Thế nào là một mối quan hệ độc hại?

Khi bạn có một mối quan hệ mà cả hai hoặc một trong hai cố gắng làm tổn thương nhau, tạo cho nhau nhiều cảm xúc tiêu cực, chán ghét hoặc nghiêm trọng hơn là xảy ra tình trạng bạo hành cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.

Dấu hiệu của một mối quan hệ đầy sự toxic

1. Đối phương luôn khiến bạn cảm thấy mình là người có lỗi

Biểu hiện rõ nhất cho trường hợp này là đối phương luôn luôn ghi nhớ và nhắc lại về những lỗi lầm của bạn trong quá khứ, và mỗi khi hai người xảy ra vấn đề gì, câu cửa miệng của họ sẽ luôn là “Tại anh/em…”, “Sao anh/em lại làm như vậy”,…. Lâu dần, chính bạn sẽ tự nghi ngờ bản thân mình, mất đi sự tự tin vốn có, sợ sệt không biết liệu mình làm vậy có đúng hay không, và sẽ luôn bị dằn vặt bởi những nỗi đau trong quá khứ.

2. Bạn mất dần kết nối với xung quanh

Hãy thử nhớ lại xem, đã bao lâu rồi bạn chưa gặp mặt hội bạn thân, lần cuối cùng đi ăn với đồng nghiệp là khi nào, có phải là đã rất lâu kể từ khi hai người bắt đầu hẹn hò hay không. Nhưng tệ hơn, liệu người ấy có từng nói những câu kiểu “B trông có vẻ ăn chơi quá nhỉ”, “Đừng đi với C nữa, chỉ toàn đốt tiền thôi” với tần suất thường xuyên khiến bạn từ từ có cái nhìn không tốt với bạn bè của mình hay không? Nếu có, thì đây ắt hẳn là dấu hiệu cho thấy đối phương đang muốn cô lập bạn với thế giới xung quanh, khiến bạn hoàn toàn lệ thuộc cảm xúc vào họ.

3. Người đó kiểm soát mọi việc bạn làm

Bạn không thể nhuộm tóc, không còn mặc chiếc váy yêu thích, không được chơi game nữa,… và còn rất nhiều cái “không được phép” khác, chỉ vì người đó không thích. Bạn bị buộc phải đưa ra mật khẩu của các tài khoản MXH và dần cảm thấy quyền riêng tư của mình đang bị bóp nghẹt đến tận cùng.

Người đó kiểm soát hết tất cả những sinh hoạt thường ngày, và thậm chí là cả cảm xúc của bạn, nhưng lại bao biện dưới lý do rằng họ chỉ muốn tốt, vì họ yêu bạn, sợ đánh mất bạn, nhưng thật sự có phải như vậy không?

Câu trả lời là KHÔNG, đó chỉ là biểu hiện của sự ích kỷ và tính chiếm hữu quá mức mà thôi.

4. Bạn cảm thấy mệt mỏi khi nghĩ tới đối phương

Bạn chán nản khi phải nhìn thấy tin nhắn hay cuộc gọi từ đối phương, mong sao cho các cuộc hẹn nhanh chóng kết thúc. Bạn không thể ngủ vì biết rằng sáng mai sẽ phải gặp người đó, hoặc tủi thân khi thấy các cặp đôi xung quanh hạnh phúc với nhau và thường tự hỏi “Tại sao mình lại không được như họ”. Nếu bạn không nở nụ cười, không cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ về người ấy thì tốt nhất hãy xem xét lại về mối quan hệ này liệu có còn phù hợp nữa hay không.

5. Mọi vấn đề đều được giải quyết bằng vật chất

Cứ mỗi khi xảy ra cãi vã, hai bạn vượt qua nó bằng cách nào? Tập trung giải quyết vấn đề, tìm ra nguyên nhân hay là che đậy bằng những món quà đắt đỏ, những chuyến du lịch nhiều tiền. Có thể bạn không nhận ra, nhưng giờ đây chuyện tình của hai người đang dần trở nên “vật chất hóa” rồi đấy. Nhưng tiền bạc vốn không thể xóa nhòa hoàn toàn những “vết nứt” đang tồn tại trong một mối quan hệ, mà chỉ khiến cho vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn mà thôi.

Nên làm gì khi bản thân đang vướng vào một mối quan hệ độc hại?

Chỉ cần có nhiều hơn một trong số các dấu hiệu kể trên thì rất có thể bạn đang bị dính vào một mối quan hệ độc hại và những gì bạn cần làm là hãy cố gắng thoát khỏi nó ngay lập tức.

Cách tốt nhất để chấm dứt sự toxic trong tình cảm này là bạn phải tỉnh táo chấp nhận sự thật rằng rằng đối phương không phải là người phù hợp với mình, cắt đứt liên lạc (nếu có thể) và dành thời gian để trân trọng cũng như hồi phục lại bản thân. Nếu có thể, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người mà bạn tin tưởng như bạn bè, gia đình hoặc bác sĩ tâm lý để có thể giải tỏa nỗi lòng và lắng nghe lời khuyên từ họ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *