Đừng vội coi thường bài viết này. Bạn chắc mình biết về Self-help thực thụ chứ?
Không có thể loại sách vở nào bị giễu cợt nhiều như sách Phát triển bản thân. Hầu hết những người có óc tri thức tỏ ra khinh miệt các ý tưởng của chúng. Sách Self-help không xuất hiện trong danh sách khuyên đọc ở bất kỳ trường đại học danh tiếng nào, chúng cũng không được đánh giá bởi các tạp chí về sách vở và tri thức. Và việc một giải thưởng văn học lớn được trao cho tác giả Self-help – là một điều gần như không thể xảy ra.
Cuộc tấn công có hệ thống này vào toàn bộ thể loại Self-help là dấu hiệu của Thành kiến Lãng mạn chống lại ý tưởng về Giáo dục Cảm xúc. Đối với các nhà văn nghiêm túc, Giáo dục Cảm xúc một cách trực tiếp bị xem là hạ thấp giá trị của tác phẩm. Nếu đủ sáng dạ, chúng ta đều hoàn toàn có thể tiếp thu được nghệ thuật sống.
Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi chất lượng sách Self-help hiện nay đang xuống cấp trầm trọng. Những nhà văn tài giỏi có phong cách riêng và các nhà tư tưởng sắc sảo nhất sẽ cảm thấy xấu hổ khi tên của họ nằm trên những cuốn sách như vậy. Họ cho rằng số phận của chúng chính là bị kết liễu trên những kệ sách lố bịch nhất.
Tuy nhiên, không phải thời đại nào người ta cũng dành thái độ tiêu cực cho thể loại này. Nền văn hóa cổ đại Hy Lạp và La Mã đều cho rằng tham vọng lớn nhất của mọi tác giả là mang đến cho người đọc sự Giáo dục Cảm xúc. Đó là thứ có thể hướng họ đến sự hoàn thiện (Eudaimonia). Sách phát triển bản thân đã từng là đỉnh cao của nền văn học. Các nhà tư tưởng đáng ngưỡng mộ nhất như Plato, Aristotle, Cicero, Seneca, Plutarch và Marcus Aurelius – đều viết loại sách này. Họ dạy ta sống thế nào, và chết ra làm sao một cách tốt đẹp. Không những thế, họ còn khai triển mọi nguồn lực của trí óc, sự hóm hỉnh và cá tính trong những bản viết tay. Mọi thứ đều để đảm bảo rằng thông điệp của họ sẽ làm thỏa mãn năng lực trí tuệ cũng như cảm xúc của người đọc. Cuốn Giận giữ của Seneca và Suy tưởng của Marcus Aurelius là một vài tác phẩm vĩ đại nhất của bất kỳ quốc gia, bất kì thời đại nào. Không thể phủ nhận, chúng cũng là những cuốn sách Self-help.
Có vẻ như người ta đã ngừng viết những cuốn Self-help có chất lượng tốt kể từ sau sự sụp đổ của thành Rome. Nhưng chỉ cần chúng ta xem Văn hóa như một công cụ cho việc Giáo dục Cảm xúc, thì nhiều tác phẩm khác lại được kể tên. Và thực tế, chúng có thiên hướng thuộc về dòng Self-help hiện nay. Ví dụ, Chiến tranh và Hòa bình của Tolstoy rõ ràng nhằm mục đích hướng đến lòng trắc ẩn, sự điềm tĩnh và độ lượng. Nó mang đến những lời dạy xung quanh tiền bạc, cách cư xử, các mối quan hệ và phát triển sự nghiệp. Nó đã tìm cách chỉ cho người đọc làm thế nào để trở thành một người bạn tốt hay một bậc cha mẹ mẫu mực. Đây rõ ràng là một cuốn sách Phát triển bản thân. Chỉ là những người bảo vệ Văn hóa thời nay không muốn nói về nó thẳng thừng như thế. Cuốn Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust cũng tương tự – Nó dạy chúng ta cách từ bỏ sự chấp trước vào tình yêu nam nữ và địa vị xã hội, để ưu tiên tập trung vào nghệ thuật và tư tưởng.
Không hề là xúc phạm khi nói những kiệt tác đó là sách Self-help. Đó là cách để nhìn nhận chính xác mong muốn của tác giả – ấy là hướng con người tránh xa sự điên cuồng, để từng bước đến với một đời sống chân thành và đích thực. Những tác phẩm này đã cho ta thấy rằng, Self-help không nên đảm nhận vai trò thấp kém bên lề. Vì việc dẫn dắt và chỉ dạy sự khôn ngoan chính là mong muốn tự đáy lòng của tất thảy mọi sự nghiệp văn chương đầy tham vọng.
Trong nhà sách của một xã hội mơ ước, kệ sách Self-help sẽ là kệ sách uy tín nhất. Ở đó sẽ đặt những tác phẩm nổi bật nhất của văn học thế giới. Cuối cùng, Self-help đích thực sẽ lấy lại được vị trí ban đầu của chúng.
Khánh Huyền biên dịch | Theo The Book of Life