VÌ SAO THÁNG 5/1915 NƯỚC Ý GIA NHẬP PHE ĐỒNG MINH CHỐNG LẠI LIÊN MINH ĐỨC – ÁO?

VÌ SAO THÁNG 5/1915 NƯỚC Ý GIA NHẬP PHE ĐỒNG MINH CHỐNG LẠI LIÊN MINH ĐỨC – ÁO?
Ngay từ năm 1882 nước Ý đã cùng với Đức và Áo – Hung ký hiệp ước Liên minh 3 bên. Trong khi Đức và Áo – Hung đã liên minh với nhau từ năm 1879 thì Ý tham gia liên minh này chỉ nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ chống lại Pháp. Hiệp ước quy định rằng Đức và Áo – Hung sẽ hỗ trợ Ý nếu nước này bị Pháp tấn công để đổi lại, Ý sẽ hỗ trợ Đức nếu bị Pháp đánh. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh giữa Áo – Hung và Nga, Ý cam kết sẽ giữ thái độ trung lập.
Nước Ý giống như các cường quốc châu Âu khác muốn thôn tính và thiết lập các thuộc địa ở hải ngoại. Tham vọng thuộc địa của Ý ở Bắc Phi đã nhanh chóng đưa họ vào xung đột với Pháp, nhất là khi Pháp thôn tính Tunisia năm 1881. Khi gia nhập Liên minh, Ý hy vọng sẽ được hỗ trợ trong trường hợp có sự xâm lược của nước ngoài. Đức vừa mới chiến đấu chống Pháp năm 1870 và là đồng minh tự nhiên của Ý. Tuy nhiên, dư luận Ý vẫn không ủng hộ liên minh với Áo-Hung, một kẻ thù trong quá khứ chống lại sự thống nhất nước Ý và đang chiếm đóng Trentino và Istria. Trentino ngày nay đã trở về Ý còn Istria một phần đã thuộc Ý còn một phần đang nằm trên đất Croatia láng giềng.
Việc tuân thủ hiệp ước Liên minh ba bên của Ý đã bị nghi ngờ từ lâu và năm 1903 quân đội Áo đã lên kế hoạch cho một cuộc chiến với Ý. Sau khi Ý thôn tính Libya năm 1912 từ tay quân Thổ Ottoman thì Ý đã trở thành cái gai trong mắt người Đức, những người đang hậu thuẫn cho người Thổ.
Khi Thế chiến I bắt đầu năm 1914, Thủ tướng Ý Antonio Salandra lập luận rằng vì Liên minh có bản chất phòng thủ nên khi Áo chủ động gây hấn chống lại Serbia mà không tham vấn ý kiến của Ý khiến Ý không bắt buộc phải tham chiến cùng với họ. Một điểm cần lưu ý là thời điểm đó hầu hết nguyên liệu thô của Ý đang được nhập khẩu từ Pháp và Anh hoặc đi qua lãnh thổ hai nước này khiến nền kinh tế Ý bị lệ thuộc đáng kể. Trong tình trạng bất phân thắng bại giữa hai phe đầu năm 1915, rõ ràng rằng Ý có thể đóng một vai trò quan trọng đến kết quả của cuộc xung đột và do đó chính phủ Ý đã tham gia một loạt các cuộc đàm phán với các đối tác của cả phe Đức, Áo – Hung lẫn phe Anh – Pháp – Nga để kiếm một thỏa thuận có lời nhất nếu Ý tham chiến.
Hầu hết các chính trị gia và người dân Ý phản đối chiến tranh. Dân nông thôn coi chiến tranh là một thảm họa, như hạn hán, nạn đói hoặc bệnh dịch hạch còn dân buôn bán phản đối chiến tranh vì sợ bị đánh thuế và mất thị trường nước ngoài. Tuy nhiên cuối cùng thì Ý cũng ký kết hiệp ước London (tiếng Ý gọi là Patto di Londra) ngày 26/4 năm 1915 với Anh, Pháp và Nga để đổi lại các vùng lãnh thổ mà Ý coi là thuộc về họ nhưng lại nằm dưới sự quản lý của chính quyền Áo – Hung cũng như các lãnh thổ thuộc địa ở hải ngoại. Hiệp ước này được giữ bí mật nhưng sau Cách mạng Tháng Mười ở Nga, nó đã được những người Bolshevik tung hê lên mặt báo tháng 11 năm 1917.
Sau chiến tranh, các nhà lãnh đạo Anh và Pháp đã từ chối tuân theo các quy định của hiệp ước. Những người theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa của Ý cho rằng là một sự phản bội không thể tha thứ được của cả hai đồng minh châu Âu và góp phần thúc đẩy nước Ý liên kết với kẻ thù cũ của họ là Đức trong một cuộc chiến tranh mới để phân chia lại thế giới.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *