lý tài chính của bản thân, có lẽ còn làm giàu được từ đó. Nhưng vấn đề là mỗi một cách chỉ thật sự hữu dụng khi bạn thỏa mãn một số điều kiện nào đó.
Nói cách khác, bài viết tạo cho bạn cảm giác mình có thể làm được, nhưng rời khỏi môi trường do bài viết đặt ra, quay về thế giới của bạn, “điều kiện của bản thân” chưa chắc đã thích hợp.
Cho nên, quan điểm nào cũng vậy, đừng lún sâu vào kết quả và lập luận của người khác, mà phải giữ vững bản thân, phán đoán dựa theo nền tảng và điều kiện, hoàn cảnh của mình để đưa ra kết luận phù hợp với nhu cầu thực tế của bản thân.