CÔNG CHÚA NGỌC HOA – NÀNG DÂU VIỆT ĐẦU TIÊN TRÊN ĐẤT NHẬT

Chuyện tình yêu của Công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sotaro đã trở thành giai thoại đẹp, được lưu truyền rộng rãi tại tỉnh Nagasaki cho tới tận ngày hôm nay. Hàng năm, người dân địa phương vẫn tổ chức lễ hội tái hiện lại buổi rước cô dâu nước ngoài đầu tiên về Nhật Bản này.

Mối tình đẹp giữa công chúa và thương nhân

Công chúa Ngọc Hoa tên thật là Nguyễn Phúc Ngọc Hoa, con gái nuôi của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Năm 1619, Công chúa Ngọc Hoa gặp Araki Sotaro, 1 thương nhân nhân người Nhật tới Việt Nam để buôn bán. Ông Araki Sotaro vốn là võ sĩ đạo, sau chuyển hướng sang kinh doanh và lấy thêm tên tiếng Việt là Nguyễn Thái Lang.

Sau cuộc gặp gỡ của đôi bên, cả 2 đã nhanh chóng phải lòng nhau. Vì thế, 1 thời gian sau, Chúa Sãi đã quyết định gả con gái cho vị thương nhân người nước ngoài này. Tới năm 1620, Công chúa Ngọc Hoa theo chồng về nước. Ngay từ ngày đầu trở về quê chồng, Công chúa Ngọc Hoa đã nhận được tình cảm yêu mến từ những người ở đây, họ đã tổ chức 1 lễ rước rất linh đình và long trọng để chào đón bà.

Công chúa Ngọc Hoa nhận được rất nhiều tình cảm yêu mến từ người dân bản địa

Chỉ 1 thời gian ngắn sau khi tới Nhật Bản, Công chúa Ngọc Hoa đã rất được lòng dân chúng tại đây. Chẳng những đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh, bà còn không ngại giúp đỡ những người xung quanh. Công chúa rất tích cực tham gia vào việc tạo điều kiện, giải quyết những khó khăn mà mọi người gặp phải trong việc giao thương với Việt Nam. Vì thế, người dân tại tỉnh Nagasaki, nơi vợ chồng bà sinh sống đều kính trọng và yêu mến bà hết mực.

Trong thời gian sinh sống tại đây, Công chúa đã cùng chồng điều hành công việc kinh doanh trung tâm thương mại, bà chủ yếu chịu trách nhiệm về các vấn đề sổ sách, giấy tờ. Bà đồng thời cũng là người có công lớn trong việc thúc đẩy giao thương của Nhật Bản với triều đình Nguyễn, ngay cả sau khi chồng bà đã qua đời.

Biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Nhật

Không ít người cho rằng Công chúa Ngọc Hoa chính là biểu tượng của tình hữu nghị Việt – Nhật, đồng thời bà cũng là người tạo ra ảnh hưởng không nhỏ với người dân tại Nagasaki và đưa những ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam tới nơi này. Thậm chí, khi bà mất đi, việc giao thương giữa 2 nước cũng đã bị gián đoạn 1 thời gian dài sau đó.

Nhiều thế kỉ sau, để tưởng nhớ công ơn của Công chúa Ngọc Hoa, Hội An đã quyết định đặt tên cho 1 con đường tại nơi này theo tên bà. Còn ở quê chồng bà, tỉnh Nagasaki, Nhật Bản, lễ hội Kunchi tái hiện lại cảnh rước dâu năm nào vẫn kéo dài suốt mấy thế kỉ cho tới tận ngày nay. Lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 7-9/10 hằng năm.

Công chúa Ngọc Hoa đã sống tại Nhật Bản vô cùng hạnh phúc bên chồng cùng con gái. Năm 1645, 26 năm sau khi được gả tới Nagasaki, bà đã qua đời trong ngày giỗ thứ 10 của ông Araki Sotaro. Chùa Đại Âm Tự là nơi an nghỉ cuối cùng của bà, bên ngoài chùa có dựng 1 bảng tiểu sử ngắn gọn về cuộc đời của vợ chồng bà.

———————-

TÊN GỌI CỦA CÔNG CHÚA NGỌC HOA

Về xưng vị Công chúa Ngọc Hoa, cho đến nay vẫn còn chưa có sự thống nhất. Khi chưa xuất giá, Công chúa là con gái nuôi của Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, Nhân Quốc Công của triều Lê Trung Hưng. Vậy nên theo lý mà nói, bà chỉ được gọi là Công Nữ.

Nhưng sau này, Chúa Sãi lại được truy tôn làm Vương, như vậy Công Nữ Ngọc Hoa sẽ cần đổi thành Vương nữ Ngọc Hoa, hoặc Công chúa Ngọc Hoa.

Khi đã lấy chồng, bà được người Nhật gọi là Wakaku, âm Hán là Vương Gia Cửu.

Ngoài ra, Công chúa Ngọc Hoa còn được gọi là Anio-Hime. Nhiều người cho rằng bởi bà hay gọi chồng là “Anh ơi” nên người ta dần chuyển cách gọi này sang tiếng Nhật, trở thành Anio.

Theo: Tìm hiểu Lịch sử Việt Nam

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *