Thời Lê Thần Tông, có một hoàng thân tên Lê Duy Lễ. Do mẹ ông quê huyện Thượng Phúc, làng Vũ Lăng nên ông được phong Vũ Lăng Hầu. Ông là người thích thơ văn, ngao du thiên hạ chứ không tham gia chính trị.
Tình cờ, ông gặp bà Đặng Ấu Mai và ông bà yêu nhau. Thế nhưng, bà được tuyển vào cung làm cung phi. Năm 1662, Lê Thần Tông qua đời, các cung nhân không con phải đến hoàng lăng chăm lo hương khói cho ông. Bà Đặng Ấu Mai cũng thế, cho nên ông Vũ Lăng Hầu muốn gặp tình cũ đã làm một chuyện táo tợn.
Hoàng thân nấp vào cái hòm hai đáy đựng thức ăn để trà trộn vào phòng của người tình. Sự việc bị phát giác, Vũ Lăng Hầu bị xử tội lăng trì; người cung phi chịu tội tứ mã phanh thây. Bản án được lập năm Dương Đức thứ 1 (1672) đời Lê Gia Tông và Hoằng Tổ Nghị Vương Trịnh Tạc.
Theo Quốc triều Hình luật, điều 8, chương Thông gian: “Kẻ nào gian dâm trong cung cấm thì bị xử tội chém. Kẻ đương có tang cha hay chồng mà gian dâm cũng xử tội này”. Triều Lê Thánh Tông có tiền án Nội quan gian dâm với cung nữ và bị xử tội chém. Nhưng ở đây, một vị hoàng thân lại bị lăng trì. Trong khi có lệ “Nghị thân” và họ có quyền nộp tiền chuộc tội.
Chuyện này được người nước ngoài chép như sau: “Khi em tôi ở triều đình Đàng Ngoài, cậu ấy đã chứng kiến sự trừng phạt nghiêm khắc đối với một cung phi bị bắt quả tang thông dâm với một vị hoàng tử… Ở các xứ phương Đông, có một tục lệ rằng khi vị vua chết đi thì người ta để tất cả những người đàn bà từng phục vụ vua khi còn sống đến một khu hẻo lánh cuối hoàng cung. Người ta cấp cho mỗi người hai cô thị tì để hầu hạ. Họ ăn uống một mình và cách biệt như vậy, chẳng nhìn thấy ai cho đến khi chết. Người ta chẳng biết một vị hoàng thân là em họ nhà vua đã dùng phương tiện gì và mưu mẹo nào mà trước đây đã trông thấy một cung phi của nhà vua đã mất vốn là bác ruột của hoàng thân này. Hoàng tử đã dùng một mưu mẹo mà khó ai khám phá được”.
(Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, Jean Baptiste Tavernier)
Vụ án này đã là cảm hứng cho nhà văn Nguyễn Triệu Luật (1903 – 1946) sáng tác Hòm đựng người (in năm 1938).
Tuy được tiểu thuyết hóa nhưng vụ án đã cho thấy đoạn trường ca của người cung phi góa bụa không con:
Luân vương lắm nỗi lạ thường
Nén sầu nuốt thảm nuốt thương ta cười
Cười thôi nhé! Ai đừng rũ rượi
Bóng thiều quang có đợi mình đâu
Can chi chuốt thảm mua sầu
Đời chi để nhuộm những mầu khóc thương!
Nguồn:
– Giai thoại Thăng Long, Vũ Ngọc Khánh
– Những câu chuyện lạ kỳ, Lê Thái Dũng,NXB VH TT, 2013.