Ở đảo Bồng Lai, Trung Vũ Đại Vương Trần Thủ Độ mở một võ đường. Ông bận rộn cả đời, không thể chịu nổi một giây một phút thanh nhàn nào cả. Một ngày nắng đẹp như hôm nay, ông bất ngờ đón vị khách không mời: Huệ Quang thiền sư – Huệ Tông Lý Sảm.
Nhìn người đàn ông mới ngoại tam tuần, hồng hào khỏe mạnh mà lòng Thủ Độ phức tạp vô cùng. Hồi còn ở Tức Mặc, ông và ngài ấy thường cãi cọ với nhau. Lúc đó, Lý Sảm chưa cưới Trần thị. Khi ấy, ngài vẫn là người thanh niên tràn trề nhựa sống. Rồi đến lần gặp gỡ cuối cùng, vị thiền sư đó già nua hơn tuổi; hình tiêu mảnh dẻ; phải nhờ đến cây gậy gỗ mới có thể đi đường. Ông nói: “Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”, ngài nhìn ông với đôi mắt hằn sâu hận thù. Ánh nhìn khiến ông đau xót khôn tả, bởi vì tình nghĩa năm 17 tuổi… Ngài nhìn ông thật lâu, lâu đến nỗi dường như thời khắc này kéo dài mãi mãi. Sau đó, ngài nói như tổng kết cuộc đời nhắn ngủi của mình:
– Cuộc đời ta có 2 sai lầm. Thứ nhất, cưới & che chở Trần thị. Thứ hai, quen ngươi. Ta làm cho Trần thị đã đủ nhiều nhưng vẫn khiến ả ta oán hận, bởi vì ngươi. Ta hết lòng hết dạ với ngươi nhưng đổi lại chỉ là sự phản bội, ta hiểu tình nghĩa riêng tây vẫn kém hơn quyền lợi của dòng họ ngươi rất nhiều. Ta không oán tình cảnh này bởi vì ta tự làm tự chịu nhưng Trần Thủ Độ: Ta hối hận vì đã nhận bài thơ của ngươi.
Trần Thủ Độ sững sờ, đó là lần duy nhất trong đời ông làm thơ. Bài thơ phổ khúc Cao sơn – Lưu thủy kèm nửa mảnh ngọc dao, Lý Sảm đáp lễ nửa mảnh còn lại. Cứ ngỡ 2 người sẽ như Sở công đập đàn tri âm trước mộ Chung tử, ai ngờ… Quyền thắng nghĩa thua.
– Đã lâu không gặp, Quý Đạc.
Câu chào hỏi đưa ông ra khỏi miền ký ức bụi phủ sương mờ. Quý Đạc là biểu tự của ông, Quý (季) là út, Đạc (度); cách gọi khác của Độ nghĩa là đo lường. Biểu tự này do Lý Sảm lấy khi cả hai cùng làm lễ cập quan năm 18 tuổi. Biểu tự này chỉ có Lý Sảm gọi, ngay cả Linh Từ cũng không nhắc vì liên quan đến chồng cũ bà ấy. Trần Thủ Độ hoàn hồn:
– Chúng ta lại gặp nhau, Tử Chiêu.
Tử Chiêu là tự của Lý Sảm.Tử (子) – danh xưng cao quý của một người đàn ông, chữ Chiêu (昭) là sáng rọi vì tên Sảm (旵) của ngài có nghĩa là ánh mặt trời chiếu. Thật không nghĩ tới, sau bao nhiêu năm mới phùng ngộ mà cặp tình địch ngày xưa lại gọi tên chữ của nhau một cách “thân thiết” như vậy.
Ngài cười giả lả:
– Trần thị đang chịu hình dưới địa ngục, đức ông chồng đáng kính của ả lại thanh thản trên đảo Bồng Lai. Thật đúng là thế sự khó lường.
Ông thở dài:
– Chuyện lúc sinh thời, Tử Chiêu cần chi phải so đo; mai mỉa đâu.
Ngài nhún vai:
– Đừng tiêu chuẩn kép thế chứ Quý Đạc, họ Trần các ngươi có bao giờ thôi so đo với 2 đứa con gái của ta đâu. Nếu không phải các ngươi sợ Tai tộc lợi dụng Phật Kim để phù Lý, con bé làm sao phải rời khỏi Long Phượng Thành. Lại còn Chiêu Thánh thật giả, đúng là lòng Tư Mã Chiêu.
Thủ Độ lại thở dài, ông có vẻ bất lực trước sự hẹp hòi của “người bạn cũ”:
– Thấy Tử Chiêu vẫn hoạt bát như thời trẻ, tôi rất vui mừng. Chỉ xin ngài đừng hiểu lầm, thằng cháu tôi đã gả Phật Kim cho Lê Tần; con bé đã đạt được hạnh phúc, huống chi, cháu ngoại của ngài đã ở ngôi đó thôi.
Lý Sảm cười nhạt, ngài cảm thấy mình không quá kiên nhẫn với sự giả nhân giả nghĩa của họ Trần:
– Ta còn lạ gì thằng nhãi cá lành canh kia, nó lấy cái Kim như lễ vật ban thưởng công thần, cái Oanh vì ai mà mất sớm chẳng lẽ ngươi không biết. Các thiên kim nhà ta như hoa như ngọc lại bị mấy ông bác, cậu các ngươi giày xéo. Mẹ chúng nó ăn thịt con gái không nhả xương chứ ta thì đau lòng lắm.
Thật ra tên Trần Cảnh có nghĩa là ánh sáng mặt trời nhưng Lý Sảm ghét con rể nên chế nhạo như thế. Thủ Độ đành phải mời tình địch cũ một bữa nhậu để ôn chuyện, hòa giải mà thôi.
Sau hôm say quắt cần câu đó, thái độ của Lý Sảm với Trần Thủ Độ đã tốt hơn một ít.