Mọi người biết mình bị cận khi nhìn các vật ở xa bị mờ, vậy mọi người có biết tại sao mình bị cận thị không?
Cận thị xảy ra do trục nhãn cầu quá dài cũng có thể do thể thủy tinh hoặc giác mạc quá cong. Vì vậy ảnh bị hội tụ trước võng mạc dẫn đến ảnh bị mờ (mọi người có thể hiểu rõ hơn khi xem ảnh minh họa).
Vậy cận thị ảnh hưởng thế nào đến mắt?
Khi tăng độ thì trục nhãn cầu sẽ dài ra, khi đó võng mạc sẽ dãn ra nhưng các tế bào ở võng mạc lại không thể sản sinh thêm. Để bạn dễ tưởng tượng hãy nghĩ đến trường hợp khi bạn thổi bóng bay, khi bạn thổi càng to, bóng sẽ càng dãn ra và đến một mức độ nào đó nó sẽ bị rách. Và võng mạc cũng như vậy!
Vì vậy khi cận thị càng cao, nguy cơ biến chứng của võng mạc càng tăng và nó cũng có thể dẫn đến mất thị lực và nặng nhất là mù.
Liệu mổ cận có phải phương pháp tốt nhất?
Với mổ cận bạn sẽ tác động đến giác mạc để ảnh có thể ở đúng võng mạc mà không cần sử dụng kính, tuy nhiên mổ cận không thể làm cho trục nhãn cầu ngắn lại! Vì vậy những biến chứng do cận thị gây ra vẫn luôn còn đó!
Mổ cận khi độ bạn đã ổn định sẽ giúp bạn có thể rời xa kính cận, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên bạn cần ưu tiên bảo vệ mắt mình để giảm thiểu việc tăng độ hiệu quả nhất có thể, đặc biệt là với các em nhỏ khi độ cận vẫn còn tăng rất nhanh.
Vì vậy để bảo vệ mắt hãy cố gắng ngăn chặn tiến triển cận thị, cũng như dù sau khi độ đã ổn định thì khám mắt định kỳ để bảo vệ mắt trước các biến chứng do cận thị là cực kỳ cần thiết!
Nguồn: WEBVISION The Organization of the Retina and Visual System