Tuổi trẻ ba “KHÔNG”: Không tiền tài, không kinh nghiệm, không tích lũy; nhưng lại là…

THĂNG TIẾN TRONG SỰ NGHIỆP: NGHĨ ĐÚNG ĐỂ THÀNH CÔNG

Phần 1: BẮT ĐẦU VỚI BÀI TOÁN SỰ NGHIỆP

1. Lấy số tuổi nghỉ hưu là trừ đi số tuổi của bạn, kết quả là số năm bạn còn tính đến khi nghỉ hưu. Tất nhiên, không ai nghỉ hưu sớm hơn, hầu hết mọi người đều sốc với con số này. Nếu bạn vào độ tuổi 25-30, bạn có khoảng 35 năm tới khi sự nghiệp của bạn kết thúc. Nếu bạn 40 tuổi, thời gian còn lại của bạn vẫn còn hơn một nửa số năm đến khi nghỉ hưu.

2. Bạn mất bao nhiêu giờ để trở nên xuất sắc ở một lĩnh vực nào đó?

Trong cuốn sách Outliers (Những kẻ xuất chúng), Malcolm Gladwell đã nghiên cứu về các ngôi sao ở nhiều lĩnh vực như thể thao, âm nhạc, nghệ thuật và kinh doanh. Ông ước tính mất khoảng 10.000 giờ nỗ lực, rèn luyện và thực tập để trở nên xuất sắc. Điểm mấu chốt là tài năng vốn có là không đủ. Chỉ số IQ, khả năng bẩm sinh, biệt tài không phải là vấn đề, cần để thành công cần phải làm việc cần mẫn và siêng năng.

3. Bạn tích lũy được bao nhiêu phần trăm tài sản sau tuổi 40?

Đa số mọi người cho rằng khoảng 60%. Những người trẻ tuổi thường đoán con số là 40%. Câu trả lời thực sự là 90%. Phần lớn tài sản của bạn có được sau tuổi 40. Lý do rất đơn giản. Thứ nhất, như ta thấy ở câu hỏi đầu tiên, trước 40 tuổi, bạn có nhiều thời gian hơn sau 40 tuổi và ở giai đoạn đó công việc của bạn thường có lương cao. Thứ hai, bạn thích kết quả quyền lợi kép mang lại. Và thứ ba, chi phí sinh hoạt ngày càng giảm khi các khoản thế chấp mua nhà và phí nuôi dưỡng con cái bớt dần. Thật ra tài sản cá nhân có thể sụt giảm vào những năm sau này (nhất là khi bạn 80 tuổi vì các chi phí y tế), thế nhưng điểm mấu chốt là phần lớn sản nghiệp của bạn sẽ được tạo ra vào những năm sau tuổi 40, 50, thậm chí là 60. Đa số đều quên mất điều này.

4. Bạn có bao nhiêu bạn bè trên Facebook và LinkedIn?

Mục đích của câu hỏi này là để biết mối quan hệ xã hội và công việc mọi người nghĩ là họ có. Câu trả lời cho câu hỏi này mà tôi nhận được luôn ở “hàng trăm” và thường là “hàng ngàn”, nhất là với những người trẻ tuổi. Nhiều người nghĩ rằng yếu tố then chốt của một sự nghiệp thành công là có nhiều mối quan hệ xã hội. Nhưng câu trả lời đó không phải là tất cả.

5. Bạn nghĩ bạn sẽ gặp được bao nhiêu người trong “công việc mơ ước”, những người thật sự thay đổi sự nghiệp và cuộc sống của bạn?

Tất nhiên, không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này, nhưng tôi sử dụng nó để so sánh và đối chiếu với câu hỏi bên trên. Theo kinh nghiệm cá nhân, khi nhìn lại những chặng đường nghề nghiệp lâu dài tại những buổi lễ ghi nhận công lao hay tiệc nghỉ hưu, mọi người thường tập trung vào một vài cá nhân đã tạo nên dấu ấn nổi bật trong sự nghiệp của họ. Họ không nói là “Tôi rất cám ơn 1.632 bạn bè trên LinkedIn của tôi”, mà họ nói rằng “Có ba (hoặc bốn, hoặc là năm) người đặc biệt đã biến mọi thứ thành có thể”.

Tất cả chúng ta đều phát hiện ra những người cho chúng ta bài học trong suốt sự nghiệp của mình, những người đó trở thành những người tư vấn, thầy giáo và người ủng hộ ta. Họ là người đấu tranh cho chúng ta và nói những điều tử tế sau lưng ta. Họ cho chúng ta công việc và tưởng thưởng ta. Họ như là đôi cánh cho sự nghiệp, như một bàn tay vô hình thúc đẩy chúng ta tiến lên. Mọi người hỏi tôi, “Tôi tìm những người này ở đâu và làm thế nào để tôi học hỏi họ?” Cách tốt nhất là hãy kiên nhẫn và cởi mở, khi bạn phát hiện ra một “quý nhân”, hãy cảm kích và nuôi dưỡng mối quan hệ đó.

Ở độ tuổi 20, mọi người có lẽ có ít nhất một cố vấn cho cuộc sống của mình. Ai là người khuyên nhủ bạn chọn trường Đại học? Ai là người đề xuất công việc đầu tiên cho bạn hoặc đề cử bạn thăng chức? Theo thời gian, thêm một cố vấn như thế sẽ xuất hiện và đôi khi một số khác sẽ mất đi, nhưng hãy luôn luôn nhớ rằng, ngoài kia một người nào đó luôn tồn tại trong một phần cuộc sống của bạn.

Khi bạn tìm thấy một cố vấn hay một “tư tưởng gia”, điều quan trọng là hãy cảm kích họ và gìn giữ mối quan hệ với những người này. Thường xuyên để họ biết bạn đang làm gì, chia sẻ những thành công và thất bại với họ, tham vấn lời khuyên và nhớ rằng, đối với cố vấn của bạn, trao đổi thông tin như thế không phải là một gánh nặng, đó là sự tán thưởng.

Vậy bài toán sự nghiệp này ý có nghĩa gì?

Bài toán sự nghiệp cho ta thấy một kết quả lớn lao và tuyệt vời, sự nghiệp là một hành trình xuyên suốt, thông thường kéo dài hơn 40 năm. Đa số mọi người ước tính tính sự nghiệp của họ ngắn hơn và thường bỏ lỡ nhiều cơ hội. Như một vận động viên marathon, bạn cần có tham vọng, kế hoạch, sự chuẩn bị và giác quan linh hoạt. Bạn cần sự nuôi dưỡng và đổi mới trong suốt chặng đường, sự dẫn dắt để vượt qua những tổn thương và khó khăn không thể tránh khỏi, và người ủng hộ là điều không thể thiếu.

Đối với tôi, những sự nghiệp thành công được thể hiện trong ba chương, mỗi chương kéo dài 15 năm. Mỗi giai đoạn đều khác nhau và chiến lược sự nghiệp của bạn cần được phát triển trong suốt cuộc hành trình.

PHẦN 2: TỪNG GIAI ĐOẠN CỦA SỰ NGHIỆP

GIAI ĐOẠN 1: NẠP NĂNG LƯỢNG

Có 3 loại năng lượng thúc đẩy sự nghiệp và để tận dụng tất cả lợi thế của giai đoạn 1, bạn cần tích trữ cả 3 loại năng lượng này:

– Kỹ năng mềm

– Kinh nghiệm thực tế

– Mối quan hệ bền vững

Kỹ năng mềm không chỉ là kiến thức hoặc chuyên môn, nó còn là những kỹ năng cơ bản đặt nền móng cho một sự nghiệp thành công lâu dài.

– Giải quyết vấn đề: Bạn có thể đánh giá vấn đề và lập kế hoạch kinh doanh?

– Giao tiếp: Bạn có thể nói và viết một cách thuyết phục?

– Bán hàng: Bạn có thể bán, thương lượng, và đạt được thỏa thuận?

– Phân tích: Bạn có thể nhìn vào một loạt dữ liệu và tìm ra những insight quan trọng?

– Đội nhóm: Bạn có thể huy động đội ngũ để hoàn thành mục tiêu?

– Tài năng: Bạn có thể thu hút và phát triển những tài năng xung quanh mình?

– Rủi ro và phán đoán: Bạn biết quá trình ra quyết định và chấp nhận rủi ro?

Một điểm đặc biệt đáng chú ý trong các kỹ năng mềm là khả năng tận dụng Internet. Đó là một lợi thế cạnh tranh của bạn hay là một điểm bất lợi trong hiệu quả công việc?

Khi nói về kỹ năng Internet, tôi không nói tới tốc độ gõ bàn phím, số lượng ứng dụng bạn dùng, hay các thiết bị Internet bạn sử dụng, ý tôi là 3 kỹ năng Internet của bạn như:

1. TÌM KIẾM TRÊN MẠNG:

Bạn tìm các nguồn thông tin nhanh và giỏi như thế nào? Internet thật sự là một bãi rác dữ liệu nên nhiệm vụ không chỉ là tìm kiếm thông tin không thôi, mà phải tìm đúng dữ liệu, đáng tin, mới mẻ và thật sự thuyết phục. Những người có thể tìm kiếm thông tin trên mạng một cách hiệu quả sẽ có những thuận lợi nhất định trong sự nghiệp của họ.

2. KHẢ NĂNG SÁNG TẠO NỘI DUNG:

Khởi điểm cơ bản, bạn có biết cách đăng một tấm hình đẹp hoặc tạo một blog cá nhân không? Hơn nữa, tôi tin rằng mỗi cá nhân thời nay đều phải biết cách làm một bài thuyết trình dài tối thiểu 10 phút (bằng Keynote hay Powerpoint cũng được…) và một đoạn video đầy thuyết phục kéo dài 3 phút trên YouTube.

3. KHẢ NĂNG XUẤT BẢN NỘI DUNG:

Một khi bạn đã có nội dung, bạn có biết dùng Internet để truyền tải nó một cách hiệu quả? Yếu tố nào để thu hút 1.000 lượt xem trên YouTube? Bạn làm sao để người xem chia sẻ link của bạn? Có được kỹ năng này đồng nghĩa với việc tầm ảnh hưởng của bạn được gia tăng một cách đáng kể.

Ba kỹ năng mềm trên sẽ định hình khả năng của bạn. Gọi là kỹ năng mềm vì bạn có thể áp dụng chúng vào từng công việc khác nhau và ở bất kỳ công ty nào.

Những kinh nghiệm hữu ích đến từ các trải nghiệm thử thách và phát triển bản thân.

Bạn sẽ phải ra khỏi vùng an toàn và xây dựng động cơ mới cho sự nghiệp. Bạn đã từng làm trong một tập đoàn lớn và một công ty khởi nghiệp chưa? Hay đi làm ở nước ngoài? Thành lập hoặc đầu tư vào một doanh nghiệp mới? Quản lý trong giai đoạn khủng hoảng? Khởi đầu đầy rủi ro? Đặt mình vào trong một sự kiện mà bạn chịu trách nhiệm cho sự thất bại hay thành công của nó?

Có nhiều kinh nghiệm thực tế sẽ giúp bạn trở nên dễ thích nghi và linh hoạt hơn.

Không chỉ phát triển mạnh trong môi trường được kiểm soát, như một bông hoa trong nhà kính, mà bạn còn đủ nghị lực để đứng vững trên đôi chân của mình và thu được kết quả trong những tình huống thay đổi nhanh và khác nhau.

Giai đoạn 1 là thời gian để bạn khám phá bản thân và khắc phục những điểm yếu của mình. Nếu bạn không giỏi khi phát biểu ở nơi công cộng, hãy tham gia các khóa học giao tiếp. Nếu cảm thấy khó khăn hoặc yếu kém so với các thành viên trong nhóm, hãy học về khả năng lãnh đạo. Học hỏi quan trọng hơn là thành công đơn thuần. Thất bại đôi khi xảy ra nhưng điều quan trọng là bạn được học hỏi và áp dụng kinh nghiệm từ thất bại này cho những thành công trong tương lai.

Các mối quan hệ bền vững bao gồm cả những thương hiệu bạn quản lý và những người bạn đồng nghiệp sẽ theo bạn suốt cuộc hành trình.

Nhà tuyển dụng luôn là người quan trọng, và hiện tại họ càng quan trọng hơn bao giờ hết. Giờ đây, mạng xã hội như LinkedIn đã làm cho toàn thế giới có thể thấy được những công ty mà bạn từng làm việc. Bạn có tự hào về những công ty đó không? Họ nói gì về bạn? Bạn được biết tới như thế nào khi bạn làm ở đấy (cả mặt tích cực lẫn tiêu cực)?

Nếu muốn biết các nhà tuyển dụng có danh tiếng gì, hãy tham khảo các nguồn như danh sách Những thương hiệu đáng giá nhất của thế giới (của BrandZ thuộc WPP) hoặc Những công ty đáng mơ ước nhất (của Tạp chí Fortune). Tôi không khuyến khích các bạn chỉ làm việc cho các công ty nổi tiếng, nhưng nếu được vậy thì quá tốt.

Tất cả mối quan hệ cá nhân rất quan trọng, bao gồm:

1. Cấp trên: Đây là mối quan hệ số 1 bạn cần trải nghiệm. Không ai có tác động nhiều bằng sếp trực tiếp của bạn (dù là tốt hay xấu). Bạn có học được những kinh nghiệm hay nhất và những thói quen tốt nhất? Bạn có đang làm việc cho một chuyên gia thực thụ? Bạn có được học hỏi từ một doanh nhân thực thụ, người sẽ dạy bạn về các rủi ro và những kỹ năng mềm khác?

2. Khách hàng: Những mối liên hệ cá nhân đều cần thiết trong mọi ngành nghề, đặc biệt là marketing, kinh doanh và dịch vụ. Sẽ thật là tuyệt vời khi khách hàng đánh giá cao và sẵn sàng đi theo bạn nếu bạn đổi công việc, đổi công ty hoặc thậm chí là đổi lĩnh vực làm việc. Tôi đã thử hỏi nhân viên của tôi tại Ogilvy rằng: Nếu đăng bản thân bạn trên eBay, khách hàng nào sẽ “đấu giá” cho bạn và yêu cầu vì tên tuổi bạn?

3. Đối tác kinh doanh: Bạn có đang được làm việc cùng những đối tác kinh doanh tuyệt vời, những nhà tư vấn, agency, dịch vụ công nghệ, nhà tuyển dụng, những người có thể hỗ trợ và giúp đỡ ngay cả khi sự nghiệp của bạn đang xuống dốc? Càng lên cao, sự nghiệp càng trở nên đơn độc và đáng sợ. Càng lên cao, bạn thường muốn biết tất cả các câu trả lời và đôi khi đồng nghiệp trở thành những đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, không gì tốt hơn khi bạn có một danh sách những người có thể đứng về phía bạn.

4. Tài năng xung quanh bạn: Bạn có được gặp các nhà lãnh đạo hàng đầu và những chuyên gia thực sự trên con đường nghề nghiệp? Sau đây là một câu hỏi hay cho chính bạn: “Nếu tôi bắt đầu một công ty, tôi sẽ chọn ai xung quanh mình để làm việc cùng (và họ có chấp nhận khi tôi ngỏ ý)?”

Đây là một thông điệp quan trọng cho giai đoạn 1 – đặc biệt với thế hệ từ 8x trở đi. Đừng bi quan nếu bạn chưa phải là một Giám đốc cấp cao hay CEO của một công ty start-up vào tuổi 28. Cuộc chơi chưa kết thúc, nó chỉ mới bắt đầu. Tập trung học hỏi và trải nghiệm. Hãy nghĩ về tiến trình và đường tắt. Thay vì băn khoăn và bị ám ảnh, hãy bắt đầu xây dựng những hoạt động thường ngày góp phần thiết lập kỹ năng cho sự nghiệp của bạn.

Nếu đang tích góp các kỹ năng mềm, những kinh nghiệm hữu ích cùng mối quan hệ bền vững xuyên suốt ở giai đoạn 1, thì bạn đã đang nạp đầy năng lượng và định hướng bản thân trên con đường sự nghiệp phía trước. Khi đó, giai đoạn này sẽ khép lại với một nền tảng vững chắc và tràn đầy năng lượng.

GIAI ĐOẠN 2: PHÁT TRIỂN THẾ MẠNH CỦA BẠN

– Phát huy ưu điểm

– Tìm kiếm đam mê

– Thiết lập tham vọng

– Khác biệt có ý nghĩa

Khi bạn bước vào giai đoạn 2 (sau 15 năm làm việc), bạn sẽ có bức tranh toàn cảnh về thế mạnh và sở thích của mình. Nếu không chắc, bạn có thể tham khảo ý kiến những người xung quanh, cố vấn hay người thầy của bạn.

Đây là lúc bạn phải biết cách tạo ra sự khác biệt của bản thân so với những người khác và đưa ra những lựa chọn quan trọng hơn trong nghề nghiệp. Hãy phát huy thế mạnh chủ lực và thúc đẩy bản thân để phát triển chúng. Ở giai đoạn này, rất khó để khắc phục điểm yếu. Tốt nhất bạn nên tập trung vào ưu điểm và đặt mình vào giữa những người có thể bổ sung, bù đắp những điểm bạn không giỏi.

Ở đầu giai đoạn 2, bạn phải vẽ ra hai hoặc ba con đường thật sự bền vững và bắt đầu chinh phục chúng. Phải là nhiều đường đi vì sẽ có rất nhiều thứ xuất hiện làm gián đoạn một lối nào đó trong sự nghiệp.

Để bắt đầu, hãy viết ra vài hoài bão và hướng đi về nơi bạn mong muốn đến. Không cần đưa ra thời gian biểu về nó, bạn chỉ cần mở ra vài lựa chọn và bắt đầu xem xét. Với những 2 hoặc 3 điều ưu tiên nhất, hãy tự hỏi mình các câu hỏi sau:

1. Điều này có thể hiện được điểm mạnh của tôi không?

Đây có phải là thứ tôi thực sự giỏi? Mọi người (đặc biệt là cố vấn đáng tin cậy) có đồng ý đây là ưu điểm của tôi?

2. Liệu con đường này có chứa đựng sở thích và đam mê của tôi?

Một hành trình sự nghiệp tốt đôi khi sẽ kết nối trực tiếp với sở thích lớn nhất của bạn (như thể thao, âm nhạc, vườn tược, động vật, du lịch,…), nhưng bất kỳ hướng đi nào cũng cần phải dành chỗ cho bạn theo đuổi đam mê. Trong trường hợp bản thân tôi, tôi yêu âm nhạc và du lịch, tôi không làm việc trong lĩnh vực âm nhạc và lĩnh vực du lịch hằng ngày, nhưng công việc của tôi là trong lĩnh vực quảng cáo toàn cầu, vì thế xung quanh tôi là âm nhạc và đi công tác là một phần trong sự nghiệp của tôi.

3. Con đường này có cho tôi một tương lai hứa hẹn về công việc và tài chính bền vững?

Hãy tìm hiểu về các xu hướng và tốc độ tăng trưởng của các ngành nghề bạn đang xem xét. Không phải tất cả con đường sự nghiệp được tạo ra đều tương tự nhau. Có nhiều nguồn dữ liệu có sẵn có thể giúp bạn đánh giá tiềm năng lâu dài của ngành mà bạn đang hướng tới. Tiền bạc không phải là vấn đề chính nhưng bạn thật sự cần chú ý vào các ngành nghề đang phát triển nhanh lẫn các ngành đang bị thu hẹp lại. Rất khó thích công việc trong một ngành có xu hướng ngày càng teo top.

Khi phân tích, hướng đi của bạn nên thể hiện vài hoài bão tích cực. Ví dụ:

– Trở thành Giám đốc khu vực của công ty hiện tại

– Trở thành một chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực X

– Bắt đầu việc kinh doanh nhỏ trong ngành bạn yêu thích.

Bạn sẽ đánh đổi những gì hôm nay để “chiến thắng” một trong những công việc đó? Một sự nghiệp thành công thường có nhiều may mắn, nhưng sau 35 năm quan sát, tôi phải nói là đa số mọi người đạt được thành công ở những vị trí cao là do họ vượt trội hơn những người khác.

Nếu bạn là một thương hiệu, thì bạn đang ở trên kệ siêu thị cùng các đối thủ là các thương hiệu cá nhân nổi tiếng khác. Khi cơ hội nghề nghiệp hay sự thăng chức được mở ra, cấp trên sẽ xem xét một giải pháp cho vấn đề của họ và bạn cần sếp chọn bạn.

Một số người không đồng ý về khái niệm thương hiệu cá nhân. Dù bạn có thích hay không thì cấp trên và các công ty vẫn liên tục tìm kiếm tài năng và vấn đề là bạn có nằm trong danh sách đó hay không.

Mọi người hỏi tôi yếu tố gì góp phần vào chiến thắng trong cuộc chiến của các thương hiệu cá nhân, để được nhận biết và được thể hiện? Một yếu tố mà tôi cho là ngày càng trở nên quan trọng trong nghề nghiệp, đó là “vị thế mạng xã hội”, một thước đo hoạt động của bạn và sự tôn trọng dành cho bạn trên các trang mạng xã hội. Nhà tuyển dụng thường xuyên xem hồ sơ của bạn trên LinkedIn và những thông tin được công khai trên Facebook. Một vài ứng viên còn gợi ý liên kết với hồ sơ của bạn bên Twitter hoặc blog. Điều gì xảy ra khi họ tìm tên bạn trên Google hoặc Bing? Đừng ngạc nhiên hay cảm thấy tổn thương. Họ không xâm phạm sự riêng tư của bạn, họ chỉ thực hiện kỹ năng hiện đại để xem bạn cư xử thế nào trên mạng xã hội.

Tôi không tin rằng thăng tiến công việc đến từ việc tự tâng bốc bản thân hay là sự đối đầu quyết liệt. Quan trọng hơn là bạn phải giỏi về việc gì đó, bạn phải thể hiện nó và có được danh tiếng như là người có thể làm được việc đó xuất sắc.

Nếu bạn là một người giỏi giao tiếp, hãy trở thành một người thuyết trình hay nhất trong công ty. Nếu bạn có khả năng kết nối, hãy nhận thử thách khó khăn trong nhóm để thể hiện khả năng kết nối đội ngũ của bạn. Nếu bạn là người có hiệu quả làm việc cao, hãy thể hiện nó. Một trong những đồng nghiệp của tôi có danh thiếp đề tên cô ấy là CEO. Cô ấy tự hào nói rằng nó là “chief execution officer” chứ không phải “chief executive officer” (tạm dịch: “giám đốc điều phối” chứ không phải “giám đốc điều hành”). Không sao cả, điều này cũng có giá trị nhất định, hãy lựa chọn điều gì đó có ý nghĩa đối với bản thân mình. Và làm hết sức đi nào!

GIAI ĐOẠN 3: CHUYỂN GIAO

– Kế nghiệp

– Cho lời khuyên

– Truyền đạt

– Cố vấn

– Luôn đổi mới

Thông thường, những năm cuối cùng của sự nghiệp thường được đánh dấu bằng những ngày chờ nghỉ hưu buồn bã. Theo quan điểm riêng, tôi nghĩ giai đoạn 3 của sự nghiệp rất ý nghĩa và bền vững, nhưng nó cần có sự định hướng, chuẩn bị đúng đắn cho những điều sắp đến.

Mục đích ở giai đoạn này là sự chuyển giao: Kết thúc quá trình tìm kiếm người kế nghiệp, từ vai trò giám đốc hay dẫn dắt, giờ đây bạn là người cố vấn.

Đây là thời điểm chàng sinh viên ngày nào trở thành người thầy, người học hỏi trở thành tham vấn, trưởng nhóm trở thành người góp ý kiến đáng giá.

Kế nghiệp: Tôi làm gì để trang bị cho thế hệ tiếp theo để thành công trong công ty? Có thể liệt kê hàng hoạt công việc như từ sự chuyển giao các nhiệm vụ đơn giản cùng những bài học có được, cho đến khả năng lãnh đạo cũng như quyền sở hữu.

Tư vấn và cố vấn: Các công việc và cuộc hẹn tư vấn sẽ rất thú vị ở giai đoạn 3 nếu bạn có thể đảm đương, nhưng bạn cần xem xét các kinh nghiệm và mối quan hệ đã tích lũy được ở giai đoạn 2. Ngày nay nhu cầu tìm kiếm các cố vấn cấp cao luôn hiện hữu. Theo đó là sự cạnh tranh gay gắt mang chúng ta trở lại với câu hỏi chua cay của eBay: “Bây giờ bạn đã trang bị đủ kỹ năng và mối quan hệ cần thiết để người ta sẵn sàng trả cho bạn 1 đống tiền chưa?” Không ai trả tiền chỉ để nghe bạn nói hay mời bạn về ngồi không trong hội đồng quản trị. Bạn cần phải chứng tỏ giá trị và kinh nghiệm của mình.

Dạy học: Đối với tôi, dạy học là một phần tưởng thưởng cho kinh nghiệm ở giai đoạn 3. Hãy nghĩ xa hơn về những điều bạn biết và những người bạn dạy. Bạn có thể nhắm đến công việc “đạo mạo” như giáo sư đại học hoặc gần gũi hơn như việc dạy các lớp nhỏ. Các trường dành cho người đi làm có hàng trăm khóa học về kinh doanh, nghệ thuật, ngôn ngữ, kỹ năng sống, sở thích và kỹ thuật. Bạn sẽ dạy ngành nào?

Cộng đồng: Gần đây, những người về hưu thường nói về hy vọng được tham dự vào một vài ủy ban của cộng đồng nhưng họ giật mình khi thấy vai trò này sẽ cạnh tranh và được đòi hỏi nhiều thế nào. Thật ra, tôi không muốn bất kỳ ai trong ủy ban chỉ ngồi và làm chủ tịch, tôi muốn một tình nguyện viên có thể nói họ muốn góp phần vào nhiệm vụ thú vị này thế nào. Bạn cần phải năng động hơn, hãy thực hiện công việc, đóng góp công sức và bạn sẽ không bị thẩm tra ngược lại.

Để giai đoạn 3 trở nên hiệu quả, bạn phải đổi mới và thích nghi. Mọi người trân trọng quá khứ của bạn, nhưng chỉ đánh giá nó dựa trên những hoạt động và thử thách hiện tại. Nếu bạn không thay đổi kịp thời và phù hợp, đừng mong mọi người lắng nghe bạn. Chắc chắn họ sẽ không thuê bạn. Thích nghi là một phần công việc của bạn ở giai đoạn 3.

Quan điểm sau cùng về sự nghiệp

Giống nhiều người, bạn bỏ nhiều thời gian làm việc dưới áp lực, tại sao bạn không tái đầu tư 1 ít thời gian và nỗ lực để xem xét về chiến lược và con đường cho sự nghiệp của mình? Hãy thực hiện bài toán nghề nghiệp cơ bản, đầu tư vào kỹ năng mềm cần thiết, và những thứ sẽ đẩy bạn tiến lên phía trước. Hãy nói chuyện với cấp trên và người cố vấn mà bạn tin tưởng nhất. Hãy bắt đầu định hình điểm mạnh bản thân và đánh thức đam mê của mình. Xem xét danh mục thời gian và suy nghĩ nên đầu tư thời gian quý báu của mình như thế nào? Nó có đang thay đổi liên tục không? Nó có đang tạo dựng kỹ năng và mối quan hệ mới không? Nó sẽ dẫn dắt bạn tới một điểm đến tốt hơn trong sự nghiệp của bạn chứ?

Hơn tất cả, hãy tận hưởng hành trình này, một hành trình rất dài.

Nguồn: Brian Fetherstonhaugh / Brands Vietnam

Tuổi trẻ ba “KHÔNG”: Không tiền tài, không kinh nghiệm, không tích lũy; nhưng lại là…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *