5.Lời nói dối của cha.
Không khí buổi sáng hôm ấy có chút khó xử. Khương Ngọc Thục và Khương Đình gần như im lặng để ăn cho xong bữa cơm. Khi cô ấy rửa bát, Khương Đình đã ăn mặc chỉnh tề, tay xách theo hộp cơm. Ra tới cửa, Khương Đình chỉ ấp úng một câu “Con đi học đây”, không đợi mẹ đáp lại, cô bé đã mở cửa bước ra khỏi nhà.
Khương Ngọc Thục đứng trước bồn rửa bát một lúc, miễn cưỡng kìm chế cảm xúc của mình lại để rửa xong đống bát đũa.
Khương Đình đang có tâm sự, hơn nữa còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và việc học hành của con bé. Nguy hiểm hơn là, con bé không dám kể chuyện đó với mình.
Khi Khương Ngọc Thục phát hiện ra trên giường con bé trống trơn, cô tức tốc lục tìm mọi ngóc ngách trong căn nhà. Sau khi xác định Khương Đình không có ở đây, cô liền vớ lấy một chiếc đèn pin rồi lao ra khỏi cửa.
Đây rõ ràng là một việc không bình thường. Khương Đình trước nay chưa từng lén lút bỏ đi giữa đêm hôm. Khương Ngọc Thục không có thời gian để tìm nguyên do, phi nhanh xuống dưới nhà, vừa gào thét tên cô con gái, vừa đi khắp khuôn viên để tìm.
Đêm đã khuya, cả thế giới đều chìm sâu vào giấc ngủ. Khương Ngọc Thục đi qua một tòa nhà, rồi một tòa nhà khác, cổ họng sắp khản đến nơi, chân càng lúc càng yếu. Con bé đã đi được bao lâu, đi được bao xa, cô hoàn toàn không hay biết. Bất luận việc đi tìm con bé ở khuôn viên này là tốn công vô ích, nhưng Khương Ngọc Thục đã hoảng loạn đến mức đánh mất đi khả năng phân tích sự việc. Rất nhanh, cô đã đi khắp một vòng khuôn viên bé nhỏ, nhưng vẫn không thấy bóng dáng Khương Đình đâu. Khương Ngọc Thục nhìn về phía ánh đèn đường cách đó không xa, định chạy ra đấy tìm một lượt, nếu mà vẫn không thấy thì chỉ còn nước báo cảnh sát.
Khương Ngọc Thục chạy ra ngoài khuôn viên, ánh mắt nhìn chăm chăm về phía con đường thi thoảng lại có vài chiếc xe chở hàng vút qua. Đột nhiên, một bóng đen xuất hiện trong tầm mắt của cô ấy, từ từ vòng qua bồn hoa ở tòa nhà thứ nhất.
Theo bản năng, Khương Ngọc Thục cầm đèn pin rọi tới, đồng thời hỏi: “Đình Đình đó à?”
Quả nhiên, cô con gái đang mặc bồ đồ ngủ xuất hiện dưới ánh đèn. Đầu tóc con bé bù xù, sắc mặt nhợt nhạt, ngơ ngác nhìn mẹ, dường như không nhận thức được mình cần phải né tránh thứ ánh sáng chói mắt kia.
Khương Ngọc Thục rảo bước tiến lại gần, quan sát trên dưới một lượt, sau khi đã xác nhận con bé không bị thương, lúc này cô mới nổi cáu.
“Con đi đâu vậy?” Khương Ngọc Thục vung tay vỗ đôm đốp vào vai con bé, “Muộn thế này rồi, con định dọa mẹ chết khiếp có phải không?”
Con bé loạng choạng một lúc. Nhưng mà, nó không hề giải thích, cũng không hề phản kháng, chỉ nghiêng đầu, đứng im tại chỗ chẳng nói chẳng rằng.
“Sao không nói, con đã đi đâu?”
Con bé vẫn giữ nguyên tư thế ban đầu, bất động, cũng không nói năng gì.
Lúc này, căn hộ ở tòa nhà bên cạnh sáng đèn, một người đàn ông cởi trần vừa gãi ngực, vừa bước ra cửa sổ, ngó xuống nhìn hai mẹ con một cách ngờ vực.
Khương Ngọc Thục nghiến răng, túm lấy tay cô con gái: “Về nhà!”
Vào đến cổng, Khương Ngọc Thục mới phát hiện ra trên bộ đồ ngủ của cô con gái bám đầy bụi bặm, mạng nhện và rác rưởi, đế dép cũng dính không ít bùn đất, phát ra mùi hôi thối khó chịu.
Chưa hết kinh ngạc, Khương Ngọc Thục lại gặng hỏi con bé rằng ban nãy đã đi đâu. Khương Đình vẫn không chịu hé lời, lặng lẽ cởi bỏ bộ đồ ngủ và đôi dép đã vấy bẩn, quay về phòng riêng, đóng cửa cái “cạch”.
Cơn tức giận và sự nghi hoặc trồi lên anh ách trong lòng Khương Ngọc Thục mà cô không sao trút bỏ được, chỉ biết đá đống quần áo và giày dép bẩn tưởi vào nhà tắm, ngâm chúng trong chậu nước rồi vò thật mạnh.
Giải quyết xong đống bừa bộn này cũng đã là 3 giờ sáng. Khương Ngọc Thục cảm thấy mệt mỏi một cách khó diễn tả, định nằm ngả lưng xuống ghế sô-fa để chợp mắt một chút, kết quả lại ngủ liền một mạch đến sáng.
Mặc dù Khương Đình vẫn dậy đúng giờ, song con bé dường như không có ý định bắt chuyện. Sau khi con bé đi học, Khương Ngọc Thục không ngừng cảm thấy bất an, đống sổ sách bày trước mặt cũng chẳng buồn động đến, liền gạt chúng sang một bên để chuyên tâm suy nghĩ.
****
Khương Đình nửa đêm ra khỏi nhà, hoặc là để giải tỏa nỗi lòng, hoặc là đi gặp ai đó. Nếu con bé nghe thấy những gì mà mình và người chồng cũ nói với nhau, cảm thấy tâm trạng muộn phiền thì có thể tâm sự thẳng với mẹ nó. Còn nếu mà đi gặp ai đó, khả năng này lại càng thấp. Bởi, theo những gì Khương Ngọc Thục hiểu về cô con gái của mình, hiện tại con bé vẫn chưa có đối tượng để mà yêu đương. Hơn nữa, trông bộ dạng của con bé lúc ấy, chắc chắn là vừa chui ra từ một xó xỉnh chật chội, bẩn thỉu nào đó — Làm gì có ai lại đi hẹn hò ở những nơi như vậy?
Nghĩ tới nghĩ lui, Khương Ngọc Thục vẫn chưa thể tìm ra được một lý do để giải thích cho biểu hiện bất thường của cô con gái. Điều đó càng khiến cô cảm thấy bất an. Con bé là cốt nhục của cô ấy, cùng chung huyết mạch, chung dòng tư tưởng. Nhưng hiện tại, có một bàn tay vô hình nào đó đã cắt đứt sợi dây liên hệ giữa hai mẹ con. Nguy hiểm hơn là, bàn tay ấy nhìn không ra hình, ngửi không ra hơi, từ đâu đến cũng chẳng ai hay. Cô ta chỉ biết, mọi việc đều bắt nguồn từ cơn mưa đêm ấy.
Khương Ngọc Thục mở ngăn kéo, cau mày nhìn vào chiếc hộp bút được gói ghém trong lớp giấy báo kia.
****
Một ngày dài cuối cùng cũng đã trôi qua. Hôm nay Khương Đình có tiết tự học vào buổi tối, 9 giờ mới xong. 8 rưỡi, Khương Ngọc Thục đã đến trước cổng trường Trung học, ngó cổ nhìn về phía sân trường đang sáng đèn.
Cô ấy không phải người đến sớm nhất. Trước cổng trường còn có một ông lão nữa, đang đứng hút thuốc chờ đợi. Ông ta để ý đến ánh mắt của Khương Ngọc Thục, liền xoay người ra nhìn. Ánh mắt như chim ưng khác xa với vẻ bề ngoài của ông ta găm thẳng vào mặt Khương Ngọc Thục khiến cô rùng mình, vội cười gượng rồi quay đi. Ông lão cũng cười, nhàn nhã hút tiếp điếu thuốc trên tay.
8 giờ 45 phút, phụ huynh học sinh bắt đầu đến đầy cổng trường. Những ai quen biết sẽ đứng túm năm tụm ba lại với nhau để tán gẫu. Bởi vì con bé rất ngoan nên Khương Ngọc Thục gần như không phải tới trường để đưa đón. Vậy nên, cô chẳng quen được ai xung quanh, chỉ biết đứng trơ trọi một mình. Xem ra, ông lão kia cũng vậy, không thấy đứng cùng những người khác.
Khi tiếng chuông tan học vang lên, cổng trường bắt đầu trở nên huyên náo. Mấy phút sau, sân trường cũng trở nên ồn ào. Từng nhóm học sinh ùa ra khỏi tòa giảng đường, những bộ đồng phục xanh trắng giống nhau đột nhiên gom lại như sóng biển. Khi trào ra đến cổng, cơn sóng biển trở nên nhỏ giọt, tõe ra bốn phương tám hướng. Khương Ngọc Thục muốn tìm ra bọt sóng nhà mình giữa đại dương bao la quả thực không dễ dàng gì. Cô ấy kiễng chân, ra sức kiếm tìm cô con gái giữa biển người.
Khi cơn sóng lướt qua, sân trường chỉ còn vỏn vẹn vài mống học sinh, lúc này Khương Đình mới cúi gằm đầu, khom lưng, chậm rãi bước ra từ tòa giảng đường. Khương Ngọc Thục trông thấy, ra sức vẫy tay về phía con bé. Nhưng Khương Đình vẫn cứ như người trên mây, không ngừng cắm mặt xuống đất. Mãi đến khi Khương Ngọc Thục sắp tới gần thì con bé mới nhìn thấy.
“Mẹ?” Khương Đình tròn mắt ngạc nhiên, “Sao mẹ lại đến đây?”
“Sao, mẹ không được phép đến à?” Khương Ngọc Thục cố tình làm ra vẻ mặt nghiêm nghị, “Đói chưa?”
“Bình thường ạ.” Khương Đình bỗng trở lại điệu bộ nhõng nhẽo như mọi ngày, “Có gì ngon hả mẹ?”
“Đi, về nhà.” Nhìn thấy bộ dạng của con bé, tâm trạng Khương Ngọc Thục cũng khá lên nhiều, “Mẹ hầm thịt bò cho con ăn rồi đó.”
Khương Đình khoác lấy tay cô ấy, đang bước đi, thì một giọng nam già cỗi bất chợt vang lên bên tai.
“Cháu ơi, cho ông hỏi.”
Hai mẹ con quay lại đồng thời. Khương Ngọc Thục nhận ra đó chính là ông lão ban nãy đứng hút thuốc ở cổng trường.
“Cháu ơi, trong trường…… Không còn ai nữa à?” Ông lão chỉ tay về phía tòa giảng đường, “Đã ra hết chưa?”
“Chắc là rồi ạ.” Khương Đình nhìn về phía cổng tòa giảng đường, lúc này bác bảo vệ đã khép cánh cửa kính lại, chuẩn bị cài then, “Sắp khóa cửa rồi.”
“Ồ.” Ông lão gật đầu cười, dường như đang suy nghĩ gì đó, “Cảm ơn cháu.”
Ánh mắt và ngữ khí của ông ta đều rất ấm áp, thế nhưng sự suy xét trong mắt thì vẫn không hề thuyên giảm. Khương Ngọc Thục cảm thấy không thoải mái, muốn kéo cô con gái của mình đi thật nhanh. Thế nhưng con bé lại nhiệt tình quá mức.
“Ông ơi, ông đến để đón cháu ạ?” Khương Đình hỏi, “Cấp 2 hay cấp 3 ạ? Lớp nào vậy ông?”
“Ờ? Cấp 3.” Ông lão hơi chần chừ một chút, “Không sao, chắc là đi vệ sinh thôi. Để ông đợi thêm, cảm ơn cháu nhé.”
Nói đoạn, ông lão khẽ gật đầu về phía Khương Ngọc Thục. Cô ấy cũng bối rối gật lại, nắm lấy tay Khương Đình, mau chóng rời đi.
****
Về nhà. Khương Đình vẫn rất ít mở miệng, nhưng so với tối hôm qua thì cũng sôi nổi hơn nhiều. Hai người cùng nhau ăn cơm, rửa sạch bát đũa. Khương Ngọc Thục kèm cô bé làm xong bài tập, khi chuẩn bị đi ngủ, cô ấy kéo con bé ngồi xuống ghế sô-fa, khẽ hỏi: “Đình Đình, dạo này con làm sao thế, có thể nói cho mẹ biết được không?”
Cảm xúc của con bé ngay lập tức trùng xuống, đầu cúi gằm, mân mê ngón tay, lí nhí đến độ gần như không nghe rõ.
“Không sao ạ.”
Khương Ngọc Thục vuốt ve đầu con bé: “Bất luận đã xảy ra chuyện gì, con đều có thể kể cho mẹ nghe. Đừng để mẹ phải lo lắng, có được không?”
Khương Đình không nói gì, từ từ cúi người, sà xuống đầu gối của Khương Ngọc Thục. Khương Ngọc Thục cảm thấy trái tim mình dần tan chảy, cô đưa tay từ trên đầu con bé đặt xuống lưng, khễ khàng ve vuốt. Bình thường, con bé sẽ êm ái chìm vào giấc ngủ như một chú mèo con. Nhưng hôm nay, con bé dường như có tâm sự gì trong lòng. Mặc dù Khương Ngọc Thục không nhìn thấy mặt con bé, nhưng vẫn biết nó đang mở mắt, nhìn chăm chú vào một góc nào nó trong căn phòng khách này mà không hề động đậy.
Phút chốc, Khương Đình khẽ hỏi: “Mẹ?”
“Ơi?”
“Nếu như con đột nhiên biến mất, liệu mẹ có đi tìm con không?”
“Còn phải hỏi!” Khương Ngọc Thục vừa dứt lời, liền phát hiện ra có gì đó không ổn, cô vội thẳng lưng, định kéo con bé ngồi dậy, “Rốt cuộc là đã xảy ra chuyện gì?”
Khương Đình không nhúc nhích, chỉ dang đôi tay ra, ghì chặt lấy Khương Ngọc Thục vào lòng.
****
Qua việc tìm kiếm danh tính thi thể, thân phận của ba nạn nhân đã được xác định.
Nạn nhân thứ nhất, Đỗ Viên, nữ, 33 tuổi, công nhân Phòng hậu cần của Viện nghiên cứu dệt may, đã kết hôn, sinh một con, trú tại phòng 202, đơn nguyên 3, số 168 đường Thái Sơn, tiểu khu Hòa Bình của thành phố. Ngày 17 tháng 3, chồng nạn nhân đã đến cơ quan cảnh sát trình báo sự việc, sau khi tiếp nhận thì vụ án được xếp vào loại mất tích.
Nạn nhân thứ hai, Dương Tân Thiến, nữ, 27 tuổi, y tá khoa nhi của bệnh viện Nhân dân số 4, đã kết hôn, chưa có con, trú tại phòng 501, đơn nguyên 1, số 87 đường Liễu Điêu Hồ, tiểu khu Khoan Bình của thành phố. Ngày 6 tháng 4, mẹ nạn nhân đã đến cơ quan cảnh sát trình báo sự việc, sau khi tiếp nhận thì vụ án được xếp vào loại mất tích.
Nạn nhân thứ ba, Tôn Tuệ, nữ, 31 tuổi, giáo viên trường mầm non số 1, đã ly dị, chưa có con, trú tại phòng 709, tòa số 4, số 22 đường Tiểu Nam Nhất, tiểu khu Bắc Quan của thành phố. Ngày 10 tháng 5, mẹ nạn nhân đã đến cơ quan cảnh sát trình báo sự việc, sau khi tiếp nhận thì vụ án được xếp vào loại mất tích.
Dựa vào tình hình giám định, cả ba cái xác đều đã bị phân hủy nặng nề, không còn những hiện tượng thi thể mới chết. Phân tích tình trạng tiêu hóa của thức ăn trong bụng ba nạn nhân, cho thấy họ đều bị sát hại trong vòng 10 tiếng kể từ lần ăn cuối. Kết hợp với thời gian báo án của người nhà nạn nhân, có thể xác định được thứ tự bị hại của từng người.
Nguyên nhân tử vong của cả ba nạn nhân đều do ngạt cơ học, hung khí được nghi ngờ là dây sắt hoặc vật gì đó tương tự, trước khi chết họ đều bị một nam giới có nhóm máu A xâm hại. Kết hợp những điều bên trên, Sở Cảnh sát thành phố đã nhận định, đây là một vụ án giết người liên hoàn nghiêm trọng, đồng thời cho lập tổ chuyên án, dốc toàn lực để điều tra.
****
“Tôn Tuệ mất tích trong ngày làm việc, giờ tan học của trường mầm non vào khoảng 5 rưỡi chiều. Theo thông tin được mẹ và đồng nghiệp của nạn nhân cung cấp thì Tôn Tuệ hay đạp xe đi làm. Tuyến đường thường ngày của cô ấy bắt đầu từ cổng chính của trường mầm non số 1, rẽ trái ra đường Huệ Dân, đến đại lộ Phong Thu thì rẽ phải, rồi rẽ trái ở đường Tiểu Nam Nhất, đạp xe thẳng về phía Nam……”
Thái Vĩ đứng bên cạnh máy chiếu trong phòng họp, chỉ vào hình chiếu của bản đồ tiểu khu Bắc Quan. Những đường nét đậm màu đỏ biểu thị cho tuyến đường về nhà hàng ngày của Tôn Tuệ, xem qua thì không mấy phức tạp.
“Chúng tôi đã cho làm thực nghiệm, toàn bộ lộ trình về nhà của Tôn Tuệ mất khoảng 40 phút — Cô ấy đã biến mất trong khoảng thời gian này.”
Giới thiệu xong về tình hình, Thái Vĩ tắt máy chiếu, có chút lo lắng nhìn xuống các thành viên của tổ chuyên án đang ngồi bên dưới.
Phó giám đốc Hồ phụ trách công tác điều tra hình sự của Sở thành phố thở dài một tiếng, ấn đầu thuốc lá vào gạt tàn. Ông ta xoa mặt, tinh thần lộ rõ vẻ mệt mỏi.
“Đã tìm thấy xe đạp của Tôn Tuệ chưa?”
“Vẫn chưa.” Thái Vĩ lật giở cuốn sổ ghi chép, “Một chiếc xe phổ thông dành cho nữ. Chúng tôi đã đến vài cửa hàng xe đạp lướt trong thành phố nhưng đều không tìm thấy chiếc xe.”
“Nạn nhân thứ nhất mất tích trên đường về nhà sau bữa tiệc tối, nạn nhân thứ hai mất tích trên đường trở về sau khi ra ngoài mua đồ, còn nạn nhân thứ ba mất tích khi đang trên đường đi làm về, có đúng không?”
Tổ phó tổ chuyên án Vương Hiến Giang gật đầu: “Đúng.”
“Thời gian xảy ra vụ án không giống nhau, tuyến đường cũng không giống nhau. Một người ngồi xe buýt, một người đạp xe, người kia thì chưa rõ……” Phó giám đốc Hồ tự lẩm bẩm, “Không có điểm giao cắt nào hay sao?”
Vương Hiến Giang nhìn Thái Vĩ. Cậu ta hiểu ý, chiếu ba tấm hình chồng lên nhau.
Đường nét đậm màu đỏ trở nên đan xen phức tạp, Phó giám đốc Hồ ngắm nghía một hồi, cau mày hỏi: “Không có?”
“Trước mắt vẫn chưa phát hiện ra.” Vương Hiến Giang cân nhắc câu từ, “Manh mối hiện tại rất ít.”
“Ít cái gì, không có thì đúng hơn.” Phó giám đốc Hồ chửi rủa một câu, “Tiếp theo các cậu định làm gì?”
“Chúng tôi nghi ngờ thi thể ban đầu bị vứt xuống cống nước ngầm, sau đó bị trận mưa lớn cuốn trôi ra kênh Vệ Hồng.” Vương Hiến Giang ngừng lại một chút, “Cho nên trước mắt chưa thể xác định là chỉ có ba người bị hại.”
“Các cậu định chui xuống cống nước ngầm?” Phó giám đốc Hồ trợn tròn mắt, “Mạng lưới đường ống bên dưới rộng như thế nào, các cậu có biết không?”
“Dạ biết. Chúng tôi đã cho tìm các đồng chí bên Viện quy hoạch thành phố, cũng đã tính toán đến lượng mưa, tốc độ dòng chảy cùng những nhân tố khác, nhưng vẫn không có cách nào phán đoán được thi thể trước khi bị cuốn trôi đã nằm ở vị trí nào dưới cống nước ngầm.” Sắc mặt của Vương Hiến Giang thật khó coi, “Cho nên chúng tôi định sẽ chui xuống dưới để xem thế nào.”
Việc này chẳng khác gì mò kim đáy biển. Đầu tiên, còn chưa thể xác định được vị trí giấu xác; Tiếp đến, dù cho có xác định được, thì dưới sự gột rửa của nước mưa, có thể thu thập được manh mối nào có giá trị hay không là điều rất khó nói. Nhưng mà trước mắt, đây là phương hướng điều tra duy nhất. Nếu không thử mò cây kim đó, thì quả thật hết đường xoay sở.
Phó giám đốc Hồ do dự hồi lâu, cũng chẳng nghĩ ra được cách khác: “Cứ làm vậy đi. Tuy nhiên, đừng quá hy vọng vào cách này, cái gì có thể triển khai được thì cứ triển khai. Có thông tin gì lập tức báo cáo lại cho tôi.”
Nói xong, Phó giám đốc Hồ xua tay, ra hiệu giải tán. Thành viên đội chuyên án lần lượt rời đi, ai làm việc người nấy. Vương Hiến Giang không nhúc nhích, ngồi tại chỗ hút thuốc.
Thái Vĩ tắt máy chiếu, bước đến bên cạnh Vương Hiến Giang, cẩn thận quan sát sắc mặt của anh ấy: “Thầy ơi, chúng ta……”
“Đem vài cái mặt nạ phòng độc tới đây.” Cặp mắt Vương Hiến Giang cụp xuống, “Ngày mai sẽ triển khai.”
****
Cố Hạo ngồi bên thành giường, ngẩn ngơ xem giải thi đấu bóng bàn Quốc tế được chiếu trên truyền hình, nhưng tâm trí ông hoàn toàn nằm ngoài trận đấu.
Đứa bé đó không đi học. Dựa vào động tĩnh phát ra từ phòng 101 mấy ngày nay, cô bé hình như cũng không ở nhà. Nó đi đâu được nhỉ? Thôi học? Không thể nào. Điều kiện kinh tế nhà họ Tô chưa đến mức buộc cô bé phải thôi học. Với cả, thành tích học tập của cô bé có vẻ như vẫn tốt, một đứa trẻ đã lên tới lớp 11, giờ mà thôi học chẳng phải quá đáng tiếc hay sao?
Bị bệnh, hay là bị thương? Nếu quả thực như vậy, bất luận bị bệnh hay bị thương, cần phải nhập viện để điều trị, e là phải rất nghiêm trọng.
Lẽ nào sự việc còn tồi tệ hơn? Cố Hạo đột nhiên nhớ tới vụ có ba cái xác bị cuốn trôi ra kênh Vệ Hồng. Sau đó, ông ta liên tục lắc đầu.
Không thể nào. Nếu đứa bé bị hại, lúc này phòng 101 phải tổ chức lễ tang rồi mới phải, hơn nữa cảnh sát nhất định sẽ mò đến.
Ti-vi bỗng phát ra tiếng hò reo của bình luận viên. Cố Hạo bừng tỉnh, nhìn thấy Khổng Lệnh Huy đặt vợt xuống bàn, nắm tay lại, hét lớn.
Xem ra cậu ta thắng rồi. Cố Hạo từ từ đứng dậy, nhấc cốc lên, uống một ngụm trà đã nguội ngắt từ lâu, rồi lại châm điếu thuốc, lắc lắc cái phích nước.
Ông ta rót phần nước còn sót lại trong phích vào cốc trà, rồi đi ra ngoài cửa.
Đặt chiếc ấm sắt đựng đầy nước lên bếp, bật ga. Cố Hạo đột nhiên nghe thấy thấp thoáng tiếng trò chuyện phát ra từ phòng 101. Ông ta lập tức tắt chiếc bếp ga đang kêu xì xèo, đứng tại chỗ lắng tai nghe. Nhưng mà, trong số tiếng nói đó không có giọng của cô bé, giọng nữ duy nhất là của bà mẹ.
Cố Hạo ngẫm nghĩ, rồi lại bật bếp ga lên, đi về phía phòng 101, gõ cửa.
Âm thanh trong phòng 101 đột nhiên tắt ngóm, ngay sau đó, tiếng bước chân xuất hiện sau cánh cửa.
“Ai đó?”
“Tôi đây.” Cố Hạo hắng giọng, “Ở nhà đối diện.”
Cửa mở, đằng sau lão Tô là vợ anh ta. Trên nét mặt của người phụ nữ vẫn còn chưa hết vẻ mong đợi, nhưng sự xuất hiện của người hàng xóm dường như khiến cô ta cảm thấy thất vọng. Người phụ nữ gật đầu chào Cố Hạo sau đó quay trở về phòng.
Lão Tô cảm thấy ngạc nhiên trước sự thăm hỏi đột ngột của ông ta: “Lão Cố đấy à, bác có chuyện gì thế?”
“Ờ.” Cố Hạo cười, “Con bé có nhà không?”
“Không.” Ánh mắt của lão Tô chợt né tránh, “Sao thế ạ?”
“Ồ.” Cố Hạo xoay nửa người, “Vậy đợi khi nào con bé về rồi nói tiếp.”
“Bác đợi chút.” Lão Tô cau mày, “Rốt cuộc là bác có chuyện gì vậy?”
“À, thằng con nuôi của tôi mới mua cho cái máy ghi hình, mà toàn tiếng Tây.” Cố Hạo bĩu môi, “Con gái anh chị không phải biết tiếng Anh hay sao, định nhờ con bé phiên dịch hộ ấy mà.”
Đột nhiên, một thằng bé từ trong phòng lao ra, reo lên hứng thú: “Cháu biết, cháu cũng biết tiếng Anh. Ông Cố, để cháu giúp ông dịch.”
Là thằng con trai của nhà họ Tô. Nó khoác một chiếc cặp sách màu sắc sặc sỡ, trông có vẻ dị hợm, nhưng nét mặt lại vô cùng hưng phấn.
“Mày thì biết cái khỉ gì!” Lão Tô nghiêm mặt, nhấn vai thằng bé: “Vào phòng!”
Cố Hạo cúi người, xoa đầu thằng bé: “Cháu à, còn nhỏ lắm. Chị cháu đâu?”
“Cháu đi học rồi mà!” Thằng bé cầm lấy quai cặp, ưỡn ngực, “Chị cháu không có nhà.”
Cố Hạo lập tức hỏi: “Thế chị đi đâu?”
“Đến nhà người quen rồi.” Thằng bé nhanh nhảu đáp, lão Tô định lấy tay bịt miệng nó nhưng không kịp.
“Vào phòng mau!” Lão Tô đẩy thằng bé vào trong, “Bỏ cặp sách ra!”
Anh ta xoay người, đối mặt với Cố Hạo, thái độ như thể trên mặt viết dòng chữ “Còn việc gì không”. Cố Hạo không đợi anh ta kịp mở miệng, liền hỏi: “Đến nhà người quen rồi hả, khi nào thì cháu nó về?”
“Tạm thời không về nữa.” Lão Tô do dự một hồi, “Khi nào thi xong Đại học rồi tính.”
“Tại sao thế?”
Lão Tô bắt đầu cảm thấy phiền toái: “Điểm sàn ở đó thấp.”
Cố Hạo tiếp tục dò hỏi: “Ở đâu mà tốt vậy?”
“Miền Nam.” Lão Tô cầm lấy tay nắm cửa, “Lão Cố, tôi phải đi làm cơm đây.”
“Vâng, anh đi đi, làm phiền anh rồi.”
Lão Tô vội vã gật đầu, nhanh chóng đóng cửa lại.
Cố Hạo nhìn chằm chằm vào cánh cửa đang khép chặt ấy độ vài giây rồi từ từ trở về phòng. Ông ta lại ngồi xuống thành giường, châm một điếu thuốc, xem trận thi đấu khác đang được phát trên truyền hình.
Cuộc điều tra mạo hiểm đối với nhà họ Tô không hề khiến cho sự nghi hoặc trong ông giảm bớt, ngược lại, dấu hỏi trong lòng ông mỗi lúc một lớn dần. Biểu hiện của người nhà họ Tô rất bất thường. Bọn họ dường như đang chờ đợi điều gì đó, lo lắng điều gì đó. Đồng thời, có một chuyện gì đó khiến cho họ, nhất là cái thằng bé kia, cảm thấy hưng phấn. Tất cả điều này hẳn phải có liên quan đến sự mất tích của cô bé kia. Tuy Cố Hạo không rõ mối liên hệ ấy là gì, nhưng mà, có một việc mà ông rất chắc chắn– Lão Tô đang nói dối.
****
Suốt cả buổi chiều, Cố Hạo cứ ngồi suy diễn đủ mọi khả năng, rồi lại lần lượt phủ nhận chúng. Nghĩ đến mức phiền lòng, Cố Hạo liền bật cười. Nửa đời người làm cán bộ bảo vệ, ông đã quen với việc nghĩ mọi việc theo chiều hướng xấu đi. Trong khi bố mẹ người ta vẫn bình chân như vại, một ông hàng xóm như mình lại đi sốt ruột làm gì cơ chứ.
Suy cho cùng, do mình nhàn rỗi quá thôi.
Cố Hạo giận dỗi bước đến bên tủ lạnh. Trời sẩm tối, bụng ông bắt đầu đói. Lo lắng cho mấy chuyện giời ơi đất hỡi mà có bắn đại bác cũng không tới này, thà tự làm món gì đó để chiêu đãi bản thân còn sướng hơn.
Lấy ra một miếng thịt ba chỉ và vài củ khoai tây, cắm một nồi cơm. Cố Hạo bắt đầu bận rộn với công việc bếp núc. Ông ta xắt thịt ba chỉ thành từng miếng nhỏ, đợi mỡ trong chảo già mới bỏ thịt vào xào. Mùi thơm nồng nàn bốc lên. Cố Hạo lẩm nhẩm hát, nhanh tay bỏ hành, gừng, hồi hương(7) và hạt hoa tiêu(8) vào trong chảo, bỏ nước rồi đậy vung. Trong lúc bếp sôi ùng ục, ông ta cầm củ khoai tây lên để gọt vỏ.
Lúc này, cửa phòng 101 hé mở. Lão Tô bước ra trước, khịt khịt mũi, rồi nhìn về phía Cố Hạo đang đứng ở nhà bếp.
“Bác Cố đang làm cơm đó à?”
“Vâng.” Cố Hạo dùng con dao đang cầm trên tay chỉ về phía bếp, “Thịt kho khoai tây, anh thử miếng không?”
“Dạ thôi.” Lão Tô vội xua tay, “Bác cứ làm đi.”
Thằng bé xuất hiện sau lưng lão Tô, tỏ vẻ hưng phấn, giọng lanh lảnh: “Hôm nay nhà cháu đi ăn hàng!”
“Ồ.” Cố Hạo rướn cặp lông mày, “Nhà có chuyện gì vui đấy.”
“Có chuyện gì vui đâu bác.” Lão Tô cười khổ sở, “Thằng bé nói nhăng ấy mà.”
Người phụ nữ cũng bước ra, cẩn thận khóa cửa phòng. Trong ánh mắt cô ta vẫn không thể che dấu được nét bi thương, miễn cưỡng cười với Cố Hạo.
“Nào, nhà mình đi thôi.”
Dưới sự thúc giục không ngừng của thằng bé, ba người nhà họ nhanh chóng biến mất khỏi cánh cửa tòa đơn nguyên. Cố Hạo bỏ củ khoai tây đang gọt dở vào trong chậu nước, dựa lưng thành bếp, tay cầm con dao, nhìn vào nồi nước thịt đang sôi sùng sục trong chảo, cảm xúc bỗng nhiên trùng xuống.
****
Một cơm một món. Bát cơm óng ánh mềm dẻo, thịt kho giòn tan, khoai tây nhuộm màu nước thịt, tan ngay trong miệng. Thế nhưng Cố Hạo lại không thấy ngon miệng. Ông ta ngồi trước bàn ăn, tay bưng chiếc bát sứ, nuốt được mấy miếng là dừng lại để thở, cảm giác như có một tảng đá đè lên ngực. Bữa cơm than ngắn thở dài ăn được một nửa thì ngoài trời lại đổ cơn mưa.
Mới đầu chỉ lâm thâm vài giọt, mấy phút sau, mưa bắt đầu nặng hạt, rơi lách tách trên mặt kính cửa sổ. Cố Hạo nghe mà não ruột, đặt bát đũa xuống, châm một điếu thuốc, ngồi ngẩn ngơ nhìn ra ngoài cửa sổ.
Ông ta không phải không thích mưa, chỉ là mấy trận mưa dạo gần đây toàn đem đến những tin không vui. Ông ta lại nghĩ tới vụ án mà Thái Vĩ đang phá. Không biến ba người phụ nữ đáng thương kia đã được đem trở về bên cạnh người thân hay chưa. Những người đã chờ đợi từ rất lâu ấy, dù rằng trong long đã sớm có sự chuẩn bị, nhưng một khi nhìn thấy những thi thể bị thối rữa nặng nề, chắc hẳn đều sẽ cảm thấy trời đất như sụp đổ. Không rõ sống chết và biết là đã bị hại, cái nào sẽ khiến con người ta dễ dàng tiếp nhận hơn đây?
Cố Hạo dập tắt đầu thuốc.
Có lẽ là cái thứ nhất, bởi ít ra thì vẫn còn đó một tia hy vọng.
Hy vọng, như gần chạm tới, nhưng lại thật xa xôi.
Có thể gặp lại cô bé không nhỉ?
Trận mưa hôm nay đã cuốn theo tin tức về cô bé; Cuốn theo hai cái đĩa úp vào nhau; Cuốn theo hai miếng trứng rán; Cuốn theo cả những bông hoa dại treo trên nắm tay cửa. Cố Hạo không rõ những thứ này có ý nghĩa gì trong cuộc sống của ông ta. Một lão già sống được 60 năm, trải qua chiến trường, điều tra qua vụ án, tiếp xúc với nhiều loại người, sương gió phủ đời trai. Sự xuất hiện và biến mất của một cô bé, quả thực chẳng có nghĩa lý gì. Những ký ức trong gian bếp này, chưa thể coi là khắc cốt ghi tâm. Nhưng mà, Cố Hạo vẫn nhớ rất rõ bóng hình của cô bé khi ôm mặt khóc.
Sự gặp gỡ giữa người với người, có lẽ là như thế. Không có điềm báo, cũng chẳng được báo trước. Đôi khi, đến câu tạm biệt cũng không.
Ông ta thở dài. Bất luận ở đâu, cũng hy vọng đứa bé có sách để học, có cơm để ăn — Ở cái miền Nam có thể tồn tại, hoặc không ấy.
Tiếng mưa ngoài cửa sổ dần dần biến thành vòng hợp âm đơn điệu. Gió chiều chạng vạng khẽ lay, mang theo cái lạnh ẩm ướt. Da mắt Cố Hạo bắt đầu trùng xuống. Ông ta nhìn vào đống bát đũa chưa dọn dẹp trên bàn, do dự một hồi, cuối cùng đứng dậy, bước đến bên giường rồi nằm xuống. Gần như cùng lúc, cơn buồn ngủ rũ rượi ập đến, ông ta không cả cởi giày, lập tức rơi vào giấc mộng miên man.
Khi thức dậy, trời đã bắt đầu hửng sáng. Cảm giác uể oải lúc mới tỉnh khiến cho Cố Hạo vùng vẫy suốt một hồi trên giường rồi mới chịu bò dậy. Đôi chân bị giày siết chặt cả đêm bắt đầu sưng tấy. Ông ta ngồi bên thành giường, vừa bóp chân, vừa lắc lắc cái đầu nặng nề.
Ông ta không hề ngủ ngon, dường như nằm mơ suốt cả đêm qua. Nội dung mơ hồ chẳng rõ, chỉ nhớ là có người đang gọi mình. Sau khi tỉnh táo lại, thứ âm thanh đó lại trồi lên trong đầu ông cùng với những mảnh vỡ của mộng cảnh.
Là âm thanh của cô bé, đi chân trần, toàn thân lấm lem bùn đất, đứng ở cửa gọi hai tiếng ông Cố.