Giảm phát là tên chúng tôi gọi tỉ lệ lạm phát âm và nó tệ lắm. Bạn sẽ thắc mắc tại sao đồ rẻ đi lại có hại. Và câu hỏi này hay đấy. Có hai lý do chính.
Thứ nhất là nợ sẽ rất khó trả. Ví dụ như bạn là một người nông dân vay tiền mua hạt giống, phân bón và dụng cụ trồng trọt. Bạn dự định là số tiền bán nông sản sẽ vừa đủ để trả nợ và vừa có lãi. Nhưng trong một nền kinh tế giảm phát, đến khi bạn bán được hết thì giá cả đã giảm rồi, thế nên bạn sẽ không trả được tiền vay, huống hồ là sinh hoạt bình thường.
Lý do khác giải thích giảm phát có hại là vì nó thay đổi tư duy mua sắm. Ai cũng biết là giá cả đang giảm. Nên nếu họ chờ đủ lâu để mua đồ mình cần thì giá còn giảm nữa. Khi ai cũng làm vậy thì số hàng hóa dịch vụ được mua trên toàn nền kinh tế sẽ giảm. Điều này khiến giảm phát trở nên trầm trọng hơn và gây ra suy thoái. Thế là nhiều người sẽ mất việc và các doanh nghiệp sẽ đóng cửa. Như thế tức là các nhà tuyển dụng sẽ cắt giảm tiền lương vì có số người tìm việc đang nhiều hơn số công việc hiện có. Điều đó sẽ tiếp tục làm trầm trọng giảm phát và cứ thế.
Giảm phát khiến mọi người đặt câu hỏi về cách nền kinh tế hoạt động, và vì bạn phải thay đổi tư duy này để kết thúc giảm phát nên đảo ngược nó là việc rất khó.
>u/elreeso55 (190 points)
Lạm phát cũng có thể gây ra điều tương tự, nhưng ngược lại. Nếu ai cũng tin là sẽ có lạm phát thì cầu sẽ tăng vì ai cũng sợ là nếu không mua đồ từ giờ thì sau này nó sẽ đắt hơn. Điều này sẽ càng làm tăng cầu, từ đó lạm phát lại càng tăng, rồi sẽ càng kích thích mọi người đi mua đồ từ bây giờ. Thật điên rồ khi chính cái suy nghĩ rằng sẽ có lạm phát hay giảm phát cũng có thể khiến chúng xảy ra thật.
>>u/Mazzaroppi (114 points)
Tôi từng sống qua thời siêu lạm phát rồi, hồi đó còn bé nhưng nhớ rõ lắm.
Giá cả tăng đến mức các mặt hàng sẽ được điều chỉnh nhiều lần TRONG MỘT NGÀY. Siêu thị sẽ chật ních người vào ngày trả lương, ai tan làm cái cũng chạy thẳng ra siêu thị để mua đồ họ cần cho tháng sau luôn, người nào cũng phải đẩy hai xe đầy ắp đồ.
Hồi đấy máy quét mã vạch chưa phổ biến nên thu ngân sẽ phải tự gõ giá của từng món đồ vào máy. Hàng người đứng chờ thì dài vô kể, đi siêu thị mua đồ lúc nào cũng phải mất mấy tiếng.
>u/lotsacreamlotsasugar (165 points)
Chắc cái duy nhất tôi nhớ hồi học vi mô ở trường kinh doanh là câu nói của giáo sư – nếu các bạn nghĩ lạm phát đã tệ rồi thì hãy chờ đến khi bạn thấy giảm phát
>u/motherfacker (38 points)
Tôi không học tí kinh tế nào, nhưng nếu những gì bạn nói là đúng, thì không có cách “tốt” nào để giá cả giảm à? Hay lạm phát là một thứ luôn tồn tại mà nền kinh tế phải điều chỉnh theo, và tới một ngày một lít sữa sẽ mặc định có giá 30 đô?
Rõ ràng là tôi đang phóng đại cái ví dụ kia, nhưng ngoài những biến động nhỏ nhất, thì làm thế nào để chúng ta có thể xóa bỏ ảnh hưởng của lạm phát theo cách ít tiêu cực nhất?
>>u/PencilLeader (82 points – x1 silver)
OK cái này sẽ hơi quá tầm ELI5 nhưng nó còn phụ thuộc vào các mảng và lạm phát/giảm phát trong nền kinh tế. Giảm phát xảy ra suốt mà, chỉ là không trên quy mô toàn nền kinh tế thôi. Ta đã chứng kiến giá sữa giá xăng tăng giảm suốt rồi và giá cả đó là do vấn đề cung/cầu gây ra. Nó không hẳn là lạm phát. Nếu ngày mai lượng cầu mua sữa tăng 10% thì giá sữa sẽ tăng. Cái này không hẳn là lạm phát, chỉ là biến động trong đường cung cầu thôi. Theo thời gian khi các nhà sản xuất cho ra nhiều sữa hơn thì bạn sẽ thấy giá sữa giảm. Cái này cũng không phải là lạm phát.
Lạm phát thật phải ảnh hưởng tới cả tiền lương nữa. Chắc chắn bạn đã xem các báo cáo nói rằng mức lương của Mỹ đã đình trệ từ thập niên 1980 rồi. Cái này được xác định theo khái niệm “thật”. “Thật” ở đây có nghĩa là đã điều chỉnh theo lạm phát. Nên giá sữa, một lần cắt tóc, xe, nhà v.v. đều tăng nhưng lương cũng vậy. Chúng tăng theo cách cân bằng lẫn nhau nên tuy lương bạn có nhiều số hơn thì nó cũng không hơn số tiền một người nhận được vào thập niên 1990 đâu.
Tóm lại là đúng vậy, với lạm phát thì dần dần một lít sữa sẽ có giá 30 đô. Giống như nó từng có giá 0.30 đô/lít vậy. Nhưng lương cũng sẽ tăng nên giả sử vào năm 2120 một người mua một lít sữa sẽ bỏ ra cùng phần trăm lương bằng một người ngày nay bỏ ra để mua một lít sữa với giá 3.90 đô.
Rồi sẽ tới thời điểm một phong kẹo cao su sẽ có giá 10,000 đô, các nước sẽ phát hành đơn vị tiền mới để có thể giao dịch ở mức giá cao hơn. Nên trong ví dụ này thì Mỹ có thể phát hành NeoDollar và tỷ giá đối hoái sẽ là 1 NeoDollar đổi 10,000 đô. Rồi mọi người sẽ tiếp tục như xưa.
Tôi đã siêu đơn giản hóa mọi thứ rồi và nếu giá cả tiếp tục tăng hàng tháng thì rõ ràng người lao động sẽ không được tăng lương hàng tháng theo. Nên sẽ có rắc rối ngắn hạn do lạm phát gây ra.
Nếu bạn hỏi về cách đối phó với việc giá cả tăng được cân bằng nhờ tăng lương, cái này nó lại khác lạm phát rồi. Cái này sẽ đi vào thuế và chính sách lao động và sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận khác hoàn toàn việc kiểm soát lạm phát.
_____________________
Dịch bởi Tuan Anh Nguyen