Những tác phẩm nên đọc của Văn học Nhật Bản

Những tác phẩm nên đọc của Văn học Nhật Bản
Các bạn băn khoăn trước bạt ngàn những tựa sách hay mà không biết chọn ra cho mình một vài cuốn “nền”, cơ bản trước hay còn gọi là “must read” của văn học Nhật Bản? Bài viết dưới đây mình xin phép gợi ý một vài tựa sách nên đọc theo thiển ý của mình.
Death in the midsummer and other stories (tạm dịch: Chết giữa mùa hè và những truyện ngắn khác – Yukio Mishima)
Cuốn sách là tuyển tập những truyện ngắn dằn vặt mang đậm nét hài kịch đen, xoay quanh những mối quan hệ phức tạp và rối rắm của đại văn hào Yukio Mishima. Cái oi bức ngột ngạt của mùa hè được đặt lên trang giấy tương phản với sự trống vắng, lạnh lẽo trong tâm can. Tuyển tập là những câu chuyện về quan niệm thế thái nhân tình, một vị cao tăng vướng vào tà niệm trần tục với nàng thứ phi hoàng tộc, một chàng trai giả gái say sưa với những vở kịch Nô, một khung hình có trung úy Nhật Bản tự sát bằng seppuku để thể hiện lòng trung thành. Những cái chết trong truyện có nhiều nét tương đồng với cái chết của chính tác giả sau này. Mishima đã mổ bụng tự sát vào năm 45 tuổi để bảo vệ đức tin của mình.
Tuyển tập truyện ngắn – Tanizaki Junichiro
Tanizaki Junichiro vốn được mệnh danh là một trong những văn hào tài hoa nhất của Nhật Bản, với những áng văn chương diễm tình phơi bày ẩn ức của con người. Tuyển tập truyện ngắn gồm 10 truyện, đều viết về những góc khuất, những ám ảnh tình dục mà người trong cuộc không biết kể cùng ai. Motif người đàn bà độc ác với bạn tình tiếp tục được khai thác qua Xâm mìnhNgười cắt lau, nhưng mỗi truyện lại mang một màu sắc riêng biệt. Sắn dây núi YoshinoMộng phù kiều phảng phất phức cảm Oedipus – ái mẫu. Mộng phù kiều còn là bài toán hóc búa cho người đọc khi mở ra một kết thúc nhiều tranh cãi, cuối cùng ai mới là kẻ đã ra tay? Con mèo, Shozo và hai người đàn bà lại đi sâu vào tình tiết con mèo được sủng ái hơn cả hai người vợ, một câu chuyện ngược đời.
Xứ tuyết – Yasunari Kawabata
Như một câu chuyện cổ tích nhẹ nhàng về miền tuyết trắng, Xứ tuyết đưa người đọc đến với chuyện tình tay ba giữa Shimamura, một chàng trai nhà giàu, đam mê nét đẹp truyền thống và hai cô geisha. Yoko và Komako, hai tính nữ trong truyện người trẻ trung, nhiệt huyết, người thuần khiết, nhưng xa vời khó nắm bắt. Hai cô gái tượng trưng cho hai tính nữ đối lập hoàn toàn gây ấn tượng mạnh mẽ trong câu chuyện thấm đẫm khao khát tận hưởng mĩ vị lạ kì. Mọi vẻ đẹp chỉ hoàn hảo khi vương vất nỗi buồn.
The Tale of Genji (tạm dịch: Truyện kể Genji) – Murasaki Shikibu
Truyện kể Genji có lẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất của Nhật Bản, cuốn sách đã khơi nguồn cảm hứng cho biết bao tác phẩm sau này, thậm chí tại các trường trung học Nhật Bản, học sinh đều phải học về Genji như một phần bắt buộc trong chương trình. Cuốn sách được viết vào thế kỉ 11, bởi một nữ sĩ cung đình đã nhanh chóng trở thành hiện tượng có một không hai vào thời kì tiền Phục hưng, khi mà tiểu thuyết châu Âu mãi thế kỉ 16 mới ra mắt bởi Miguel de Cervantes với tác phẩm Don Quihote.
Cuốn sách xoay quanh hình tượng nhân vật hoàng tử Genji với những cuộc phiêu lưu tình ái trong phần chính và Kaoru, người con trai trên danh nghĩa của Genji trong phần sau cùng thị thiếp. Truyện kể Genji cho người đọc cái nhìn về những góc khuất trong hoàng tộc, mối tình loạn luân đầy phức tạp giữa Hikaru Genji và người mẹ kế và vô vàn những chuyện tình ngang trái của Hikaru Genji với những nàng thơ đã đi qua đời ông.
Sanshiro – Natsume Soseki
Hầu hết người dân Nhật Bản sẽ phải đọc một cuốn tiểu thuyết của Natsume Soseki ít nhất một lần trong đời. Văn chương của Soseki là chìa khóa cho sự hiểu biết về lịch sử Nhật Bản cận-hiện đại; các tác phẩm của ông nắm bắt được linh hồn của thời kỳ Minh Trị. Natsume Soseki thể hiện cái nhìn phi thường sâu sắc vào một Nhật Bản đang trở mình hiện đại hóa nhanh chóng, một Nhật Bản bối rối trước những biến động không ngừng dưới ánh sáng của văn minh phương Tây.
Sanshiro là một trong những tiểu thuyết được yêu thích nhất Natsume Soseki. Sanshiro là hiện thân của tất cả các nghi ngờ, hứng thú và hoang đường của thời kỳ Minh Trị. Sanshiro là chân dung toàn hảo nhất về lớp trẻ Nhật Bản trong giai đoạn giao thời, là hình ảnh kiêu ngạo ngây thơ nhưng lại rất tinh tế sâu sắc của một thanh niên trong thời điểm xã hội giao tranh cũ mới; trước những truyền thống tập tục và đạo đức cũng đang dần phải thích ứng với những biến động của đất nước, một Nhật Bản đang trở mình trước bình minh phương tây. Câu chuyện hài hước, hình ảnh lãng mạn, ý tưởng tinh tế cùng với những triết lý sâu xa đã đưa Sanshiro thành một tiểu thuyết của thời đại.
The Waiting Years (tạm dịch: Năm tháng đợi chờ) – Fumiko Enchi
Câu chuyện được viết dưới thời Meiji, kể về một mối tình đẹp và buồn. Tomo – nhân vật nữ chính luôn phải giằng xé tâm can khi chứng kiến người chồng lăng nhăng bên mình. Mỗi một người phụ nữ bước vào cuộc sống gia đình họ lại càng thêm xác nhận sự bất lực của Tomo.
Fumiko Enchi là một trong những nhà văn được biết đến nhiều nhất ở Nhật Bản. Tác phẩm của bà phản ánh tình cảnh người phụ nữ Nhật trong xã hội nam quyền, vị thế phụ nữ bị xem nhẹ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *