Những người khiến hậu thế ngưỡng mộ với câu chuyện tình của họ.
1.Thiên Thành công chúa
Nữ chính của drama cướp dâu chấn động cung đình mà nếu là thời bây giờ kiểu gì bà và Trần Hưng Đạo cũng phải livestream giải trình vụ việc.
Cho những ai chưa biết, thì hai người có tình ý với nhau nhưng công chúa bị gả cho người khác. Cậu thanh niên Trần Quốc Tuấn thấy thế không chịu được, bèn nhân một ngày trước thềm đám cưới, công chúa đang ở phủ một mình thì ông quyết định…parkour (chắc là trèo tường hay gì đó mà đám lính canh không nhận ra) rồi cứ thế xông vào phủ nhà chồng người ta (sử thì dùng chữ “thông dâm”, nhưng mà tui để đây thôi, không biết đâu nhé).
Công chúa gặp được người yêu như cá gặp nước, nghĩ ngay ra cách, cho một người hầu chạy về phủ Thụy Bà công chúa (cô ruột Hưng Đạo vương) báo tin. Sợ cháu mình làm sao, bà mới chạy vào khóc lóc với vua, kiểu xin lỗi cháu tui lỡ nghịch dại, xin nhà vua cho lính đến đón cháu nó về kẻo người ta giết nó mất.
Vua hoảng hồn, cho ngay lính đến áp giải (thực ra là hộ tống) Quốc Tuấn về. Hôm sau Thụy Bà công chúa dâng 10 mâm vàng, tạm làm sính lễ hỏi Thiên Thành công chúa cho Quốc Tuấn. Chuyện lỡ rồi, vua không còn cách nào khác, nhận lễ và bồi thường một khoản kha khá cho nhà vừa bị mất dâu kia.
Thế là Hưng Đạo vương vừa thoát tội vừa lấy được người mình yêu. Kể ra chị em nào yêu được người vừa giỏi vừa si mê mình thế này thì cũng thích nhỉ?
***2.Công nữ Ngọc Hoa ***
Là con gái chúa Nguyễn, số lấy chồng ngoại. Hồi đó có một senpai tên là Araki Sotaro ở Hội An làm nghề thương nhân, nổi tiếng lắm, đến mức gặp được cả công nữ cơ mà, chứ người thường làm gì có cửa gặp gỡ chứ đừng nói là yêu. “Mây tầng nào gặp mây tầng đó” cả.
Hai người có cảm tình với nhau, chúa Nguyễn thấy thế gả luôn. Làm đám cưới xong là ông đưa vợ về Nhật, lấy tên mới cho vợ là Wutaku nhưng mọi người thì hay gọi là Anio-san vì hồi mới sang, công nữ chưa thạo tiếng Nhật nên gọi chồng “Anh ơi, Anh ơi” (ỏ dễ thương). Sau này các cô gái xinh đẹp, dễ cưng cũng được gọi bằng cái tên này.
Công nữ cùng làm công việc kinh doanh với chồng, là liên kết quan trọng Việt- Nhật thưở ấy, xúc tiến, bồi đắp mối quan hệ hai nước, tạo điều kiện cho thương nhân hai nước qua lại,… Vợ chồng hòa hợp, cuộc sống hạnh phúc, được nhân dân mến yêu.
Sau này, khi chông mất, bà vào chùa xuất gia. Trùng hợp thay, ngày bà mất cũng cùng ngày cùng tháng với chồng. Phải chăng là “dù không gặp từ đầu nhưng sẽ đi cùng nhau đến kết thúc”?
***3. Thiên Cảm hoàng hậu ***
Tóm tắt thì, bà đã gặp và yêu Thái tử Trần Hoảng. Nhưng bà là con gái của Trần Liễu, người có mối thù với hoàng tộc vì bị cướp vợ (chính là vụ phế Chiêu Thánh hoàng hậu để đưa Thuận Thiên, khi ấy là vợ Trần Liễu, vào cung), và cũng không phải đích nữ, nên việc được chọn làm Thái tử phi gần như là không thể.
Thấu hiểu tình cảnh ấy, hai người quyết định…”ăn cơm trước kẻng”. Dựa vào các mốc thời gian trong chính sử, thì bà đã được sủng hạnh trước rồi mới được phong làm Thiên Cảm phu nhân, tức vợ chính thức của Thái tử. Sau đó bà được phong làm Hoàng hậu, sinh ra Hoàng trưởng tử Trần Khâm. Cả chồng và con bà đều là những vị minh quân, có công với nước Việt.
Tình duyên thành công ghê ta ơi.
Nhân tiện, bà là em gái Trần Hưng Đạo. Độ chịu chơi của hai anh em nhà này đúng là không ai sánh bằng.
4. Nàng Vân
Chuyện kể rằng, khi ấy quân giặc sang xâm lăng, Yết Kiêu đã gặp nàng Vân, một cô gái lái đò. Nàng là con gái một vị tướng già ở ẩn, cả hai cha con đã hết sức giúp đỡ Yết Kiêu chống giặc.
Yết Kiêu và cô gái ấy có thề thốt những câu như “chờ tan giặc, sẽ nên vợ chồng” hay “nàng chờ ta, sẽ đến lúc ta hỏi nàng về dinh” không? Có lẽ là có, đó là những câu mà các cặp tình nhân thường nói. Nhưng chiến tranh mà, trong một trận đánh, nàng Vân đỡ hộ người yêu một mũi tên rồi qua đời, mang theo cả chuyện tình dang dở.
Đó là lí do vì sao cả đời Yết Kiêu không lấy vợ, dù có nhiều bóng hồng ngấp nghé, như công chúa An Tư, quận chúa Đinh Lan, công chúa Ngọc Hoa nước Nguyên.
Dù buồn, nhưng sưởi ấm trái tim những người đã nghe qua nó. Ở thời mà nam nhân có thể năm thê bảy thiếp, mấy người được như Yết Kiêu, mà huống hồ người trong mộng đã chết… Dù số mệnh ngắn ngủi, nhưng có lẽ nàng Vân cũng đã hạnh phúc vì gặp được và hi sinh vì một người xứng đáng.
Câu chuyện này làm mình nhớ tới một câu thoại nổi tiếng trong Hotel Transylvania: “You only zing once…”
Theo: Thoại Sử Đàm Lâu