ĐẠI VIỆT TỨ ĐẠI DANH TRÀ

Các bạn đọc truyện thường thấy nhân vật uống Bích loa xuân, Thiết quan âm… là những loại trà nằm trong thập đại danh trà của TQ. Vậy, nước ta có danh trà không? Tất nhiên là có. 

“Làm trai biết đánh tổ tôm

Uống trà Mạn hảo ngâm Nôm Thúy Kiều”

(Ca dao) 

Bàn chuyện thế sự bên ấm trà tích là thú vui tao nhã và lành mạnh của người xưa. Khi miếng trầu là đầu câu chuyện thì chén trà dư nghiền ngẫm thế thái nhân tình. Vậy cổ nhân uống trà như thế nào? 

Trước hết là nước vối: Ai từng có một bầu trời tuổi thơ trong làng Phan Thị sẽ không quên được ấm nước vối dưới gốc đa già. Đó là một loại thức uống rẻ tiền, giản tiện, không cần phải ướp như ấm trà tươi. 

Nhiều nhà trồng một vài cây vối ở bờ ao, gốc vườn và bờ bụi. Lá vối bẻ cả cành đem ngâm nước và ủ bốn năm ngày rồi phơi khô. Có thể trữ uống hàng tháng, mỗi lần uống thì lấy khoảng một nắm bỏ vào ấm đất lớn đun sôi. Nước vối uống hơi đắng và còn có dư vị ngòn ngọt. Thức uống giản dị này như dòng suối mát lành xua tan cái oi bức của ngày hè nóng bỏng ấy. 

Nếu như lá vối bình dân như thế thì nụ vối phơi khô ướp sen lại thanh quý hơn. Nụ vối chỉ ướp với hoa sen, không một loài hoa nào khác nữa cả. 

Nước vối còn có dược tính. Lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon và tiêu hóa tốt. 

Điều thú vị là dù cho mọi người có uống trà mạn, nước vối, trà sen nhưng các quán bên đường ở thế kỷ trước chỉ bán trà tươi với quà bánh, không bán thức uống nào khác. 

1. Trà Mạn hảo: 

Đây là 1 trong tứ đại danh trà: Mạn hảo, Hồng mai, Tước thiệt, Liên tử (ướp sen). 

Lá trà hái cả cuộn còn non cả búp, ủ ít ngày theo phương pháp cổ truyền rồi hong khô làm trà mạn. Tên trà mạn là do khách buôn từ Mạn hảo nước Đại Lý xưa mang vào nước ta. Rồi dần dà người Hoa và người mình biết dùng trà xứ cổng mặt trời mù sương. 

Hiển nhiên, chỉ những người ở thành thị lớn mới uống loại trà này. Vì họ buôn bán với Hoa kiều; người các tỉnh đồng bằng và thôn quê ít uống. 

Ông bà xưa thích uống trà ướp. Họ đã chọn lọc trà mạn lâu năm ướp với sen, nước pha đỏ sẫm, trông đẹp, uống có hương thơm mát rượi lại thêm vị ngọt bùi không chát. Ngày tết có ấm trà mạn sen đãi khách thì tao nhã, quý trọng biết dường nào…. 

2. Trà Hồng mai: 

“Thuyền trà cạn nước Hồng mai

Thong dong nối gót thư trai cùng về”

(Đoạn trường tân thanh – Nguyễn Du) 

Trà Hồng mai còn gọi là Lão mai, pha bằng cây mai già. Những cây mai già phải đẵn bỏ, cưa thành nhiều khúc, chẻ nhỏ, pha nước sôi như trà, sắc hồng nhạt, uống có vị thanh đạm đặc biệt. 

Ai từng một lần đến chùa Hương đều quyến luyến vị trà Hồng mai nhàn nhạt. Ức Trai tiên sinh, Thanh Hiên tiên sinh,… đều luyến nhớ danh trà thuần Việt “của nhà chùa” này. 

3. Trà Tước thiệt: 

Trà Tước thiệt – dấu ấn loại danh trà thất truyền đầu tiên phải kể đến trà “ mỏ sẻ” (trà tước thiệt). Đây là loại trà búp, sau chế biến khô quăn thanh nhỏ như lưỡi chim sẻ. Tước thiệt trà là loại danh trà xưa của đại Việt rất thơm ngon từng được ghi nhận trong Anam Vũ cống (Dư địa chí) của Nguyễn Trãi (1380-1442). 

Ông cho hậu thế biết chân Sa Bôi nổi tiếng về sản xuất loại trà “tước thiệt” (Tước thiệt trà cánh nhỏ mà cong như lưỡi con chim sẻ là một trong vài loại trà nổi danh kim cổ . Châu Sa bôi xưa gồm 6 động,15 trang, 68 sách. Sa bôi nay là vùng Cam lộ, Quảng trị song dấu tích về trà Tước thiệt không còn chút gì vương vấn nơi đây. 

Dương Văn An (1514 – 1591) lưu lại bóng dáng loại danh trà này trong tác phẩm Ô châu cận lục: “Trà ở huyện Kim trà nay là Hương trà Huế tên gọi lưỡi sẻ (tước thiệt) trồng tại những đồi núi An cựu, giải thoát, trừ phiến, chữa thuỷ đứng đầu trăm loại thảo dược, tính linh diệu..”. 

Chúng ta chưa có thêm chứng cứ về loại danh trà này song chỉ vậy cũng đủ để thấy trà tước thiệt nổi danh ít nhất suốt thế kỷ 14 đến tận thế kỷ 17. Tất nhiên không có lý do gì loại danh trà này bị thất truyền trước năm 1774 khi đại quân nhà Trịnh giải phóng Phú Xuân và sau đó vùng này trở thành chiến trường trong suốt gần 3 thập kỷ tranh hùng giữa Trịnh – Nguyễn -Tây Sơn. 

4. Trà Liên tử: 

Còn gọi là trà nụ. Trà ở thôn quê Việt Nam, trừ các vườn trà hoặc các đồn điền sản xuất lớn, thường được tư nhân trồng mỗi nhà một hai cây. Vườn rộng hơn nữa bình thường cũng chỉ độ một hai sào. Trà vườn để mọc tự nhiên, không cắt như ở các vườn trà. Nên trà sinh nụ rất nhiều. Vì vậy ta còn món trà nụ. Đây là những nụ trà phơi khô. Trà nụ quý hơn trà tươi rất nhiều, thường được các cụ cho ướp sen, nên gọi là trà nụ sen. 

Trà nụ cho nước đỏ, hương thơm nhẹ thanh thoát đăng đắng nhưng nuốt vào cổ có vị ngọt. Muốn ướp sen, các cụ cũng làm đơn giản: Cho vào bình rồi bỏ nhụy sen vào đậy lại giữ lấy hương sen. 

Nên nhớ, trà nụ khác với nụ vối hay trà nụ vối. Cây vối cũng dùng để pha nước uống nhưng khác cây trà. 

Nguồn:

– Đất lề quê thói (1968), Nhất Thanh, NXB VH, 2017

– Trà kinh, Vũ Thế Ngọc

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *