52 Nút thắt trong lòng Lãnh Khải Minh
“Chuyện gì thế ạ?” Tôi tò mò hỏi.
“Nó biến thành bộ dạng như bây giờ, cũng không trách được, bởi trong lòng nó có một nút thắt không thể gỡ bỏ.” Bố tôi đặt chén rượu xuống.
“Bố, có thể kể cho con được không?” Tôi gắp cho bố một ít thức ăn vào bát, rồi hỏi.
Bố nhìn tôi, đặt hai tay lên ngực, dựa lưng vào đầu giường rồi nói: “Khải Minh hồi nhỏ sống ở thôn La Sơn ở thành phố Vân Tịch của chúng ta, bố mẹ nó đều là nông dân bán mặt cho đất bán lưng cho trời, năm xưa nó còn có một đứa em trai.
“Chuyện xảy ra khi nó mới 10 tuổi, lúc ấy tình hình trị an ở chỗ chúng ta không được lạc quan, đi đâu cũng có đám lừa đảo và phường xưng bá, trộm cắp hoành hành, La Quảng Khôn – bí thư chi bộ thôn chính là một kẻ như vậy. Ngày xưa tranh cử cán bộ thôn, người nào có thế lực mạnh thì người đó trúng cử, cho nên vị trí bí thư chi bộ thôn ngày xưa cơ bản đều bị những gia tộc có thế lực lớn trong thôn bá chiếm.”
“Khi ấy nước ta khuyến khích nông thôn phát triển kinh tế theo hướng đa nguyên hóa, tập trung phát triển nông, lâm, gia súc gia cầm, thủy hải sản. Ở thôn chúng ta, nếu nói ba cái trước thì cơ bản đều có, duy nhất món “thủy hải sản” thì không được. Nhằm hưởng ứng lời hiệu triệu của nhà nước, La Quảng Khôn đã hạ lệnh, khai khẩn ruộng đất để nuôi cá. Nhưng lúc ấy mọi người đều không biết việc đánh bắt cá rốt cuộc có kiếm ra tiền hay không, lại còn cần kỹ thuật, cho nên nhiều dân làng không chịu đào ruộng làm ao nuôi cá.
“Nhưng tình hình lúc ấy không phải cứ nói một câu không muốn là được, trên huyện đặt chỉ tiêu cho từng thôn, tỉ lệ bao phủ ao cá trong thôn phải đạt đến một con số nhất định, nếu không sẽ lôi đầu La Quảng Khôn ra để hỏi. La Quảng Khôn trông thấy kết quả ấy liền nổi trận lôi đình, mềm mỏng không được thì phải cứng rắn, hắn không thể đem người thân trong nhà mình ra để chịu trận, chỉ có thể chọn những quả hồng nhũn mà bóp. Bởi vì gia đình của Khải Minh vừa mới chuyển đến, không phải dân làng chính cống, cho nên gia đình nó đã trở thành một trong những “quả hồng nhũn” được La Quảng Khôn lựa chọn.”
Nói đến đây, bố tôi lại nhấc chén rượu lên uống, lau miệng rồi nói tiếp: “La Quảng Khôn tính sẽ đem nửa số ruộng nhà Khải Minh để đào ao nuôi cá. Sự áp bức này đè lên đầu, bố mẹ của Khải Minh đương nhiên không đồng ý. Ai mà biết tên La Quảng Khôn này không chấp nhận sự từ chối của nhà họ, đem người đến cưỡng chế, bắt phải đào ao, lúc ấy bố mẹ Khải Minh kịch liệt phản kháng, cuối cùng bị chúng đánh cho trọng thương. Con nói xem một đứa bé mới 10 tuổi đang phải trông đứa em 6-7 tuổi, đối mặt với đám người không nói chuyện đạo lý thì có thể làm được gì? Nó không làm được gì cả. Cuối cùng ruộng nhà Khải Minh vẫn bị đào, nhưng mối hận này luôn chôn sâu trong lòng nó.”
“Đây khác gì hành động của đám súc sinh, chả nhẽ thời ấy không có vương pháp hay sao?” Tôi tức giận đập tay xuống bàn.
Bố tôi lắc đầu nói: “Thời ấy điều kiện lạc hậu, muốn đến đồn cảnh sát báo án phải đạp xe đi rất xa, vả lại dù Khải Minh có báo án, với thế lực của La Quảng Khôn ở trong thôn, ai dám đứng ra làm chứng?”
“Haizzz!” Tôi thở dài một cách bất lực.
“Vậy sau này thì sao ạ?” Tôi tiếp tục hỏi.
Bố tôi đặt đũa xuống, đáp: “Cái ao hồi ấy đã được xây xong, nhưng nhà Khải Minh lấy tiền đâu ra để nuôi cá cơ chứ, nên mấy cái ao ấy đành để không. Tính của bố Khải Minh khá quật cường, vừa khỏi bệnh là đi khắp nơi kiện cáo, hành động ấy đã khiến La Quảng Khôn bất mãn, kết quả hắn đã cho người đốt nhà Khải Minh, muốn dạy dỗ bố Khải Minh một bài học. Nhưng không ai ngờ rằng, bố mẹ của Khải Minh, cả đứa em trai nữa, đều bị chết cháy trong phòng, nếu như hồi đó không phải Khải Minh đang đi học, e là cũng khó thoát khỏi cái chết. Tuy cuối cùng La Quảng Khôn cũng bị bắt, nhưng người chết thì không thể sống lại được, Khải Minh khi ấy ngoài nhận được khoản bồi thường, thứ sót lại chỉ còn là mái hiên nhà trống không. Cũng chính vì chuyện này, mà Khải Minh trở thành bộ dạng như bây giờ” Bố tôi vừa nói vừa thở dài.
Nghe đến đây, trong lòng tôi cảm thấy thật khó chịu, tôi hỏi đi hỏi lại bản thân, nếu như thay bằng tôi, liệu tôi có thể vực dậy được không? Cuối cùng tôi đã hiểu tại sao Minh ca lúc nào cũng lạnh lùng như vậy, bởi trái tim anh ấy đã giá băng hoàn toàn rồi.
Bố nhìn tôi, không nói gì, còn miệng thì nhai thức ăn.
“Đừng nghĩ nữa, đều là chuyện quá khứ rồi, con tuyệt đối không được khơi lại vết thương lòng này trước mặt Minh ca là được.” Bố nhìn gương mặt ngơ ngác của tôi, lấy đũa gắp một quả trứng gà bỏ vào bát cho tôi.
Tôi định thần trở lại, nhớ ra một chi tiết, có chút nghi hoặc hỏi: “Bố, tại sao mỗi lần Minh ca nhìn thấy bố lại trở nên vui vẻ thế?”
“Cái này nói ra thì dài.” Nói đoạn bố đặt đũa xuống, nuốt đồ ăn trong miệng xuống bụng, kể: “Có thể sau khi Khải Minh bị kích động bởi chuyện gia đình, một lòng mong muốn sau này có thể trở thành cảnh sát, mang lại chính nghĩa cho những gia đình nghèo không có địa vị giống như gia đình nó. Nhưng hồi đấy khi nó làm cảnh sát không như con bây giờ, con có thể dựa vào kết quả thi tốt nghiệp để có thể trực tiếp vào được trường cảnh sát, lúc ấy khi muốn vào được trường cảnh sát thì bắt buộc phải có thư giới thiệu của thôn, sau đó báo lên huyện để phê chuẩn, phê chuẩn xong thì lại báo lên khu, thành phố để lập hồ sơ. Con cũng biết đấy, Khải Minh muốn làm cảnh sát, thì không qua được ải ở thôn, dù gì cũng vì chuyện gia đình nó, đã đắc tội một lần với cán bộ thôn, cho nên con đường này căn bản không đi được. Nhưng không phải là không có cách, bởi vì đội ngũ cảnh sát ngoài những học sinh tốt nghiệp trường cảnh sát ra, thì vẫn còn những vị trí khác, trong đó chắc chắn không thể thiếu pháp y. Thời điểm ấy, chỉ cần là sinh viên chuyên ngành pháp y, thì cơ bản có thể định hướng phân công vào Sở Cảnh sát. Và cũng vì thế, Khải Minh mới chọn học ngành pháp y tại Viện y học.
“Sau khi Khải Minh tốt nghiệp đại học, quả đúng như nó mong ước, bước chân vào đội ngũ cảnh sát của chúng ta, lúc ấy nó đi theo bố thực tập một năm. Nhưng thân phận của nó lúc ấy vẫn chưa được coi là cảnh sát, bởi nó còn phải đối mặt với việc chuyển ngạch chính thức, và cũng ở khâu thẩm tra chuyển ngạch này Khải Minh đã gặp phải vấn đề.”
“Vấn đề gì vậy ạ?” Tôi tò mò hỏi.
“Việc thẩm tra năm ấy cũng giống như thi công chức bây giờ vậy, phải điều tra lý lịch gia đình rất khắt khe, xem xem trong gia đình họ hàng có ai vi phạm pháp luật hay không, với hoàn cảnh của Khải Minh con nghĩ thôn sẽ cho qua sao?” Bố tôi đặt đũa xuống, có chút phẫn nộ hỏi.
“Chắc chắn là không rồi.” Tôi gật đầu đáp.
“Bố rất thương Khải Minh, nó đã chịu bao cay đắng, trong lòng bố hiểu rõ nhất. Suốt bốn năm đại học nó đều đi làm thuê cho người ta, thế mới trang trải được đến khi tốt nghiệp. Khi nó đến khoa bố thực tập, đêm ngày vùi đầu vào sách, có lúc ngồi trong phòng làm việc của bố cả đêm, nó chỉ mất 7 tháng, là đã đọc hết toàn bộ những bộ sách hình sự mà bố tích lũy suốt mười mấy năm làm nghề, bố có thể thấy khát vọng của nó đối với nghề cảnh sát này. Khi Khải Minh biết bản báo cáo này bắt buộc phải được Ủy ban thôn cấp, cả người nó như rơi vào tuyệt vọng. Bố cũng cảm nhận được sự bất thường của nó, nhưng nó cứ lầm lì, hỏi thế nào cũng không chịu nói. Bố thấy nó bướng bỉnh như vậy, cũng chỉ đành mặc kệ.
“Vào một đêm khi chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc kỳ thực tập, nó đã nhân lúc bố ngủ say, để lại một bức thư trong phòng làm việc, xách va-li định rời đi. Bố đã làm cảnh sát cũng đã hơn mười mấy năm nay, độ cảnh giác cũng cao hơn người bình thường nhiều, vào lúc Khải Minh mở cửa rời đi, bố đã tỉnh dậy và trông thấy nó. Thấy nó định rời đi, bố rất phẫn nộ, lúc ấy bị bố gặng ép mãi, nó mới chịu nói ra sự thật. Hồi ấy tính bố cũng hơi nóng, ngay sáng hôm sau, bố liền mặc quân phục, đeo súng rồi dẫn Khải Minh đến Ủy ban thôn La Sơn. Bố đã nghe ngóng, biết được tay bí thư của làng là họ hàng của La Quảng Khôn, sợ hắn làm hỏng chuyện, nên đã gọi điện cho huyện trưởng. Lúc ấy bố đứng trước mặt huyện trưởng nhận Khải Minh làm con nuôi, ai mà không viết báo cáo thẩm tra cho nó, bố sẽ là người đầu tiên phản đối. Lúc ấy bố còn đập cả súng lên bàn.”
“Bố, bố ngầu thật đấy!” Tôi giơ ngón cái về phía ông.
Bố tôi cười khà khà, tiếp tục nói: “Lúc ấy tên bí thư thôn ngu người luôn, ngoan ngoãn viết báo cáo cho bố.”
“Lúc ấy chắc Minh ca vui lắm nhỉ?” Tôi vui vẻ hỏi.
Bố nghe đến đây, liền thu nụ cười lại, nói với tôi: “Khải Minh lúc ấy đã bật ra một từ.”
Tôi trông thấy vẻ bất thường của bố, vội hỏi: “Từ gì thế ạ?”
Bố tôi kích động đáp: “Nó gọi ta bằng bố.”
Một chai rượu, tôi và bố đã uống đến tận khuya, chúng tôi đã nói rất nhiều chuyện, khi mẹ tôi về thì bà cũng biết ý không làm phiền hai bố con tôi. Trong đêm khuya, tôi nằm trên giường, tiếng côn trùng vo ve bên tai. Bố tôi và Minh ca, hai người này, trước đây trong lòng tôi vẫn chưa có một sự định vị chính xác, đến ngay bản thân tôi cũng không biết giữa mình với họ là thứ tình cảm gì. Trong đêm khuya, trong đầu tôi vẫn nhớ đến từng câu mà bố đã nói, một hạt giống của sự thấu hiểu và bao dung đang dần được ươm mầm trong tôi.
[Còn tiếp]