Đôi khi tôi lại nghĩ…
Trăng, chỉ là một hành tinh bình thường nhất trong vũ trụ bao la rộng lớn, thậm chí nó còn không phát sáng.
Rượu, chỉ là một loại chất lỏng làm tê liệt thần kinh, thậm chí nó còn là 1 trong 120 chất gây ung thư.
Hoa, chỉ là một cơ quan sinh sản của thực vật, thậm chí nó còn không sống được mấy ngày khi tách khỏi thân cây.
Nước bám trên quả chuối và tuyết rơi trên đầu cầu đâu có khác gì nhau, chúng chỉ là các hình thái khác nhau của nước thôi.
Xuân, hạ, thu, đông cũng không có gì đặc sắc, bởi vì hơn 4 tỷ năm nay chúng đã lặp đi lặp lại vô số chu kỳ luân phiên như vậy rồi.
Mây trên trời và sông núi biển hồ dưới mặt đất; tiếng chim hót và tiếng đàn, tiêu, bầu, sênh, cũng không có gì khác nhau.
Tôi không hiểu, tại sao cô đơn khó ngủ và yến tiệc hoan ca đều là những ngọn đèn đêm mãi không chịu tắt.
Có một người thầy lúc lên lớp từng nói với chúng tôi, “Các em không được bắt nạt người xưa, giờ họ không nói được nữa.”
Nhưng khi tôi mở sách ra, rõ ràng là họ vẫn đang nói liên miên không ngừng…
Sinh ở…Mất tại…Tên…Tự….Hiệu…
Say rượu rồi, họ xé nát cuốn Lịch sử Văn học dày cộm của tôi và nói, “Đừng nhớ những dòng khái quát khô khan này, hãy đọc thơ của tôi và cảm nhận!”
Trong chớp mắt đó, vô số giọng nói vang lên bên tai tôi.
Bắt đầu từ tám chữ.
“Chặt trúc, đẽo trúc.
Đất bay, đuổi thú.”*
*Thơ cổ: Miêu tả hành động săn bắn động vật thời xưa. Chặt trúc, đẽo trúc để làm súng cao su, lấy đất làm đạn để đuổi theo con mồi.
Sau đó là…
Quan xấu tham ô….Cha con một áo…Xương trắng phơi thây…..Đời ta há là kẻ tầm thường…Cầm rượu hỏi trời xanh…Đau đứt ruột nơi cùng trời cuối đất…Lão đánh cá đầu bạc trắng vốn đã quen bốn mùa nước chảy….Ngủ chung trên thuyền nghe tiếng mưa thu…*
*Trích nhiều tác phẩm thơ từ xưa đến nay.
Từng câu từng chữ vang vọng trong đầu tôi tạo thành một bản giao hưởng hùng vĩ.
Thì ra, họ đều là những người đã từng có cuộc đời riêng của mình, vui buồn khóc than tại chính thời đại của mình.
Nhưng đời người ngắn ngủi, như sương sớm chóng tan, gặp ngày nắng cháy lại càng nhanh.
Ngay cả thế giới này cũng có ngày kết thúc, huống chi là con người. Vậy, họ đang ca tụng, đang lên án, đang vui thích, đang ưu sầu vì cái gì?
Có phải là vì thời đại khác nhau, nhưng vui buồn lại chẳng khác nhau. Họ chỉ đang muốn người đời sau cảm nhận được tâm trạng của mình lúc đó.
Ngay khi đọc ra chữ đầu tiên thì họ đã muốn khắc cả tác phẩm của mình lên bia đá để được chia sẻ và thấu hiểu.
Càng tham lam hơn là, họ mong mỏi một người nào đó ở trăm ngàn năm sau đọc được. Hy vọng người đó biết được vui vẻ bi thương của mình, biết được đã từng có một người như thế tồn tại trên đời này.
Có thể là như vậy đi.
Tôi lật một trang sách, họ nói “không công danh, không nản chí, lại khiêu bấc đèn học thêm văn chương.”
Thêm một trang nữa lại biến thành sáng sớm tìm vui, nuốt ngàn ly vạn chén rượu cay. Tôi cũng thấy họ ngồi dưới gốc đào say thành bùn, khóe miệng nhếch nhẹ nhưng vành mi lại đầy nước.
Họ viết thật nhiều…
Họ không thể khiến khoảng cách của mình và người thương gần nhau hơn. Họ không thể dành một cái ôm ấm áp cho đứa trẻ đói khát. Họ lại càng không thể níu kéo được người cần đi phải ở lại.
Nhưng tôi có thể giúp họ sao?
Tôi đọc những lời họ lưu lại thì bản thân chỉ có thể càng thêm ưu thương, càng thêm điên cuồng so với họ lúc đó.
Nhưng họ vẫn khăng khăng bảo thơ văn của mình đang truyền đạt tư tưởng, truyền đạt đạo lý.
Tư tưởng gì? Đạo lý nào vậy?
Là an cư lập nghiệp, ăn ngon mặc đẹp, hay là nghệ thuật làm giàu và tập trung quyền lực?
Không phải, họ muốn tôi hiểu được…
Trăng không chỉ là trăng, rượu không chỉ là rượu, mà hoa cũng không chỉ là hoa.
Nước sông chảy qua núi đồi, mưa tuyết ngày gió sương, ngày đêm luân phiên bốn mùa, vạn vật có sinh có tử đều không phải vì trời đất bạc bẽo mà thành như vậy.
Đằng sau một ánh mắt, một tiếng thở dài, một bóng lưng lẻ loi là một câu chuyện xưa không người muốn kể.
Tuy bên ngoài mỗi linh hồn đều là một mảnh trời xanh, nhưng nội tâm ai lại chẳng có những vui buồn riêng biệt.
Sống không nhất định là nhẹ tựa lông hồng, mà chết cũng không nhất định là nặng tựa thái sơn.
Hành vi cư xử càng là trung, gian, thiện, ác khó phân.
Mọi thứ đều đang thay đổi, nhưng có những thứ lại không bao giờ thay đổi.
Người đặt bút xuống cũng là người cầm kiếm lên. Ánh kiếm chợt lóe, giết cả vạn người.
Vì sao cầm kiếm, vì ai cầm kiếm, lại vì cái gì mà buông kiếm, đúc kiếm thành cày.
Hoặc cũng có thể, họ chỉ đang muốn tôi trở thành một người khách qua đường thưởng thức ánh sáng lẫn bóng tối của thời đại khi xưa.