Ảnh: Một chút đáng yêu của Sử Việt
Ngoài những chuyện nổi tiếng như: Đi chơi bị du côn ném đá; say rượu suýt mất ngôi; trốn xăm trổ; gả cung phi cho Đoàn Nhữ Hài; nạp phi người Hồ, Anh Hoàng Trần Thuyên còn có vài việc làm thú vị:
1. Dùng chân cứu người chết đuối
Năm 1312, Anh Hoàng “dâng lễ thắng trận ở các lăng phủ Long Hưng.
Đến sông Thâm Thị, bỗng gặp mưa gió sấm chớp, ban ngày mà tối đen như đổ mực, trong khoảng gang tấc cũng không nhìn thấy nhau. Dây buộc thuyền đều bị đứt cả. Thuyền ngự chìm ở giữa dòng. Vua bám lấy mũi thuyền leo lên mui, đưa chân cho các cung nữ, nữ quan bám lấy để cùng leo lên mui. Các thuyền khác đều giạt sang bãi cát. Vua truyền chỉnh đốn lại nghi trượng để về kinh đô” (ĐVSKTT).
Anh Hoàng: Con trai làm từ bùn đất, con gái làm bằng nước
2. Nghiêm cẩn với bản thân & mọi người
– Không lạm chức tước: “Lúc còn trẻ, Anh Tông thích uống rượu, bị Nhân Tông răn bảo, từ đấy không bao giờ uống nữa. Ngài từng ban tước hơi nhiều cho các quan trong triều, Nhân Tông biết được, sai lấy sổ xem rồi ghi vào trong đó rằng, sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều như thế. Từ đó, Anh Tông càng thận trọng khi ban chức tước” (ĐVSKTT)
– Phi tần không được tiếm vượt: ““Huy Tư được phong làm Hoàng phi, khi đi theo hầu thì chưa được phép ngồi kiệu. Bảo Từ Thái hậu lấy kiệu mình vẫn đi ban cho bà, Anh Tông trách rằng, Bảo Từ có thương yêu Huy Tư thì cho thứ khác là phải, chứ cái kiệu ngồi thì theo điển chế cũ không thể cho được” (ĐVSKTT). Bà Huy Tư là con gái Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng, mẹ Thái tử Mạnh (Minh Tông). Bà Bảo Từ là con gái Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, thời Anh Tông còn tại vị thì không con.
– Không trọng dụng người nghiện rượu: “Nguyễn Quốc Phụ làm Nội thư chánh chưởng, là cận thần của Nhân Tông. Khoảng năm Hưng Long (tức niên hiệu của Anh Tông, có từ năm 1293 đến năm 1314), khuyết chức Hành khiển. Khi Anh Tông chầu Nhân Tông ở chùa Sùng Nghiêm, Nhân Tông nói rằng Quốc Phụ được đấy. Anh Tông thưa, nếu lấy ngôi thứ mà bàn thì được, chỉ hiềm hắn nghiện rượu thôi. Nhân Tông im lặng, rồi Anh Tông cũng không cất nhắc, Quốc Phụ cuối cùng vẫn giữ chức cũ cho đến khi chết” (ĐVSKTT). Anh Hoàng đã cai rượu nên có tư cách nói lời này.
3. Anh Hoàng dạy con
Chuyện kể rằng, vào năm 1305, Anh Hoàng “sắc phong hoàng tử Mạnh làm Đông cung Thái tử, vua làm lễ cầu an và ban bài Dược thạch châm”. Sử chép nhiều chuyện lý thú về vị vua này. Có một lần; Trần Mạnh (Minh Tông) nhai rất kỹ khi dùng cơm, Anh Hoàng thấy thế bảo rằng: “Nam nhi phải ăn như rồng nuốt, cọp cắn, cần gì phải nhai kỹ?”.
Hay có 1 lần, Minh Tông nghịch chiếc đèn ở Đông cung; vua đòi xem nhưng ông không dám dâng. Ngày khác vua đang rửa mặt, nhân nhắc lại chuyện cũ đã dùng chậu ném con. Trần Mạnh nép người vào cửa nên tránh được.
4. “Sư đã chết bao giờ đâu…”
Ngày 16 tháng 3 năm Canh Thân (1320), Thượng hoàng mất, thọ 44 tuổi (1276 – 1320). Những ngày Anh Hoàng ngả bệnh, bà Bảo Từ Thái hậu cho gọi nhà sư Phổ Huệ (cũng có sách viết là Phổ Tuệ) đến chùa Phổ Minh mở hội Quán đỉnh (Abhiseka), cầu Phật cứu độ cho Anh Hoàng mau khỏi. Nhưng rồi bệnh tình Anh Hoàng mỗi lúc một nặng thêm. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 39b) chép rằng :
“Anh Tông bệnh vừa chuyển nặng, Phổ Huệ xin được gặp để trình bày sự sống chết. Anh Tông sai người ra trả lời rằng:
– Sư hãy đến đây, ta chết rồi, Quan gia có sai bảo gì thì cứ việc làm. Còn như chuyện sau khi chết ra sao thì Nhà sư cũng chưa chết, biết sao được mà trình bày việc chết với ta”.
5. Hoàng đế thế nào, thần tử mới trung nghĩa như thế
Đặng Tảo đỗ Thái học sinh (tức Tiến sĩ), làm quan dưới triều Trần Anh Tông (1293 – 1314), rất được Nhà vua tin dùng nên luôn được hầu cận. Lê Chung tuy chỉ là gia nhi (tức tôi tớ) nhưng nhờ lòng thành và siêng năng chăm chỉ, nên cũng dược vua Trần Anh Tông rất mực thương yêu. Năm 1314, Anh Hoàng nhường ngôi cho con để lên làm Thái thượng hoàng, Đặng Tảo và Lê Chung cùng được ông cho theo hầu.
Năm 1320, ông lâm bệnh nặng, Đặng Tảo ngày đêm túc trực bên giường để sẵn sàng viết di chiếu, còn Lê Chung thì lo săn sóc mọi sự cho Thượng hoàng. Khi ông mất, vua Trần Minh Tông tự mình lo việc khâm liệm. Giúp việc hệ trọng này, ngoài Quốc phụ Thượng tể Trần Quốc Chẩn, vua cũng chỉ cậy nhờ thêm Đặng Tảo và Lê Chung mà thôi. Vậy mà an táng xong xuôi, Đặng Tảo và Lê Chung không màng đến ân thưởng. Cả hai cùng dọn nhà đến Yên Sinh để trông nom lăng tẩm của Anh Hoàng.
Hằng năm, vua Trần Minh Tông đều về bái yết lăng tẩm, nhưng lần nào Đặng Tảo và Lê Chung cũng lánh mặt, chẳng hề kể công để xin riêng điều gì. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 6, tờ 40 a) chép rằng :
“Vua thương Tảo nghèo, ban cho hai mươi mẫu ruộng, sai quan là Trần Thế Hưng mang giấy đến cho. Ruộng này, do trước đã ban cho Thứ phi của vua là bà Thiên Xuân nên bà Thiên Xuân cứ giữ lấy giấy cũ mà cày cấy, vậy mà Tảo cũng không tranh chấp. Thế Hưng hay được, liền tâu thực với vua. Vua lập tức thu giấy của Thiên Xuân, đem ruộng ban cho Tảo, vậy mà Tảo cũng chẳng lấy làm mừng. Lê Chung thì dời hết cả mồ mả tổ tiên, bán hết gia tài điền sản, đem gia quyến vợ con đến Yên Sinh, chôn cất và làm nhà ở đấy. Cả hai người đều ở Yên Sinh cho đến lúc mất”.
Nguồn: Chuyện các vị vua Việt Nam, Lê Thái Dũng