1. Bà Lê Quát: Có công mài sắt có ngày nên kim
Lê Quát, tự Bá Đạt, hiệu Mai Phong, người Thanh Hóa, nổi tiếng về tài thơ văn, ghét mê tín dị đoan. Năm 1314 đời Trần Minh Tông, ông đỗ Thái Học Sinh, sau làm đến Thượng thư, Nhập nội Hành khiển (tể tướng).
Lê Quát, còn gọi là Trạng quét do nhà nghèo phải quét chợ để kiếm sống. Vì 1 hiểu lầm, ông cưới được tiểu thư con nhà quan. Làm dâu nhà hàn vi, bà tần tảo phụ mẹ chồng nuôi chồng ăn học. Tương truyền, do tối dạ, thầy đồ gọi bà đến trả ông về. Trên đường về nhà, ông bà gặp 1 cụ già đang mài sắt thành kim, bà dùng hình ảnh đó để động viên ông học tập. Hiểu nỗi khổ tâm của vợ, ông quay lại xin thầy cho học.
2. Bà Trần Thị Chìa: Nuôi chồng cả đời, bạc phước vô phần
Vũ Tuấn Chiêu còn có quê gốc ở làng Xuân Lôi, xã Cổ Ra (nay thuộc xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, Nam Định). Tuy ông có mặt mũi khôi ngô nhưng học hành tối dạ, hơn 10 năm đèn sách, tuổi đã ngoài tứ tuần mà học vẫn không tiến bộ, ngày ngày vẫn cắp sách đến lớp, ngồi học cùng đám hậu sinh tóc còn để chỏm nên có lúc lấy làm chán nản. Vợ ông là bà Trần Thị Chìa biết chồng học hành kém cỏi nhưng vẫn kiên trì khuyên nhủ chồng cố gắng dùi mài kinh sử. Có lần thầy giáo gọi bà đến trả chồng về, không cho học nữa vì kém quá, để làm ruộng còn hơn; bà Chìa đã lấy hình ảnh nước chảy làm mòn cột chống cây cầu đá bắc qua con nước gần làng để động viên chồng kiên trì, chăm chỉ sẽ làm nên.
Nghe lời vợ, Vũ Tuấn Chiêu xin thầy cho ở lại học tiếp, quyết chí học hành để không phụ công ơn dạy dỗ của thầy, của vợ. Từ đó, trong vòng 5 năm, bà Chìa tuy tóc đã hoa râm, lưng còng vì gánh nặng việc đời vẫn đều đặn gồng gánh đem gạo, mang dầu thắp đèn từ nhà đến nơi trọ học cho chồng cho đến khi lâm bệnh mất, năm đó Vũ Tuấn Chiêu đã gần 50 tuổi. Sự thành đạt của ông sau này có đóng góp không nhỏ của người vợ hiền.
Trong lịch sử Việt Nam, Vũ Tuấn Chiêu cũng là một trong ba vị trạng nguyên già nhất, những người này đều đỗ khi đã 50 tuổi. Ngoài ông ra còn có Nguyễn Đức Lượng, người xã Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc Thanh Oai, Hà Nội) đỗ Trạng nguyên khoa thi năm Giáp Tuất (1514) đời Lê Tương Dực và Nguyễn Xuân Chính, quê ở làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (này là Tiên Sơn, Bắc Ninh), đỗ Trạng nguyên khoa thi năm Đinh Sửu (1637) đời Lê Thần Tông.
Sau khi đỗ đạt, Vũ Tuấn Chiêu làm quan đến chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Lại bộ Tả thị lang. Để có người lo cửa nhà, Vũ Tuấn Chiêu đã tục huyền với bà Nguyễn Thị quê ở làng làng Chèm (xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội); ông bà sinh được 4 người con trai.
Vũ Tuấn Chiêu mất ngày 29 tháng 8, phần mộ táng tại xứ Đồng Xù, xã Phú Xá, huyện Từ Liêm (nay thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ). Triều đình truy phong là “Tuấn lương Quang ý tôn thần”, sau gia tặng thêm làm “Dực bảo Trung hưng, Linh phù tôn thần”.
Hiện, tại nhà thờ chính của Vũ Tuấn Chiêu ở xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định còn có bia ghi hành trạng và 17 đôi câu đối ca ngợi sự thành đạt và công lao của ông đối với dân với nước. Trong đó có câu: “Hồng Đức văn chương khôi nhất giáp/Xuân Lôi trở đậu lịch thiên thu”. Nghĩa là: “Đời Hồng Đức văn chương nêu nhất giáp/Đất Xuân Lôi thờ cúng nghìn thu”.
3. Bà Đồng Đắc: Suýt về nhà mẹ đẻ
Đồng Đắc, quê Hải Dương đỗ Tiến sĩ năm 1568 đời Mạc Mậu Hợp; ông là em Hoàng giáp Tiến sĩ Đồng Hãng. Khi anh đã làm quan trong triều, ông chỉ là Sinh đồ nên chán nản. Bà Đồng Đắc thấy thế thì bảo:
– Nếu ông không chăm học để đỗ cao thì tôi xin quy ninh. Trong nhà 2 chị em dâu, người thì chồng đỗ cao, người thì chồng chỉ là Sinh đồ, tôi bị người trong họ nói, nhục không chịu nổi.
Quy ninh nghĩa là con cái đã có chồng về nhà thăm cha mẹ, ý bà muốn về nhà mẹ nếu ông cứ sa sút thế này. Ngẫm lời bà, ông thấy đúng, nỗ lực nấu sử sôi kinh để ra thành quả này.
4. Bà Trần Văn Trứ: Lạy cha mẹ chồng xin về nhà mẹ
Trần Văn Trứ quê Hải Dương, ông nổi tiếng thanh liêm nhân hậu. Ông đỗ Hoàng giáp năm 1743, làm Hàn lâm Đãi chế. Ông đỗ Hương cống từ trẻ nên đâm ra kiêu ngạo, chểnh mảng học hành. Cha ông làm quan trong triều lần răn dạy, vợ ông mấy bận khuyên nhủ nhưng ông vẫn chứng nào tật nấy. Bà thấy vậy bèn lạy tạ cha mẹ chồng, làm lễ từ tạ trước gia tiên nhà chồng để về nhà ngoại. Biết chuyện, ông hối hận lo tu chí học hành, đỗ đạt và đón bà về nhà.
Người đời cho rằng, thành công của ông không rời đi lời dạy bảo của cha mẹ; lời khuyên và hành động quyết liệt của bà.
Nguồn: Những câu chuyện thú vị, Lê Thái Dũng