Truyện: Sinh Nghề Tử Nghiệp – P8

CHƯƠNG 8:

Những câu nói trong lúc rối loạn của lão Tùng khiến cho mụ Tám khó hiểu, mụ chỉ đang nói chuyện cũ của con trai mình thôi, vì sao lão ấy lại xin lỗi như đã gây ra tội lỗi gì lớn vậy. Lúc này, mụ Tám cũng không kịp nghĩ nhiều, mụ ấy vội vàng đáp lại:

— Không, không! Ông Tùng là ân nhân của nhà chúng tôi, sao lại xin lỗi được chứ. Nếu như ông không phát hiện ra xác của thằng Triều thì nó bây giờ vẫn nằm dưới dòng sông lạnh lẽo thôi. Là tôi nên cảm ơn ông mới đúng…

Từng lời từng chữ của mụ Tám như đánh thẳng vào lòng dạ của lão Tùng. Lão rất muốn nói với mụ ấy rằng, chính là vì mình tham tiền mà để xác của con mụ ấy trôi trên sông nhiều ngày như vậy. Nhưng lão lại không dám, bởi vì lão sợ, sợ người khác nhìn mình bằng ánh mắt khinh thường và chỉ trỏ về những việc lão làm. Nghề vớt xác, nó là vớt nhưng thật sự chính là đợi xác đến tìm rồi mới vớt lên. Khi ấy, xác của thằng Triều đã tới thuyền của lão để được vớt đưa về nhà, ấy thế mà lão lại bỏ qua và chạy đi vớt xác ông Lý trước vì tiền.

Lão Tùng bần thần, cũng không nghe mụ Tám nói nữa. Lão ậm ừ cho qua chuyện sau đó quay về phía bàn thờ để thắp nhang cho thằng Triều. Cái quan tài lớn, được sơn màu gỗ bóng cho thấy mụ Tám đã dùng tâm thế nào, yêu thương nó thế nào. Lúc bấy giờ, thằng Lập cũng đã thắp xong, nó đến gần lão Tùng với gương mặt tái nhợt và áy náy. Lão Tùng khi này chỉ biết gật đầu với thằng Lập để trấn an nó. Làm xong, lão liền bước đến bàn thờ, cầm vài nén nhang châm lửa chuẩn bị đến vái lạy.

Nhưng cũng không biết vì sao mà khi đến gần quan tài, cả người lão Tùng ớn lạnh không thôi. Lão cảm giác như có ai đó dùng ánh mắt lạnh lẽo nhìn chằm chằm vào lưng của mình, cái ánh mắt ấy khiến cho lão run lên. Lão Tùng quay đầu lại nhìn, nhưng trong đám tang lúc này chỉ có vài ba người, mà bọn họ đều tập trung làm việc của mình. Lão Tùng cắn răng, không để ý đến cái ánh mắt đó nữa mà nhanh chân đến vái ba lạy, rồi cắm nhang vào lư, xong xuôi liền trở ra ngoài ngồi ngẩn ngơ, không nói chuyện với một người nào.

Mà ngay tại thời điểm này, bát lư hương vốn dĩ đang cháy rực lại có sáu cây nhang tắt ngụm. Mà sáu cây nhang đó chính là do lão Tùng và thằng Lập cắm vào lúc nãy. Mụ Tám là người phát hiện ra đầu tiên, mụ vội vàng nhổ sáu cây nhang ra với ý muốn thắp lại. Nhưng mà dù mụ có làm như thế nào, thì khi cắm nhang vào lư nó cũng bị tắt như thể ai đó dập mất lửa. Mụ Tám lúc này thật không biết làm ra sao, cuối cùng, mụ ấy đành bỏ cuộc mà nhổ cây nhang ra khỏi lư hương, giấu vào một góc tối không cho ai thấy. Trong lòng mụ Tám cảm thấy lạ lắm, bởi vì sao nhang của ai đến thăm cũng cháy mà hai thầy trò nhà lão Tùng lại như vậy. Sống bao nhiêu năm trên đời, làm sao mụ ấy không biết rằng đấy là do con trai của mình không muốn nhận lễ của họ chứ. Trong lòng mụ Tám cảm thấy khó hiểu, nói trắng ra là thằng Triều và lão Tùng ở chung làng nhưng rất ít khi gặp nhau. Khi thằng Triều mười tuổi liền theo ông Lý, làm sao mà quen với lão Tùng được chứ! Vậy thì sao nó lại không chịu nhận lễ của lão Tùng, lão ấy còn là ân nhân tìm ra xác của nó cơ mà. Mụ có nghe lão Trần nói, nếu như không nhờ vào lão Tùng thì bây giờ e là cái xác của thằng Triều vẫn còn nằm dưới dòng sông. Thế mà giờ nó lại như thế, mụ Tám thật chẳng biết làm ra làm sao! Bao nhiêu điều hiện lên trong đầu mụ, nhưng mụ chỉ dám giấu trong bụng mình.

Mà ở bên này, lão Tùng chỉ ngồi uống trà một lúc, sau đó cũng cùng thằng Lập bỏ về. Đoạn đường trở về nhà, cả hai im lặng một lúc lâu, không ai muốn nói gì. Cho đến khi đã đi xa khỏi nhà mụ Tám, lúc này thằng Lập mới run rẩy lên tiếng:

— Thầy ơi, lúc nãy ở nhà mụ Tám, con nhìn thấy, nhìn thấy nhang mình thắp không cháy…

Nói đoạn, nó im bặt. Dù gì thằng Lập cũng chỉ mới vào nghề, còn bao nhiêu bỡ ngỡ mà đã phải gặp tới chuyện kinh khủng này. Trong lòng nó có chút trách móc lão Tùng, nếu lúc đó lão chịu vớt xác của thằng Triều thì chuyện này đã không xảy ra.

Nhìn thấy ánh mắt oán trách của thằng Lập, lòng tự trọng của lão Tùng lại nổi lên. Lão quát mắng:

— Nó không nhận thì thôi. Đã chết rồi mà không chịu yên. Với lại, mày đang trách tao phải không? Nó nghèo thật mà, lúc đó tao nhận tiền của bà Lành rồi nên phải vớt xác ông Lý thôi. Nó có trả tiền công gì đâu mà oán với chả hận…

— Còn nữa, giờ mày trách tao cũng vô ích thôi. Giờ nó thù cả hai thì tao cũng chịu. Chỉ mong sao sau khi được chôn cất tử tế, nó sẽ không về tìm tao và mày. Phá hủy cái nghề đã làm chục năm này, nếu không…

Nói đến đây, ánh mắt lão Tùng lóe lên một tia thâm trầm, nhưng rất nhanh liền biến mất, lão ta thở dài một hơi như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Thằng Lập đứng ở bên cạnh, tất nhiên là mọi biểu cảm của lão nó đều nhìn thấy. Gương mặt của nó tái nhợt, lúc bấy giờ nó thật sự rất muốn oán trách lão Tùng vì đã khiến nó gặp nguy hiểm. Thế nhưng lão lại vào nghề lâu hơn nó, nó còn là đệ tử của lão, sau này còn phải nhờ vào lão chỉ bảo nhiều nữa. Thế nên chỉ còn cách bằng mặt không bằng lòng mà thôi. Nhưng mà, lúc nãy, cái bộ dạng của lão khi nhắc đến thằng Triều cũng khiến nó sợ hãi không thôi. Cái ánh mắt ác độc đó, như thể nếu thằng Triều làm gì hại đến lão, thì lão sẽ làm đủ mọi cách để hủy diệt nó.

Cuộc trò truyện của hai thầy trò kết thúc trong sự không vui. Sau khi tạm biệt, lão Tùng liền trở về nhà của mình. Bởi vì bây giờ là buổi trưa thế nên bà Tâm cũng ở nhà, bà ấy vừa thấy lão Tùng, thì nhanh tay lôi kéo lão ấy vào phòng. Vào đến nơi, bà Tâm nhịn không được mà hỏi:

— Chuyện của thằng Triều là sao? Tôi nghe mọi người ngoài chợ nói ầm lên cả rồi…

Bà Tâm lo lắng lắm. Mấy hôm nay buôn bán ở ngoài chợ, bà nghe mọi người truyền tai nhau về cái chuyện của nhà mụ Tám. Nào là cái xác của thằng Triều không ai vớt được, nào là mắt của nó không chịu nhắm lại, còn đồn nhau nói linh hồn thằng Triều đã chịu ẩn ức nên không muốn rời bỏ nhân gian. Bao nhiêu tin đồn làm bà Tâm hoảng hốt không thôi. Xác của thằng Triều là do chồng bà nhảy xuống sông kéo về, nếu như thật sự nó có linh vậy nhỡ liên lụy đến lão ấy thì sao?

Bị vợ hỏi như vậy, những nỗi niềm vừa mới lắng xuống của lão Tùng lại nổi lên. Lão ta trợn mắt nhìn bà Tâm, rồi gắt lên:

— Bà lo chuyện bao đồng thế làm gì? Chuyện của thằng Triều không liên quan gì đến nhà của mình cả, bà cứ làm việc như bình thường đi. Ít nghe mấy lời đồn nhảm nhí đó lại.

Tiếng nói của lão Tùng rất lớn, làm bà Tâm cũng phải giật mình. Tuy rằng đã sống với nhau mười mấy năm, cũng có nhiều lần cãi vã thế nhưng chưa bao giờ lão ấy lại mắng lớn tiếng như vậy. Thái độ nãy giờ của lão ấy giống như đang cố che giấu điều gì đó. Lão càng quát lớn, tức là trong lòng đang chột dạ và sợ hãi. Cái linh cảm mấy ngày nay vừa mới lặng xuống lại dâng lên.

Lúc này, bà Tâm lại nhíu mày. Bà nhìn thật sâu vào mắt lão Tùng, rồi nhẹ nhàng hỏi:

— Lão Tùng, tôi hỏi thật, chuyện này có liên quan gì đến ông không?

Bị bà Tâm hỏi bằng cái giọng như vậy, lão Tùng thật muốn khai ra hết tất cả mọi chuyện. Thế nhưng, lúc này lão vẫn cố chối bỏ:

— Không có. Bà bị điên à, chuyện của thằng Triều thì liên quan gì tới tôi chứ! Nếu không nhờ vào tôi, thì xác của nó giờ này đã lưu lạc ở nơi nào đấy rồi.

Lúc này, cả gian phòng bỗng ngột ngạt vô cùng, bà Tâm ngồi im bặt, bao nhiêu lời nói ra tới miệng đều bị bà nhịn lại. Bà ấy đứng dậy, không nói một lời nào bước chân ra khỏi nơi này. Lúc đã đi qua cửa phòng, bỗng nhiên bà Tâm quay đầu lại, mệt mỏi nói:

— Lão Tùng này, tôi và thằng Tí chỉ trông mong vào ông thôi. Ông đừng làm việc dại dột mà hối hận suốt cả đời nghe chưa!

Nói đoạn, bà Tâm bỏ đi.

Lão Tùng ngồi ngẩng người, những lời nói của vợ như đánh sâu vào tâm lí của lão. Lúc bấy giờ, lão thật muốn nói ra tất cả thế nhưng cũng nhịn lại. Lão cũng muốn nói đầu đuôi sự việc cho bà Tâm nghe lắm, thế nhưng nếu bà ấy mà biết hết chuyện thì e là sẽ làm ầm lên, rồi bắt lão đến xin lỗi thằng Triều và mụ Tám cho xem. Lão không muốn, cái danh tiếng cương trực của lão làm sao có thể bị hủy chỉ vì một chút lỗi lầm này được. Cho nên, lão quyết định giấu hết thảy, chờ sau khi thằng Triều yên ổn dưới đất lạnh, thì cũng không còn ai rõ chuyện này.

Sau buổi trò chuyện đó, vợ chồng lão Tùng đã không còn tâm sự với nhau như hồi xưa nữa. Có lẽ, bà Tâm cũng biết chồng của mình đang giấu bà điều gì đó. Thỉnh thoảng, bà lại ngỏ lời hỏi hang, thế nhưng lão Tùng không tránh thì cũng chỉ ậm ừ cho qua. Dần đà, bà Tâm cũng không muốn hỏi điều gì nữa. Còn về phần lão Tùng, sau khi xác chết của thằng Triều được chôn cất tử tế, thì lão lại trở về cái nghề ở trên dòng sông như thường ngày. Nếu như hồi trước, lão Tùng đều làm nghề bằng cái tâm, vậy thì hiện tại lão lại làm nghề bằng chữ tiền. Chỉ cần đòi được nhiều tiền từ người nhà của xác chết, vậy thì lão Tùng nhất định sẽ đòi cho bằng được. Có những người không đủ tiền trả, lão ấy cũng không kì kèo gì mà không cho họ nhận xác. Chẳng mấy chốc mà cả làng Bãi đã đồn ầm cả lên vì cái tính cách mưu lợi này của lão. Những lúc như vậy, lão Tùng thường chỉ nhìn họ bằng ánh mắt khinh thường và nói : “Tôi không phải là Bồ Tát, tôi không mà từ thiện. Có tiền thì thuê, không có thì cút.” Bấy giờ, rất nhiều người ở làng Bãi ghét lão ấy, thậm chí có đôi lần lão Trần còn đến tâm sự nhưng bị lão Tùng đuổi thẳng mặt không cho vào nhà.

Bà Tâm cũng biết chuyện này, bà ấy cũng muốn khuyên nhủ chồng của mình lắm, nhưng mỗi khi mở miệng lại bị chửi không thôi. Cũng không biết từ lúc nào, mà một người như lão Tùng đã trở nên cực đoan như vậy.

Ngày hôm nay, lão Tùng và thằng Lập lại như thường lệ ra sông kể từ khi sắc trời còn rất sớm. Nhưng bọn họ không đến khúc sông thường ngày, mà là đi đến hạ lưu dòng sông Hạ, nơi mà hai thầy trò từng đến để vớt xác ông Lý và thằng Triều. Bọn họ đến đây cũng là vì mấy hôm trước, lão Tùng nghe ngóng được tin tức con gái của một người nhà giàu nhảy sông tự tử, mà đến tận ba bốn ngày vẫn chưa tìm ra xác chết. Gia đình đó treo tiền thưởng rất cao, chỉ cần tìm thấy xác của con gái họ thì sẽ nhận được tiền rất bộn. Lão Tùng biết được tin này, làm sao có thể bỏ qua cho được. Mấy hôm nay hai thầy trò đi tìm gần hết cả con sông Hạ, đây là nơi cuối cùng mà lão Tùng đoán cái xác của cô gái ấy có thể trôi đến.

Sáng sớm sương lạnh, khắp nơi ở trên dòng sông đều bị một màu mờ đục bao phủ. Cảnh tượng bình yên nhưng cũng đủ khiến cho người nhìn ớn lạnh cả sống lưng. Cái nơi tưởng chừng như êm ả này lại chứa đựng hàng ngàn bí ẩn đáng sợ. Đa số những xác chết nổi ở con sông Hạ đều trôi về nơi đây. Lúc này, lão Tùng và thằng Lập đang ngồi trên thuyền hút thuốc. Khác với sự bình thản trên gương mặt lão Tùng, thằng Lập lại có bộ dạng mệt mỏi và thẩn thờ. Ánh mắt nó nhìn xa xăm về phía dòng sông, thỉnh thoảng lại cười một cái, chốc lát lại nhăn mày một cái. Lão Tùng mới đầu cũng không có chú ý đến, nhưng chỉ một lát sau lão liền phát hiện ra.

Lão Tùng cho thuyền chạy về phía trước, cặp mắt trũng sâu nhìn thằng Lập. Lão hỏi:

— Ê Lập, mày bị điên à? Nhìn cái gì mà lúc cười lúc nhăn thế?

Thằng Lập đang ngơ ngác, bị hỏi liền giật mình. Nó từ từ quay đầu lại nhìn lão Tùng, sau đó nhe răng cười, ngón tay chỉ về một hướng rồi nói:

— Thầy ơi, thầy không nhìn thấy ở đằng kia có một cái xác đang trôi hay sao?

Nói đoạn, nó lại trừng hai con mắt tỏ vẻ thích thú:

— Mà cái xác kia lạ lắm thầy ạ, nó trôi nhưng cái đầu vẫn nhìn về phía của thầy trò mình…

Thằng Lập nói đến đây liền im bặt, gương mặt bắt đầu tái nhợt một cách lạ thường. Lão Tùng cũng thấy có điều gì đó bất ổn, lão nhìn theo hướng nó chỉ. Nhưng ngoại trừ một mặt sông êm ả, lão làm gì có thấy cái xác nào, mà lão thấy thằng Lập cũng không giống như nói dối cho lắm. Lão Tùng quay phắt đầu về phía thằng Lập, lại run rẩy hỏi một câu:

— Lập, mày thấy cái gì? Mau nói rõ tao nghe xem!

Thằng Lập lúc này cười cười, nó chung thủy chỉ tay về hướng đó. Rồi tỏ vẻ vui mừng:

— Thầy ơi, là thằng Triều. Con thấy thằng Triều đang trôi ở phía dưới sông. Nó đang về trôi về phía của thầy trò mình… Haha, nó sắp đến đây rồi, mau…thầy mau lấy móc câu vớt xác của nó lên đi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *