Sa mạc Chile – bãi rác của ngành thời trang

Bạn có biết quần áo cũ đi đâu hay không ? Từ lâu, Chile đã là trung tâm của những món quần áo cũ hoặc không bán được. Đa phần chúng được sản xuất tại Trung Quốc, Bangladesh và sau đó thì được bày bán tại các cửa hàng châu Âu, châu Á hoặc Mỹ. Nếu không bán được, chúng sẽ được đưa đến Chile để rồi cuối cùng bán lại cho các nước Mỹ Latin khác. Ước tính có khoảng 59,000 tấn quần áo cập cảng Iquique, miền Bắc Chile mỗi năm. Trong đó, có ít nhất 39,000 tấn quần áo ế sẽ nằm yên trong những bãi rác sa mạc.

“Quần áo này đến từ khắp nơi trên thế giới” – Alex Carreno, một cựu nhân viên trong khu nhập khẩu của cảng cho biết. “Những gì không bán được không thể chuyển đến các nước khác, cuối cùng sẽ nằm yên trong sa mạc”.

Thế là một bãi rác với hàng núi quần áo bị vứt bỏ như áo len, giày trượt tuyết nằm chất đống trong sa mạc Atacama ở Chile. Sa mạc được mệnh danh là nơi khô cằn nhất thế giới đang bị ô nhiễm trầm trọng bởi ngành thời trang nhanh gây ra.

Franklin Zepeda, người sáng lập EcoFibra – một công ty sản xuất tấm cách nhiệt bằng cách tận dụng quần áo bỏ đi cho biết: “Vấn đề là quần áo không thể tự phân huỷ sinh học và có các sản phẩm hoá học. Vì thế chúng không được chấp nhận trong các bãi rác của thành phố.”

Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc vào năm 2019, sản lượng quần áo toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 2000 đến 2014. Ngành công nghiệp thời trang may mắc phải “chịu trách nhiệm cho 20% tổng lượng nước thải trên toàn cầu.” Được biết, để sản xuất một chiếc quần jean, người ta phải tiêu tốn đến 7,500L nước.

Trên thực tế, quần áo dù làm từ chất liệu tổng hợp hay xử lý bằng hoá chất đều cần đến 200 năm để phân huỷ sinh học. Chúng độc hại như lốp xe hoặc đồ nhựa vậy. Tuy nhiên, không phải tất cả quần áo đều bỏ đi, một số người nghèo ở khu vực 300,000 dân sẽ băng qua hành trình dài đi qua các bãi rác để tìm những thứ họ cần hoặc có bán đi trong khu vực lân cận.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *