VÌ SAO CÁC VỊ VUA NHÀ TRẦN KHÔNG CƯỚI NGOẠI TỘC?

Hôn nhân của các vua Trần được coi là đặc biệt trong lịch sử Việt Nam vì xu hướng chủ đạo là kết hôn với người trong họ. Trong số 11 vua Trần (trừ Trần Thiếu Đế quá nhỏ) lập hoàng hậu thì có 9 người chọn chính cung là người cùng họ. Ngoài việc để củng cố quyền lực, tránh họa ngoại thích thì các mối duyên thời kỳ đầu còn nhằm để hóa giải mối oan tình giữa hai nhánh.

Nhiều người cho rằng mối oan tình này bắt nguồn từ chuyện Thái sư Trần Thủ Độ. Năm 1237, sau 12 năm vua Trần Thái Tông lên ngôi mà không có con nối dõi, lo sợ nhà Trần bị tuyệt hậu, thái sư Trần Thủ Độ gây sức ép để vua phế hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng và cưới chị dâu là công chúa Thuận Thiên khi đó đang làm vợ và có thai 3 tháng với Trần Liễu (anh trai của vua Trần Thái Tông). Trần Liễu căm hận khi mất cả vợ lẫn con trong bụng (sau khi Quốc Khang ra đời thì nhận Trần Thái Tông là cha). Vì vậy, sử chép “Trần Liễu tức giận, tụ tập nhiều người ở sông Cái, nổi loạn”

Thời ấy, việc kết hôn với chị em họ cũng không bị phán xét hay cấm đoán gì cả. Thời phong kiến cho phép đa thê nên việc kết hôn với chị vợ cũng không phải là vấn đề gì to tát. Tuy nhiên, việc lấy chị dâu thì bị coi là vi phạm luân thường đạo đức nghiêm trọng.

Trần Thái Tông khi ấy muốn tìm cách hóa giải mối hiềm khích giữa hai anh em. Vì vậy, không chỉ đảm bảo tính mạng, phong đất cho anh trai Trần Liễu, Trần Thái Tông còn dùng hôn nhân để hóa giải mối oan tình sâu nặng giữa con cháu mình và con cháu của Trần Liễu. Năm 1258, Trần Hoảng, tức Trần Thánh Tông (con trai của Trần Thái Tông và Thuận Thiên công chúa) lên ngôi. Ngay sau khi lên ngôi, vào tháng 8 năm đó, Trần Thánh Tông lập Trần Thị làm Hoàng hậu. Trần Thị là con gái An Sinh vương Liễu, nhà vua lấy làm vợ, phong là Thiên cảm phu nhân, rồi lại sắc lập làm Hoàng hậu.

Thời điểm đó, việc Thánh Tông lấy ai hay lập ai làm hoàng hậu đều do vua cha Trần Thái Tông chủ trì. Do Thái Tông rất muốn hàn gắn quan hệ giữa hai nhánh nhà Trần nên muốn con trai mình lấy con gái của Trần Liễu. Như vậy thì người về sau lên ngôi kế thừa cơ nghiệp nhà Trần sẽ là hậu duệ của hai nhánh.

Tâm nguyện hóa giải oan tình đó của Trần Thái Tông đã được nhấn mạnh thêm lần nữa trước khi qua đời. Năm 1276, khoảng 7 tháng trước khi Trần Thái Tông qua đời thì cháu nội của ông là Trần Nhân Tông và Bảo thánh phu nhân đã sinh ra Trần Thuyên, tức Trần Anh Tông. Để làm vui lòng Thái thượng hoàng, Trần Thánh Tông đã phong luôn cho Trần Anh Tông là hoàng thái tôn. Như vậy, rất hiếm hoi trong lịch sử nước ta mà lúc đó định danh sẵn 4 vị vua quá khứ lẫn tương lai là Trần Thái Tông (thái thượng hoàng) – Trần Thánh Tông (vua) – Trần Nhân Tông (hoàng thái tử) – Trần Anh Tông (hoàng thái tôn) và trong số đó thì Nhân Tông và Anh Tông mang trong mình cả dòng máu hai nhánh Thái Tông Trần Cảnh – Trần Liễu.

Vì lo sợ ngoại thích ảnh hưởng đến nhà Trần mà Trần Thủ Độ đã tiêu diệt toàn bộ tôn thất nhà Lý hay ép vua Trần Thái Tông lấy chị dâu của mình để rồi kéo theo một vòng luẩn quẩn huyết tộc anh em trở thành vợ chồng. Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, cuối cùng nhà Trần cũng mất nước trong tay Hồ Quý Ly – một ngoại thích từ những dòng nhánh không thể ngờ tới nhảy vào.

Trước sự việc Trần Thủ Độ ép vua Trần Thái Tông cưới chị dâu của mình cũng vì nghĩ cho đất nước, nhằm mục đích duy trì tôn thất. Nhưng không ít người cho rằng ông lộng hành, muốn “một tay che trời”, thao túng triều đình theo ý mình. Các bạn nghĩ sao về vấn đề này?

Tài liệu tham khảo I Một thế giới

Ký ức Việt Nam – Memories Of Vietnam

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *