Làm thế nào để thoát khỏi tình trạng tự “dìm” bản thân trong tội lỗi?

Nhà tâm lý học Martin Seligman phát hiện ra rằng khi con người rơi vào tình trạng buồn bã, họ dễ mắc phải ba sai lầm trong nhận thức.

Kiểu nhận thức sai lầm đầu tiên được gọi là cá nhân hóa (personalization): Đó là nghĩ rằng những điều tồi tệ xảy ra đều là do bản thân mình. Chẳng hạn, nhiều người sẽ rơi vào tình trạng tự trách bản thân quá mức: Nếu lúc đó thay đổi phương pháp điều trị thì người thân đã có thể khỏi bệnh, nếu lúc đó mình không gọi điện cho anh ấy thì có lẽ anh ấy đã tránh được tai nạn xe cộ rồi. Tất nhiên những điều này không đúng.

Kiểu nhận thức sai lầm thứ hai được gọi là lan tỏa hóa (pervasiveness): Tin rằng những sự việc tiêu cực sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Sau khi người thân qua đời, họ cảm thấy mọi mặt cuộc sống của mình đều đen đủi, thất bại. Sự thật có lẽ không tồi tệ đến vậy.

Kiểu nhận thức sai lầm thứ ba được gọi là vĩnh cửu hóa (permanence): Cho rằng ảnh hưởng của sự việc đó sẽ còn mãi, có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ được vui vẻ, hạnh phúc lại như trước nữa. Điều này thường cũng không đúng.

Trong cuốn sách Một lựa chọn khác, COO Sheryl Sandberg của Facebook đã gọi ba nhận thức sai lầm này là bẫy 3P. Mọi người dễ dàng rơi vào những cái bẫy này khi họ gặp chuyện đau buồn. Và trụ cột thứ hai “xử lý mối quan hệ với bản thân” muốn nhắm vào cách đối phó với chiếc bẫy đầu tiên – cá nhân hóa.

Cách để đối phó với nó được gọi là tự từ bi (self-compassion). Mọi người đã quen với việc từ bi với bạn bè nhưng lại rất hà khắc với bản thân. Chúng ta có thể dễ dàng nói với bạn bè rằng: “Đây không phải là lỗi của bạn, có nhiều việc nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.” Nhưng thật khó để chúng ta nói ra điều này với chính mình. “Tự từ bi” có nghĩa là dành cho bản thân sự tử tế mà chúng ta đã quen dành cho bạn bè. Bạn phải chủ động nhìn nhận hoàn cảnh của mình từ góc độ của người ngoài cuộc. Đây là cách mà các nhà triết học khắc kỷ xây dựng bức tường lửa cảm xúc.

Từ bi với bản thân không có nghĩa là trốn tránh trách nhiệm trong quá khứ, mà là tự nhủ rằng dù từng mắc sai lầm nhưng điều đó không có nghĩa bạn là người xấu. (Câu đầu tiên mà người Công giáo nói khi đến nhà thờ để xưng tội là: “Lạy Chúa, xin hãy tha thứ cho con, con có tội” chứ không phải “Chúa ơi, xin hãy tha thứ cho con, con là kẻ có tội”).

Đổ lỗi cho nhân cách của bản thân sẽ khiến bạn cảm thấy xấu hổ và xấu hổ sẽ mang đến sự tức giận. Còn hành vi tự đổ lỗi cho chính mình sẽ khiến bạn cảm thấy tội lỗi, áy náy. Cảm giác tội lỗi là một loại động lực, nó thôi thúc chúng ta luôn nỗ lực để cải thiện, sửa chữa những sai lầm trong quá khứ và đưa ra những lựa chọn tốt hơn trong tương lai. Dùng tự từ bi để hóa giải việc tự trách bản thân quá mức là trụ cột thứ hai hỗ trợ chúng ta thoát khỏi đau buồn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *