Kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Ngành thanh tra là dịp để chúng ta nhớ lại vụ án chống tham nhũng đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một vụ án tham nhũng được phát hiện qua đơn thư tố giác của quần chúng và được xét xử kịp thời sau khi thanh tra kết luận, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền non trẻ.
Đó là vụ án Trần Dụ Châu năm 1950
Cách mạng Tháng Tám thành công. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nhân dân được hưởng nền độc lập chưa bao lâu thì thực dân Pháp quay trở lại lăm le cướp nước ta một lần nữa. Chính quyền cách mạng non trẻ cùng quân đội và nhân dân tạm rời Thủ đô Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc.
Biết bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn đến với chính quyền và quân đội trong khoảng thời gian này, trong khi Pháp tăng cường lực lượng.Từ năm 1946 đến đầu năm 1950, thế và lực của ta là cầm cự và phòng ngự. Đây là giai đoạn quân đội thiếu lương thực, thuốc men, đạn dược… Chính trong giai đoạn nóng bỏng này, trong quân đội lại xuất hiện những sĩ quan biến chất, tham nhũng, sống phè phỡn, xa hoa trong khi những người lính ngoài mặt trận phải ăn đói, mặc rách; những chiến sĩ bị thương thiếu cả thuốc men chữa trị. Một số sĩ quan có chức có quyền ấy đã bị đưa ra trước vành móng ngựa…
Trần Dụ Châu sinh năm 1906 tại Nghệ An. Năm 1930 làm thư ký cho Tòa sứ Pháp, viết bài cho Báo Thanh Nghệ Tĩnh. Năm 1932, Châu làm nhân viên hỏa xa. Đến năm 1945 làm kế toán Quận Hỏa xa Bắc kỳ. Nhờ quan hệ và khôn khéo trong công việc, Châu trở nên giàu có và cũng đã hiến phần lớn tài sản của mình cho cách mạng.
Năm 1945, Châu được chính quyền cách mạng giao tập hợp cả ngàn tấn gạo, muối từ Hà Đông đưa lên Chiến khu Việt Bắc phục vụ quân đội.
Năm 1946, nhờ quá trình làm tốt việc cung cấp lương thực, quân trang cho bộ đội nên Châu được phong quân hàm Đại tá, giữ chức Giám đốc Nha Quân nhu, có nhiệm vụ chỉ đạo sản xuất quân trang, được giữ trong tay rất nhiều tiền bạc.
Chính vì có chức, có quyền, có tiền nhưng lại thiếu tự kiềm chế nên Trần Dụ Châu sa vào hưởng lạc, chiếm dụng tiền công bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, nhận tiền biếu xén, nâng đỡ, bao che cho các thuộc hạ khi có sai phạm.
Điển hình, Châu đã nâng đỡ, dìu dắt Lê Sỹ Cửu (đồng hương miền Trung) vào Nha Quân nhu để Cửu trở thành tay chân đắc lực của Châu. Cửu đã chiếm đoạt hàng chục vạn đồng nhờ nâng khống giá mua vải và bóc tách giá vận chuyển, giá phụ liệu may mặc mà khi các nhà buôn cung cấp họ đã tính giá trọn gói.
Cửu còn cấp con dấu giả Nha Quân nhu cho bọn buôn lậu qua mặt cơ quan chức năng. Cửu cũng đã hối lộ cho Châu hàng chục vạn đồng và nhiều tài sản có giá trị trong thời gian dài. Chính vì sự bớt xén cho nên các mặt hàng phục vụ chiến sỹ đều bị “rút ruột” như: Màn không đủ chiều cao như quy định, áo trấn thủ ít bông hơn, chăn đắp bị giảm bông độn thứ khác vào…
Ngoài các khoản nhận hối lộ, biếu tặng, cống nộp… Châu lấy cắp công quỹ 57.959 đồng Việt Nam, các tài sản khác trị giá 143.900 đồng Việt Nam. Châu còn tuyển người, thải người theo sở thích cá nhân, vung tiền bao gái…
Khi có lời xầm xì về lối sống của Châu thì Châu đã nhờ một nhân viên viết thư gửi Đại tướng Tổng Tư lệnh báo cáo rằng: “Trong Nha Quân nhu có một tổ chức gây chia rẽ và phá hoại quân đội ta”. Rõ ràng, Châu đã dằn mặt người có ý định tố cáo và mượn tay kẻ xấu viết bức thư hoàn toàn không có sự thật để che đậy sự xấu xa và “thanh toán” đồng đội. Đó là tâm địa hiểm độc của Châu.
Có điều, cái xấu không thể che đậy được mãi cho đến khi Châu đứng ra làm chủ hôn cho đám cưới của Lê Sỹ Cửu, một đám cưới sang trọng, mang phong cách quý tộc của châu Âu. Không gian cưới lung linh bởi cả trăm ngọn nến.
Cỗ bàn toàn những thứ cao sang từ thực phẩm đến đồ uống, đồ hút đều là những thứ nổi tiếng của cả ta và Tây. Cặp uyên ương trong trang phục sang trọng như giới thượng lưu, có cả ban nhạc sống nổi tiếng về phục vụ… Đám cưới được tổ chức trên vùng đất Việt Bắc, nơi người dân còn quá nghèo và lạc hậu, nơi người lính đang thiếu thốn trăm bề.
Nhà thơ Đoàn Phú Tứ (Đại biểu Quốc hội khóa I, làm việc trong Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ) là khách mời của đám cưới, khi ông cùng đoàn nhà văn vừa đi thăm và úy lạo các đơn vị bộ đội đánh giặc trở về, tận mắt thấy các chiến sỹ bị thương mà thiếu thuốc men, bông băng và hầu hết họ đều rách rưới “võ vàng đói khát”, “chỉ còn mắt với răng” trong khi mùa Đông năm đó băng giá.
Đoàn Phú Tứ được Trần Dụ Châu mời đọc thơ chúc mừng đám cưới. Ông đã đứng lên nói to: “Bữa tiệc cưới chúng ta sắp chén đẫy hôm nay, được dọn bằng xương máu của chiến sĩ”. Rồi ông đã bỏ đám cưới ra về và sau đó viết một bức thư gửi Hồ Chủ tịch tố cáo vụ việc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Ban Thanh tra Chính phủ, Ban Kiểm tra Trung ương, Cục Tổng Thanh tra quân đội thành lập ngay đoàn thanh tra để làm rõ. Đoàn thanh tra do Thiếu tướng Trần Tử Bình, Phó Tổng Thanh tra quân đội làm Trưởng đoàn.
Đoàn đã tiến hành điều tra, xét hỏi, gặp gỡ nhiều nhân chứng, nghiên cứu tài liệu để thu thập chứng cứ. Đối tượng là một cán bộ cao cấp có cương vị và đang giữ trọng trách trong quân đội, lại lắm thủ đoạn, khôn khéo, biết che đậy nên đoàn thanh tra phải làm việc hết sức thận trọng.
Sau gần 2 tháng thanh tra, điều tra, đoàn thanh tra đã có những chứng cứ đầy đủ về tội trạng của Trần Dụ Châu, Lê Sỹ Cửu và đồng bọn. Một số tội trạng của Trần Dụ châu, đoàn thanh tra đã kết luận như: Biển thủ 57.950 đồng bác việt Nam và 449 đôla Mỹ, 28 tấm lụa xanh; nhận hối lộ 20 vạn đồng của Lê Sỹ Cửu; bán một số súng lục lấy tiền ăn chơi; giam giữ công nhân quân giới trái phép.
Một số tội trạng của Lê Sỹ Cửu gồm: Biển thủ 1.500 tấm vải nội hóa trị giá 700.000 đồng; tham ô 40.000 đồng, lấy 560.000đ tính tăng vào giá vải mua cho bộ đội và 1.155 tấm vải trị giá 660.000 đồng; ăn hối lộ của bọn buôn vải và hối lộ Trần Dụ Châu; giả mạo con dấu của nha quân nhu để cấp giấy tờ cho bọn buôn lậu.
Đoàn thanh tra đã báo cáo lên Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và Bộ Quốc Phòng về tội trạng của Trần Dụ Châu và đồng bọn. Ngày 5/9/1950, tại thị xã Thái Nguyên, Tòa án Binh Tối cao mở phiên tòa đặc biệt xử vụ Trần Dụ Châu.
Thiếu tướng Chu Văn Tấn ngồi ghế Chánh án, Thiếu tướng Trần Tử Bình đại diện Chính phủ ngồi ghế công cáo viên… Phòng xử án có khẩu hiệu “Nêu cao ánh sáng công lý trong quân đội”, “Trừng trị để giáo huấn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê duyệt bản án.
Việc thanh tra làm rõ tội trạng của Trần Dụ Châu và vụ án xét xử y đã gây chấn động trong quân đội và nhân dân, đã củng cố niềm tin vào Đảng và Bác Hồ. Nhờ vậy, thế của quân đội ta từ cầm cự, phòng ngự đã chuyển sang tổng phản công đánh thắng địch ở Chiến dịch Biên giới Thu – Đông 1950 làm bàn đạp cho chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng năm 1954, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến.
Vụ án Trần Dụ Châu đã lùi vào lịch sử 66 năm, nhưng tính thời sự, nghiêm minh pháp luật thì vẫn còn nguyên giá trị. Kết quả của vụ việc này còn cho thấy vai trò quan trọng của lực lượng thanh tra khi được đặt đúng vị trí với những chức năng, quyền hạn rõ ràng.
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ)